Trước nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng vọt trong dịch Covid-19, PGS.TS Tomoaki Okuda, thuộc bộ môn Hóa học Ứng dụng, khoa Khoa học và Công nghệ, ĐH Keio, Nhật Bản, đã so sánh hiệu quả giữa khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang tự chế từ khăn giấy và bằng vải.
Theo AsiaOne, ông sử dụng máy quét tạo hạt di dộng (SMPS) để đo khả năng lọc hạt trong không khí của 3 loại khẩu trang trên. TS Okuda dùng máy hút không khí trong phòng rồi đo nồng độ hạt trên từng cm3.
Ông điều chỉnh thiết bị để tìm các hạt có kích thước tương tự virus, đường kính khoảng 20-100 nanomet.
Tiếp đến, phó giáo sư lần lượt quấn 3 loại khẩu trang quanh vòi hút và đo số lượng hạt nhỏ có thể đi qua đó. Kết quả thu được khá bất ngờ.
Khi dùng khẩu trang y tế mua tại cửa hàng bịt quanh vòi hút, SMPS đo được khoảng 1.800 hạt/cm3 đi qua vòi. Như vậy, khẩu trang có thể chặn xấp xỉ 70%. Đây là tỷ lệ chặn cao đối với các hạt có kích thước tương đương virus.
Sau đó, PGS.TS Okuda gấp đôi 3 tấm khăn giấy để thí nghiệm khả năng chặn hạt của khẩu trang từ 6 lớp khăn giấy. SMPS đo được 1.000 hạt/cm3 đi qua vòi, tức tỷ lệ chặn lên đến 80%, cao hơn con số này ở khẩu trang y tế.
Khẩu trang tạm thời từ khăn tay gấp 3 lần (chất liệu vải) cho kết quả tương tự khẩu trang phẫu thuật - 1.800 hạt/cm3, tỷ lệ chặn đạt 70%.
Ngoài ra, ông thí nghiệm thêm khi không bịt vòi hút không khí, 6.000 hạt/cm3 đi qua vòi. Điều này có nghĩa nếu không đeo khẩu trang khi đứng cạnh người mắc Covid-19, con người sẽ hít vào rất nhiều hạt chứa virus và bị lây nhiễm.
Từ kết quả thí nghiệm trên, PGS.TS Tomoaki Okuda kết luận đeo khẩu trang giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Đáng ngạc nhiên, khẩu trang thời trang từ khăn tay có hiệu quả phòng virus lây lan tương đương khẩu trang y tế. Đặc biệt, khẩu trang từ khăn giấy ngăn ngừa virus hiệu quả nhất trong 3 loại chất liệu.
Theo Zing