|
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia chống dịch bệnh truyền nhiễm |
Ca nhiễm tăng cao là đương nhiên
Phóng viên: - Thưa bác sĩ, quan sát tình hình hiện tại người dân đang về quê ăn Tết rất đông, có thể dự đoán được sau Tết chắc chắn số ca nhiễm ở nhiều vùng miền, tỉnh, thành phố sẽ tăng? Ý kiến của bác sĩ về việc này thế nào?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Số ca nhiễm tăng lên là điều đương nhiên. Nhưng chuyện này không đáng ngại. Quan trọng nhất là độ phủ vaccne, tỉ lệ tiêm ngừa Covid-19 ở Việt Nam rất cao, TP.HCM và Hà Nội đều đã tiêm tăng cường mũi thứ 3 và tiêm cho trẻ đủ 12 tuổi trở lên. Cho nên khi số ca nhiễm tăng thì tỉ lệ chuyển nặng và nhập viện cũng sẽ không cao như trước đây.
Không nên và không thể ngăn cản chuyện người dân đi về quê đón Tết. Nếu người dân sau khi di chuyển về quê tuân thủ tự cách ly theo dõi tại nhà và hạn chế giao tiếp chỉ trong gia đình, người thân, không tham gia các hoạt động cộng đồng, chen lấn ở lễ hội đông người, đi chùa đầu xuân… thì không đáng lo.
*Với số ca nhiễm lớn như Hà Nội hiện tại, trung bình xấp xỉ 3.000 ca mỗi ngày, theo bác sĩ, hậu Tết nguyên đán sẽ thế nào?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Hà Nội chưa thể ổn ngay được. Với số ca nhiễm tăng cao như hiện tại, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là không tổ chức hoạt động cộng đồng, không tập trung đám đông. Người từ các tỉnh thành phố khác về Hà Nội chỉ nên giao tiếp với người thân.
*Liệu có đáng lo khi Hà Nội phải tiếp nhận một số lượng lớn người từ các tỉnh thành khác hạ cánh xuống Hà Nội rồi mới toả về các địa phương, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Không đáng lo, nguy cơ lây nhiễm với nhóm di chuyển này không cao vì tất cả những người này hầu hết đã được chích ngừa và đây không phải là tập trung đám đông. Thêm nữa, đến thời điểm này, đừng có mong số ca nhiễm sẽ không tăng. Quan trọng nhất là kháng thể cộng đồng đã tăng lên rồi.
|
Bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích về tình hình dịch bệnh. Ảnh: Hoà Bình |
Đừng mong “Zero COVID”
*Như tình hình hiện tại, dự báo Hà Nội đã lên đến “đỉnh dịch” chưa thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Có lẽ Hà Nội còn kéo dài tình trạng có số ca nhiễm lớn đến khoảng hết tháng 2 mới bắt đầu giảm xuống. Nhưng giao thương là điều cần thiết, không được phép đóng cửa giãn cách quá chặt, hãy để hoạt động kinh tế được diễn ra bình thường.
Tết là đoàn viên và an toàn, gặp gỡ đúng nhóm người mình cần đoàn viên thôi, đừng ham tham gia các hoạt động cộng đồng, chen lấn giữa đám đông không quen biết thì sẽ hạn chế lây nhiễm.
*Chắc chắn không còn viễn cảnh “Zero COVID” đúng không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Tôi khẳng định chúng ta phải chấp nhận tình trạng có ca nhiễm. Có điều, cần phòng tránh tối đa, không để số ca nhiễm tăng đến mức độ quá tải y tế. Nếu số ca nhiễm tăng quá nhanh và trong một thời gian ngắn thì tỉ lệ nhập viện và tử vong cũng tăng theo. Hệ thống y tế sẽ quá tải, lực lượng lao động sẽ thiếu hụt, chuỗi sản xuất sẽ đứt gãy.
*Mới đây, TP.HCM là địa phương đầu tiên phát hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, với nguồn lây từ người nhập cảnh. Bác sĩ nhận định thế nào về biến chủng này?
|
Nhiều hoạt động ở TP.HCM đã dần đưa cuộc sống trở lại bình thường |
|
Mua báo xuân gây quỹ từ thiện ở Hội báo xuân Tết Nhâm Dần - TP.HCM |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Không nên quá sợ hãi biến chủng Omicron. Những nơi nào “sóng” Delta đã tới thì “sóng” Omicron có đổ vào cũng không quá nặng nề. Hơn nữa, trước sau gì, biến chủng này cũng tới. Vấn đề là kiểm soát để nó tới từ từ, phủ vaccine cho tốt thì số ca nhiễm tăng cũng không làm quá tải hệ thống y tế. Đừng có tâm lý “xả giàn”, đi nhiều lễ hội sẽ khiến lây nhiễm Omicron tăng nhanh, chúng ta sẽ mất kiểm soát.
*Thưa bác sĩ, vậy hệ thống y tế nên có những động thái chuẩn bị như thế nào cho phù hợp với giai đoạn Tết nguyên đán?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Ngành y tế nên chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc điều trị, mạng lưới cung cấp ô xy, nhân sự “trực chiến”. Nếu số ca nhiễm tăng nhưng không dẫn tới quá tải bệnh nặng và chưa gây hoảng loạn trong người dân thì có nghĩa là công tác phòng, chống dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát.
Khi mắc bệnh, người dân hiện nay đã và vẫn đang bình tĩnh chờ lực lượng y tế tới, và nếu lực lượng y tế chưa tới được thì cũng có nhiều nguồn giúp đỡ, hỗ trợ để vượt qua dịch bệnh chứ không phải trong tình cảnh quá tải dẫn tới kiệt quệ về con người và nguồn lực y tế. Đừng có mong là không địa phương nào còn ca nhiễm. Quan trọng nhất là tăng sức đề kháng, phủ vaccine, không tổ chức các hoạt động cộng đồng thì từ từ rồi dịch sẽ qua.
*Xin cảm ơn bác sĩ!
Hoà Bình (thực hiện)