Cách nào để Hà Nội không lặp lại kịch bản đỉnh dịch đau thương của TP.HCM?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với tốc độ ca nhiễm mới tăng lên xấp xỉ 3.000 F0 mỗi ngày kéo dài không giảm, liệu Hà Nội có bị lặp lại kịch bản đỉnh dịch đau thương mà TP.HCM đã vất vả đi qua?
Chăm sóc bệnh nhân nặng COVID-19 ở Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM trong giai đoạn đỉnh dịch. Ảnh: Hoà Bình
Chăm sóc bệnh nhân nặng COVID-19 ở Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM trong giai đoạn đỉnh dịch. Ảnh: Hoà Bình

F0 ra phường lấy thuốc tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng

Nhiều ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp ở trong tình trạng có thêm xấp xỉ 3.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, chưa hề có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Với đà tăng này, từ giờ cho tới tết nguyên đán, số F0 có thể tăng lên đến rất cao, do số lượng lớn người từ các địa phương khác có nhu cầu trở về đón Tết ở quê hương sẽ trở về Thủ đô hoặc đa phần đều phải đi qua Hà Nội sau đó mới về các tỉnh thành.

Thực tế là, hiện nay gia đình của nhiều F0 cho hay mặc dù người nhà chuyển nặng nhưng không tìm được nơi nhập viện. Đặc biệt là, F0 ở nhiều quận trên địa bàn Hà Nội đang cho biết, dù cả nhà đều là F0 nhưng vẫn được Y tế yêu cầu ra phường test và nhận thuốc, chứ phường không đủ lực lượng để đến tận nhà test và đưa thuốc.

Thực tế này khiến nhiều người ngỡ ngàng, khó hiểu. Bởi về nguyên tắc F0 bắt buộc phải cách ly với cộng đồng. Giai đoạn trước với số F0 nhỏ thì yêu cầu cách ly tập trung. Giai đoạn này, số lượng F0 lớn thì vẫn phải tuân thủ cách ly tại nhà.

TP.HCM trong giai đoạn đỉnh dịch (hồi tháng 7,8,9/2021), thiếu trầm trọng nhân viên y tế, buộc phải xin cứu trợ từ các tỉnh, thành bạn,, nhưng cũng chưa bao giờ có bất cứ phường nào yêu cầu người F0 ra trạm y tế phường lấy thuốc. Toàn bộ các gói thuốc A, B, C đều được nhân viên y tế phường, tình nguyện viên đến phát tận nhà F0. Lực lượng tình nguyện cũng sẵn sàng đến từng nhà để hỗ trợ điều trị, tư vấn, an ủi, động viên F0 yên tâm điều trị.

Và toàn bộ các F0 mắc mới hiện nay tại TP.HCM, dù không nhập viện thì đều được lực lượng y tế phường chăm sóc chặt chẽ, phát thuốc, test định kỳ, tư vấn điều trị tại nhà bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Bác sĩ tại Trạm y tế lưu động đến tận nhà F0. Ảnh- Anh Tú
Bác sĩ tại Trạm y tế lưu động đến tận nhà F0. Ảnh- Anh Tú

Cả nước cùng chống dịch mới thành công

Ở thời điểm hiện tại, TP.HCM đã giảm số ca nhiễm mới xuống còn dưới 300 ca mỗi ngày, một con số đáng kinh ngạc so với hồi đỉnh dịch, có những ngày TP phải đau đớn thừa nhận số ca nhiễm mới lên tới hơn 16.000 F0. TP.HCM đang hồi sinh từng ngày, với nhiều hoạt động đang dần mở ra để phục hồi kinh tế. Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 và sinh viên các trường Đại học được quay trở lại trường sau khi tiêm đủ ít nhất 2 mũi vaccine. Người lớn, người già, có bệnh nền được tiêm 3 mũi vaccine. Thế nhưng, không chủ quan với tình hình hiện tại, mới đây, Hiệu trưởng một trường vừa bị UBND TP.HCM khiển trách vì biết mình là F0 nhưng vẫn tới trường làm việc.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia chống dịch đang cầm cự trên địa bàn Hà Nội phân tích, có thể việc yêu cầu F0 ra khỏi nhà chính là lỗ hổng trong công tác phòng dịch khiến nhiều ngày gần đây số F0 ở Hà Nội càng lúc càng tăng lên chóng mặt.

Nhân viên y tế mang thuốc và máy móc thiết bị đến chăm sóc F0 tại cộng đồng. Ảnh: HCDC
Nhân viên y tế mang thuốc và máy móc thiết bị đến chăm sóc F0 tại cộng đồng. Ảnh: HCDC

Với số ca nhiễm lớn, khi buộc phải điều trị vài trăm ngàn ca nhiễm, nếu bị quá tải bệnh viện điều trị COVID-19, khiến nhiều bệnh nhân trở nặng chưa đủ nơi nhập viện, và ngay cả các F0 bị nhẹ điều trị tại nhà cũng chưa được chăm sóc chu đáo, tại sao chưa thấy “tư lệnh” ngành y của Hà Nội lên tiếng để các tỉnh thành phía Nam có cơ hội bù đắp lại lực lượng và kinh nghiệm chống dịch cho trái tim cả nước?

Thời gian trước khi TP.HCM và vùng dịch phía Nam lên đến đỉnh dịch, một lượng rất lớn cán bộ ngành y, thầy cô và sinh viên các trường y từ Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc đã dồn vào phương nam hỗ trợ chống dịch. Còn ở thởi điểm hiện tại, khi mà tại nhiều tỉnh thành, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng chóng mặt, rất khó có điều kiện để các tỉnh thành hỗ trợ cho nhau, hầu hết bệnh nhân ở đâu sẽ được điều trị ngay tại đó.

Nhưng, thiết nghĩ, không tỉnh thành nào có thể chống dịch một mình, cũng như không tỉnh thành nào có thể bảo vệ được thành quả chống dịch nếu các địa phương khác tiếp tục tăng cao số lượng F0. Với tình trạng số bệnh nhân mắc mới tăng quá cao kéo dài tập trung ở một số địa phương, hiện tại là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng…, vẫn rất cần một vị “tư lệnh” điều phối lực lượng nhân sự ngành y cho phù hợp để cả nước cùng chống dịch thành công.