Hội thảo xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam

Xử lý tình trạng sở hữu ngân hàng vượt trần như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” sẽ có sự tham dự của các chuyên gia, luật sư hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và khách mời là doanh nhân, đại diện các cơ quan ban ngành.

Phóng sự tổng quan về các tập đoàn tài chính ở Việt Nam. Video: Đình Huy.

Sáng 5/12, Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp với CLB Café Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” tại khách sạn Hòa Bình (Hà Nội).

Với sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, tài chính hàng đầu Việt Nam, nội dung thảo luận đa chiều, hội thảo hứa hẹn mang lại nhiều giá trị thực tiễn, góp phần tạo dựng một nền tảng vững chắc cho xây dựng chính sách – pháp luật về ngân hàng thương mại và tập đoàn tài chính Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo

z6099138127613_c1a44d43fbae9c0a7d39144b192162a6.jpg

Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” có nhiều khách mời là chuyên gia, đại diện các ngân hàng tham dự, trong đó có:

1. TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia

2. PGS Đào Hùng - nguyên Giám đốc Học viện chính sách và phát triển

3. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu - người từng lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ, nguyên thành viên HĐQT độc lập của An Bình Bank.

4. LS Trương Thanh Đức - Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI, nguyên Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank

5. Ông Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam.

6. LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw

7. Ông Chu Nguyên Bình - Phó Tổng Giám đốc Bắc Á Bank

Cùng đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp: Tập đoàn Doji, Techcombank, VPBank, NCB, KienlongBank...

z6099480327529_aeb202f5cc39d88f167e2a914c2ce932.jpg
Ban Tổ chức chụp ảnh cùng khách mời và các chuyên gia tham gia Hội thảo

Về phía Ban Tổ chức có các ông: Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam; ông Lê Đức Sảo, Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch CLB Cafe số; ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có nhiều khách mời, lãnh đạo, phóng viên tới từ cơ quan báo chí.

Hội thảo được đồng hành bởi Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín; Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Lịch sử kiểm soát, quản lý sở hữu tại các ngân hàng

Mở đầu Hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trình bày tham luận về lịch sử kiểm soát, quản lý vấn đề sở hữu tại các ngân hàng.

Nêu vấn đề thứ nhất, luật sư Trương Thanh Đức lấy ví dụ câu chuyện về Ngân hàng Hàng Hải - MSB, nơi ông có thời gian gắn bó dài. Theo ông Đức, MSB thành lập năm 1991 tại Hải Phòng với với số vốn điều lệ 40 tỷ, gần như lớn nhất lúc đó, do có gần một chục cổ đông là các tập đoàn và tổng công ty lớn, nhiều nhất là trong ngành Hàng Hải.

Hải Phòng có thế mạnh nhất là thành phố cảng. Tuy nhiên, khi đó thành tích rất lớn là sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt 2 triệu tấn. Nay đã gần 200 triệu tấn, tức gấp gần 100 lần.

Vào thời điểm đó, Nghị định số 222-HĐBT ngày 23/7/991 quy định mức vốn pháp định lớn nhất là đối với ngành khai khoáng cũng chỉ có 1,5 tỷ đồng.

Duc 1.jpg
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Thứ hai là vấn đề về vốn pháp định. Tại Quyết định số 223/QĐ-NH5 ngày 27-11-1993 quy định, vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại cổ phần từ 01 – 03 – 20 – 50 – 70 tỷ đồng, tuỳ thuộc quy mô và địa bàn.

Nghị định số 82/1998/NĐ-CP quy định, vốn pháp định đối với Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn là 5 tỷ đồng, ngân hàng thương mại cổ phần đô thị là từ 50 -70 tỷ đồng.

Nghị định số 141/2006/NĐ-CP quy định, từ 2008 vốn pháp định đối với ngân hàng cổ phần là 1.000 tỷ và từ năm 2010 vốn pháp định đối với ngân hàng cổ phần là 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong 4 năm (từ 2006 đến 2010), vốn pháp định của ngân hàng cổ phần tăng từ vài chục đến vài trăm lần. Nếu tính trong 04 năm (2006 – 2010) thì mức tăng vốn pháp định lớn nhất lên đến 600 lần (từ 05 tỷ lên 3.000 tỷ); nếu tính trong 12 năm (từ 1998 đến 2010) thì mức tăng vốn pháp định lớn nhất lên đến 3.000 lần (từ 01 tỷ lên 3.000 tỷ).

Trên thực tế, ngân hàng thương mại cổ phần nói chung, Ngân hàng Hàng Hải nói riêng đều đã đáp ứng được việc tăng vốn điều lệ theo đúng yêu cầu.

Thứ ba là câu chuyện tăng vốn siêu tốc. Để tồn tại và phát triển, các ngân hàng thương mại cổ phần nói chung, Ngân hàng Hàng Hải nói riêng, còn tăng tốc vốn điều lệ hơn mức vốn pháp định nhiều lần để đảm bảo vốn điều lệ thực có không thấp hơn số vốn pháp định, bảo đảm các hệ số an toàn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thần tốc và cạnh tranh khốc liệt.

Đến nay nhiều ngân hàng đã tăng vốn lên nhiều chục nghìn tỷ. Dẫn đầu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), với vốn điều lệ 79.339 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Techcombank với có vốn điều lệ 70.450 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Hàng Hải cũng có vốn điều lệ khá lớn 26.000 tỷ, tăng lên hơn 600 lần, nhưng phải mất tới 30 năm, trong đó có rất nhiều năm không chia cổ tức tiền mặt, mà chỉ để tăng vốn.

Cũng khoảng thời gian 20 – 30 năm này, nếu một ngân hàng xuất phát điểm từ mức vốn điều lệ 01 – 05 tỷ đồng, tăng lên 10.000 tỷ đồng, thì con số tăng lên đến 05 – 10.000 lần.

05c99da2309e8ac0d38f.jpg
Nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các ngân hàng tham dự Hội thảo.

Thứ tư là nguồn vốn chính từ cá nhân. Trừ 4 ngân hàng thương mại nhà nước Nhà nước, cổ đông nhà nước và nhiều công ty không tăng hoặc rất khó có nguồn để vốn điều lệ, thậm chí là phải thoái vốn. Còn cá nhân, nhất là các đại gia, thì không muốn buông, mà ngày càng muốn tăng, muốn nắm, muốn sở hữu nhiều hơn. Do đó, tăng vốn chủ yếu là của cá nhân, thậm chí nhiều công ty tăng sở hữu bằng vốn thực chất của cá nhân.

Trong một số thời kỳ, ước đoán có tới nhiều hơn một nửa số ngân hàng cổ phần là chỉ do một số ít cá nhân sở hữu chi phối. Trong khi nhiều người giàu nhất trên sàn chứng khoán không phải là chủ ngân hàng.

Tuy nhiên, khác với lộ trình giảm dư nợ cấp tín dụng (cho 1 khách hàng từ 15%, mỗi năm giảm 1%, xuống 10% vốn tự có kể từ năm 2029 (sau 40 năm quay trở lại bằng mức quy định của Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990) và tương tự là giảm mức dư nợ đối với mỗi nhóm khách hàng và người có liên quan từ 25% xuống 15%), lại chưa đặt ra lộ trình cụ thể giảm sở hữu vốn, mà giao toàn quyền cho NHNN.

Thứ sáu là quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về việc công khai sở hữu. Luật mới quy định việc công khai cổ đông ngân hàng sở hữu từ 01% trở lên. Chỉ có công khai minh bạch thì mới có giám sát thực sự. Một người dân không nằm trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng lại là cổ đông nắm 01% vốn ngân hàng, một doanh nghiệp liên quan đến giới chủ vay rất nhiều từ ngân hàng, nếu được công khai chi tiết thông tin thì công chúng đều nhìn thấy và cơ quan chức năng phải xem xét ngay.

Tuy nhiên nếu 10 cổ đông, mỗi người được nhờ đứng tên sở hữu suýt soát 01% thì đã thành số gần gấp đôi giới hạn đối với một cổ đông cá nhân, mà không phải công khai, tức không bị giám sát chặt.

7da4ccf461c8db9682d9.jpg

Ngoài ra, quản nguồn gốc sở hữu cũng cần xem xét đến cá nhân là người sở hữu cuối cùng của ngân hàng, tương tự như “Công ty mẹ tối cao của tập đoàn” không bị sở hữu bởi bất kỳ pháp nhân nào khác theo như quy định của Luật quản lý thuế năm 2019.

Tóm lại, luật chặt hay lỏng thì điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ, đồng thời công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời, thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng.

Do đó với nhiều lần tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng, với mức tăng hàng nghìn lần, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra tình trạng nguồn vốn từ sở hữu chéo, liên kết, bắt tay nhau.

Nếu theo đúng quy định của luật, cổ đông lớn của ngân hàng là cá nhân chỉ có một mức duy nhất là 05%, vì trên 05% thì không được phép, mà dưới 05% thì không phải là cổ đông. Trên thực tế thì không biết, nhưng trên giấy tờ, các cổ đông cá nhân đều lựa chọn là cổ đông nhỏ, sở hữu dưới 05%.

Thứ năm về lộ trình siết giảm. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã siết đồng thời giới hạn sở hữu vốn và cấp dụng. Lúc đầu định giảm sở hữu của mỗi cổ đông cá nhân xuống 03%, nhưng cuối cùng vẫn giữ nguyên 05% và chỉ giảm đối với mỗi nhóm cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%. Tất nhiên người có liên quan thì đã bị thắt chặt hơn nhiều.

Tập đoàn tài chính không bền vững, nền kinh tế không thể phát triển bền vững

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng nếu tập đoàn tài chính không bền vững thì nền kinh tế không thể phát triển bền vững.

z6099125974992_bbf54bc6dbb20056528d1c37dd4061e2.jpg
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, trình bày tham luận.

Theo ông Hòe, tuy chưa có khái niệm chính thức thống nhất, mô hình chung của một tập đoàn tài chính (Financial Business Group) bao gồm một công ty mẹ (công ty này không phải là định chế tài chính) nhưng có một định chế tài chính là công ty con và có thể có thêm 1 hoặc nhiều các công ty con.

Trong đó, các công ty con tận dụng được lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ. Còn công ty mẹ tận dụng từ công ty con về gia tăng doanh thu; dịch vụ trọn gói; tăng năng lực cạnh tranh.

Tuy vậy, hạn chế là vẫn sở hữu chéo chằng chịt, trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiểm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi ro lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.

z6099126012961_dc025306471c350bc4c81288716a333e.jpg
Ông Phạm Xuân Hòe thu thập và phân tích số liệu từ báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại.

Theo ông Hòe, thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam cho thấy, tổng tài sản gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính. Dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng.

Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính.

z6099125845836_9071e1c9f6b7c25864e3c07cb7cb8a1d.jpg

“Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính tư nhân cơ cấu phức tạp hơn rất, nhiều công ty con hoạt động phi tài chính, gồm cả bất động sản”, ông Hòe bình luận.

Dẫn báo cáo NHNN tại kỳ họp 3, Quốc hội XV, ông Hòe nói rằng sở hữu cổ phần giữa tài chính tín dụng, tài chính tín dụng và doanh nghiệp giảm đáng kể;

Một số tổ chức tín dụng có số cổ đông, tỷ lệ sở hữu tập trung cao. Nhiều khó khăn về thông tin trong việc nắm bắt, kiểm soát sở hữu chéo.

Xử lý sở hữu vượt trần ngân hàng như thế nào?

Sau phần tham luận của ông Phạm Xuân Hòe và luật sư Trương Thanh Đức, Hội thảo chuyển sang thảo luận về sở hữu và xử lý sở hữu vượt trần ngân hàng như thế nào?

Ông Lê Đức Sảo, Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch CLB Cafe số và ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes là người điều phối phiên thảo luận.

74e07eb8d98463da3a95.jpg
Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes điều phối phiên thảo luận

"Vừa qua, thực hiện quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng, phần lớn các ngân hàng đã công bố tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân, tổ chức và người có liên quan. Kết quả cho thấy tình trạng vượt trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng xuất hiện ở nhiều ngân hàng.

Xin hỏi TS Lê Xuân Nghĩa, với mức trần sở hữu còn 10% với tổ chức, 15% với cá nhân và người có liên quan như hiện nay có giải quyết được vấn đề sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng?" - ông Nguyễn Bá Kiên nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Tổ chức tín dụng mới. Ông cho rằng việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại rằng trong thực tế, việc thực hiện điều này sẽ gặp nhiều khó khăn do tính minh bạch chung của xã hội Việt Nam còn thấp.

23963bd49de827b67ef9.jpg
TS Lê Xuân Nghĩa trả lời câu hỏi

Về giám sát và thanh tra hoạt động ngân hàng, ông Lê Xuân Nghĩa nhận thấy công tác giám sát và thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập. Ông đưa ra ví dụ về trường hợp của Ngân hàng SCB, tồn tại trong nhiều năm trong tình trạng không minh bạch mà không ai xử lý. Ông Nghĩa nói rằng nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý, thì tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi.

Vấn đề tỷ lệ an toàn vốn và lộ trình tuân thủ, ông Lê Xuân Nghĩa cũng nói thêm rằng một số ngân hàng hiện đang vượt quá các tỷ lệ an toàn vốn quy định. Ông cho rằng không nên có lộ trình dài để các ngân hàng này tuân thủ, mà nên yêu cầu các ngân hàng phải tuân thủ ngay trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Ông cũng lo ngại về việc các ngân hàng có thể tìm cách trốn tránh các quy định, như việc phát hành trái phiếu trong thời gian Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra.

Ông Nghĩa nhận thấy Luật Tổ chức tín dụng mới có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng việc thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra. Một số kiến nghị chính bao gồm:

- Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Tổ chức tín dụng trong vòng 6 tháng đến 1 năm.

- Cần có cải cách thực sự về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra để Luật Tổ chức tín dụng mới có thể được thực thi một cách nghiêm túc.

- Không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.

Khi được hỏi theo ông thì những nội dung gì cần được minh bạch? Ông Lê Xuân Nghĩa nói rằng trong thời gian gần đây, hoạt động góp vốn của các ngân hàng đã trở nên minh bạch hơn so với trước đây. Trước đây, có những vụ việc cần phải điều tra.

Các ngân hàng thương mại được phép phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa minh bạch liên quan đến việc cho vay. Cụ thể:

- Vai trò của thanh tra, kiểm soát: Cần tập trung vào công tác thanh tra, kiểm soát để làm rõ các vấn đề thiếu minh bạch, đặc biệt là việc cho vay liên quan đến các bên có liên quan.

- Các quy định về vốn: Các quy định về tỷ lệ vốn cấp 2 cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là việc sử dụng nguồn vốn vay, đặc biệt là việc cho vay các bên liên quan.

Tóm lại, ông Lê Xuân Nghĩa đã đề cập đến tính minh bạch trong hoạt động góp vốn, việc phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, lựa chọn đối tượng cho vay, các hành vi không minh bạch, và vai trò của thanh tra, kiểm soát. Theo ông Nghĩa, các quy định về vốn cần được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng vấn đề quan trọng nhất là việc sử dụng nguồn vốn vay, đặc biệt là việc cho vay các bên liên quan.

Rút giấy phép ngân hàng vi phạm nhiều lần

Nêu kinh nghiệm quốc tế về quản lý các ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết ở Mỹ cũng có sự kiểm soát về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Tuy vậy, tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu của pháp nhân được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, nguyên do là nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.

Còn Việt Nam thì ngược lại, tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ “đặc thù” của văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là các cá nhân có quyền lực rất lớn trong doanh nghiệp.

hieu.jpg
TS Nguyễn Trí Hiếu nêu kinh nghiệm quốc tế về quản lý các ngân hàng

TS Hiếu cũng cho hay, bên Mỹ có thông lệ Affidavit (tuyên bố hữu thệ). Trong nhiều trường hợp, các cổ đông phải “Affidavit” rằng nếu họ khai gian, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có thông lệ này. Đáng lo hơn nữa là còn xuất hiện tình trạng nói một đằng nhưng làm một nẻo, dẫn đến chưa thực sự kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng.

Về vai trò của nhà quản lý, các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng đâu có khó.

Ví dụ, các cổ đông bị nghi ngờ có sự kết nối với nhau thì thường có dấu vết kết nối qua tài khoản, thể hiện trên sổ sách. Dĩ nhiên có giao dịch tiền mặt, không có dấu vết, nhưng điều này rất ít. Thường thường, các giao dịch đó có thể tìm ra dễ dàng. Nhưng quan trọng là phải làm thanh tra nghiêm túc, rõ ràng. Trường hợp vụ SCB, cán bộ phát hiện ra sai phạm nhưng nhận hối lộ và che giấu thì vô cùng nguy hiểm.

Ông đề xuất cần có chế tài nghiêm ngặt, ở Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có thể đưa ra chế tài, nếu ngân hàng nào vi phạm quy định lặp đi lặp lại, chẳng hạn như 3 lần, thì phải rút giấy phép. Cần phải có một vài ngân hàng sai phạm bị xử phạt một cách mạnh tay để làm gương cho toàn thị trường.

Nhân viên đứng tên hộ sếp nên suy nghĩ về hậu quả

"Trong trường hợp ngân hàng chậm giảm sở hữu thì ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ đối diện với rủi ro gì?", ông Lê Đức Sảo đặt câu hỏi.

z6099480156188_435068df5520b80f47b9a5371b0ef87a.jpg
Ông Lê Đức Sảo đặt câu hỏi tại Hội thảo.

Trả lời câu hỏi, LS Trương Thanh Đức - Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI - cho rằng thực chất có sự vênh nhau giữa con số trên giấy tờ và thực tế. Sở hữu 100%, 70%, 50% bất kể con số nào cũng sẽ quản lý theo con số đó.

Theo luật sư Đức, vấn đề chúng ta tăng giảm lộ trình bắt buộc phải có quy định nhưng bây giờ không xác định và xác định nhanh là 6 tháng vẫn chỉ là đẹp sổ sách và tuân thủ hình thức pháp luật. Thậm chí, còn có tình huống, công ty con sở hữu trên 50%. Phải làm sao để quản lý, giám sát được hoạt động ngân hàng này diễn ra như thế nào, ai là người quyết định.

“Quan điểm của tôi một người sở hữu tối đa 20 – 25% chính thức không làm được gì, ít nhất phải 35% hay 49% mới giải quyết được vấn đề”, ông Đức nói.

68a9fe795245e81bb154.jpg
LS Trương Thanh Đức

Nói về việc đảm bảo đáp ứng quy định mới về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Cty Luật SBLAW cho rằng dự thảo thông tư của Ngân hàng nhà nước quy định về giảm tỷ lệ sở hữu đã đề xuất những giải pháp cụ thể.

Tuy vậy, theo quan sát và kinh nghiệm cá nhân, ông cho rằng cần lưu ý việc các lãnh đạo các tập đoàn tài chính thường nhờ người thân hoặc nhân viên trong tập đoàn để đứng thay cho các chủ sở hữu ngân hàng tại công ty sân sau, để tránh quy định về vượt trần tỷ lệ sở hữu.

7da4ccf461c8db9682d9.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Cty Luật SBLAW

Luật sư Hà đặc biệt lưu ý trường hợp nhân viên vì sức ép của lãnh đạo mà phải chấp nhận đứng tên thay cho sếp ở công ty sân sau thì nên hết sức cân nhắc. Thông thường, một công ty sân sau như vậy sẽ có 2 HĐQT, trong đó lãnh đạo thực sự là ông chủ ngân hàng. Nhân viên đứng tên thay chỉ làm nhiệm vụ ký hộ chứ không có quyền quyết định. Điều đó dẫn tới hệ lụy pháp lý rất lớn.

Chủ tịch Cty Luật SBLAW khuyến nghị về những nhân viên đứng tên hộ sếp nên suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra. Đôi khi làm vì nể sếp hoặc vì lợi ích vật chất nhưng hậu quả rất sẽ rất lớn.

Nhắc tới quan điểm của TS Nghĩa, luật sư Hà đồng ý rằng cần điều tra về dòng tiền của những người có số tiền lớn đầu tư vào ngân hàng, để có giải pháp minh bạch.

Giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế

Chuyên gia Phạm Xuân Hòe nêu đề xuất về giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính lành mạnh với hai điểm quan trọng:

Điểm quan trọng nhất là câu chuyện minh bạch và thực thi công tác quản lý, giám sát đầy đủ, khách quan trung thực và phải nâng các chuẩn mực tài chính.

z6099373494254_a01dae8d5103843fe06572834109e352.jpg
Chuyên gia Phạm Xuân Hòe

"Thêm nữa là vấn đề giám sát hợp nhất, tôi đã đề xuất nhiều. Bởi một mảng ngân hàng thì Thanh tra Ngân hàng Nhà nước giám sát, mảng bảo hiểm thì Bộ Tài chính giám sát, mảng khác thì có thêm Uỷ ban Chứng khoán… nhưng lại không có ai gút lại chuyện này. Vì thế, nếu như đứng đầu tập đoàn tài chính là ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước giám sát, chứng khoán đứng đầu thì Bộ Tài chính phải đứng đầu.

Còn kinh nghiệm của Đức, hoạt động của một ngân hàng thì có 2 tổng giám đốc: trong đó 1 ông chịu trách nhiệm rủi ro, 1 ông chịu trách nhiệm vay vốn. Hai người này bỏ phiếu trong hội đồng, ông chịu trách nhiệm rủi ro thì có quyền cao hơn" - ông Hòe nói.

Vị thế của ủy viên HĐQT độc lập yếu kém là do đâu?

Hội thảo càng sôi nổi khi Tổng biên tập VietTimes Nguyễn Bá Kiên đặt vấn đề về vị thế của thành viên HĐQT độc lập. Ông Kiên đề nghị làm rõ vị thế của ủy viên HĐQT độc lập yếu và kém là do không có có quy định của pháp luật, do quy trình tuyển chọn, hay do bản lĩnh của các thành viên HĐQT độc lập?

68a9fe795245e81bb154.jpg
Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến tại hội thảo

Về nội dung này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng quy định đã rất đầy đủ về yêu cầu đối với biên bản họp HĐQT, trong đó nêu rõ về những nội dung cần phải có. Tuy vậy, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hoạt động của HĐQT độc lập là vấn đề lớn, khó và bị ảnh hưởng từ nhiều phía khi ông chủ thì bất chấp, còn thành viên HĐQT độc lập thường là những người có bản lĩnh không cao.

TS Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn nói “tôi không đồng ý” và bày tỏ thái độ không đồng tình với ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các thành viên độc lập trong HĐQT hiện nay là những “bù nhìn” do cơ chế, cơ cấu.

z6099297317214_01669b85c8b5b48e7800997cd6ebc358.jpg
TS Nguyễn Trí Hiếu phản hồi ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức

Ông Hiếu dẫn cách mà HĐQT tại Mỹ làm việc, khi các biên bản HĐQT rất chi tiết – nêu rõ ai là người đề xuất ý kiến, ai là người ủng hộ. Nếu có một người ủng hộ ý kiến đó thì ý kiến sẽ được đem ra thảo luận. Các ý kiến khác từ ủng hộ đến phản đối đều được ghi chi tiết trong biên bản HĐQT.

Ở Việt Nam, nhiều biên bản dùng một mẫu sẵn (template), thậm chí dùng mẫu sẵn của cuộc họp trước. Đến phần biểu quyết thì đều 100% theo ý của Chủ tịch HĐQT. Điều này là rất không tốt khi đối với một vấn đề xảy ra thì không thể quy trách nhiệm cho các thành viên độc lập trong HĐQT.

Ông Hiếu nhận xét rằng các vị thành viên này thường ngồi trong hội đồng là để ăn lương, gật đầu đồng ý theo quyết sách của Chủ tịch HĐQT. Đáng lẽ các thành viên độc lập trong hội đồng phải nói lên tiếng nói của 90% cổ đông bên ngoài. Vì thế, ông Hiếu cho rằng nhà nước nên có quy định về việc lập biên bản của HĐQT, trách nhiệm của các thành viên độc lập trong HĐQT.

2 điều kiện để đạt được sự minh bạch

Là người từng tham gia thành viên quản trị độc lập của một số ngân hàng, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết ông có 5 năm liền là thành viên quản trị độc lập của ngân hàng VPBank, 10 tháng là phó chủ tịch của một ngân hàng khác.

z6099373653873_df4b8aab8a9006b7f270d995d2ff40d8.jpg
Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

Những năm làm ở ngân hàng VPBank ông đã phát huy được khả năng của mình và đóng góp rất thiết thực cho ngân hàng, chủ yếu là người quản trị rủi ro. Một ngân hàng quản trị rủi ro yếu kém thì chắc chắn ngân hàng đó sẽ yếu kém.

“Tôi rất tán thành sự minh bạch trong quản trị ngân hàng”, ông Hảo nói.

Ông Hảo cho hay quản trị rủi ro muốn đạt được sự minh bạch phải có 2 điều kiện. Thứ nhất anh phải tuân thủ, thứ hai phải có sự chính trực và cái đó phụ thuộc vào đạo đức của những người đang kinh doanh ở ngân hàng.

Lấy dẫn chứng từ nước ngoài, ông Hảo cho rằng luật quản lý ngân hàng của Việt Nam đang thiếu rõ ràng, minh bạch.

Chưa có bộ luật nào tốt như Luật các tổ chức tín dụng 2024

Chia sẻ về những giải pháp để xây dựng tập đoàn tài chính bền vững tại Việt Nam, Phó giáo sư Đào Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển chia sẻ rằng ông đã giảng dạy đại học trong 43 năm. Ông luôn tạo niềm tin cho sinh viên rằng cuộc sống luôn có khó khăn nhưng vẫn có cách giải quyết.

hung.jpg
Phó giáo sư Đào Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển trao đổi ý kiến tại Hội thảo

Ông Đào Hùng đồng tình với chia sẻ của ông Hiếu rằng các công cụ quản lý tài chính của Mỹ là rất tốt, nhưng các công cụ quản lý tài chính luôn biến đổi, thị trường luôn đi trước các nhà quản lý.

Do quản lý tốt nên thị trường tài chính ở Mỹ là tốt nhất, nhưng Mỹ cũng gây ra những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Hùng kết luận không có cơ chế quản lý nào là hoàn hảo.

Theo ông Hùng, ở bên trên có chính sách thì ở bên dưới có đối sách. Nếu chính sách không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không thực hiện được, họ sẽ có đối sách để “lách”.

Nếu chính sách chưa tốt thì sẽ chưa thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sở trường, năng lực, nguồn vốn.

Khi nghiên cứu về 18 tập đoàn tài chính, ông Đào Hùng nhận thấy ngân hàng chiếm 80% tài sản của các tập đoàn tài chính trong đó 98% là khối tín dụng, còn chứng khoán và bảo hiểm chiếm tỷ lệ nhỏ.

Trước đây, các tập đoàn tài chính chưa đủ quan trọng để Nhà nước có chính sách quản lý, nhưng hiện tại và tương lai cần chính sách cho đối tượng này.

Khi nhìn vào bức tranh chung, hệ thống ngân hàng vẫn đang phát triển, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua cổ phiếu của ngân hàng từ nhà nước đến tư nhân. Ông Hùng cho rằng họ phải tìm thấy một điểm sáng nào đó từ hệ thống ngân hàng này nên họ mới đầu tư.

PGS Đào Hùng nhận xét chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật các tổ chức tín dụng lần này, đặc biệt là về sở hữu chéo.

Tuy nhiên, bộ luật này chỉ là quy tắc, con số. Vấn đề quan trọng là ở sự tuân thủ lại nằm trong bộ luật khác. Ông Hùng cho rằng nếu chỉ có duy nhất bộ luật về ngân hàng thế này thì chưa đủ, nó cần đồng bộ với các luật khác để có chế tài cho các hành vi vi phạm.

Trả lời câu hỏi theo ông có cần cơ chế giám sát của ngân hàng đối với mô hình của tập đoàn tài chính Việt Nam, ông Hùng cho rằng nếu ngân hàng đưa ra quá nhiều chế tài trong một tổ chức thì rất khó trong việc thực hiện. Cần nâng cao vai trò của Hội đồng quản trị, trong đó có vai trò của các thành viên độc lập của HĐQT.

Việt Nam nên có đạo luật về quản lý tập đoàn tài chính

Trao đổi tại hội thảo ở góc độ 1 người từng lập ngân hàng tại Mỹ, hiểu chính sách Mỹ, những mô hình các tập đoàn tài chính, cách thức giám sát hoạt động, ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ rằng những ngân hàng thuộc về các tập đoàn tài chính được quy định theo Bank Holding Act sẽ do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thanh tra.

z6099297399188_199f8c8c19e9137b7d6f2de421f990fe.jpg
TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ tại hội thảo

Bank Holding Act có quy định chặt chẽ về hoạt động của các tập đoàn tài chính và các công ty con, đặc biệt là các quy định chuyển giá để ngăn chặn việc các công ty con cho nhau vay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng vay lãi suất ưu đãi, với điều kiện dễ dàng, đưa đến rủi ro khủng khoảng.

Ông Hiếu cho biết, ở Việt Nam chưa có quy định tương tự, mong Quốc hội sớm có quy định về quản lý tập đoàn tài chính.

“Việt Nam nên có đạo luật về quản lý tập đoàn tài chính”, ông Nguyễn Chí Hiếu nói.