Được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 10/2009, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Hà – Đá Nhảy có quy mô 16,16ha, toạ lạc tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu 230 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong 36 tháng kể từ ngày được giao đất (26/1/2011).
Doanh nghiệp dự án là CTCP Việt Thiên Bình (Việt Thiên Bình). Pháp nhân này được thành lập từ tháng 12/2007, do ông Trần Đình Vinh (SN 1966) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến tháng 10/2016, Việt Thiên Bình có quy mô vốn điều lệ 66 tỉ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Vinh góp 48 tỉ đồng, nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 72,727% vốn điều lệ. Hai cổ đông sáng lập còn lại là ông Trần Đại Nhật Tiến (25,758% VĐL) và bà Phạm Thị Diệu Hương (1,515% VĐL).
Tới tháng 5/2018, cả 3 cổ đông nêu trên đã thoái triệt vốn khỏi Việt Thiên Bình. Vị trí người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này sau đó lần lượt được đổi sang ông Phạm Hồng Kỳ (SN 1977), ông Vũ Hoàng Tú (SN 1974), ông Nguyễn Thành Trung (SN 1983), ông Trần Công Tưởng (SN 1978), ông Nguyễn Đăng Hoàn (SN 1979), và nay là ông Hoàng Mạnh Hà (SN 1981; được bổ nhiệm từ tháng 12/2021).
Một tuần sau khi ông Hoàng Mạnh Hà ngồi ghế Tổng giám đốc, Việt Thiên Bình đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Xây dựng số 1 Việt Phong (Việt Phong) để triển khai thực hiện dự án Thanh Hà – Đá Nhảy.
Tiếp đó, Việt Thiên Bình có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đề nghị điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án Thanh Hà – Đá Nhảy từ 230 tỉ đồng lên mức 2.022,96 tỉ đồng. Tiến độ hoàn thành, đưa dự án vào vận hành khai thác cũng được đề nghị điều chỉnh cho tới quý 1/2025.
Trong khi đó, từ ngày 28/12/2021 – 25/3/2022, Việt Phong đã phát hành thành công 569,13 tỉ đồng trái phiếu (kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 11,5%/năm) với mục đích để góp vốn đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Thanh Hà – Đá Nhảy.
Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu gồm toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh từ việc đầu tư, phát triển và khai thác, kinh doanh giai đoạn 2 của dự án Thanh Hà - Đá Nhảy, với giá trị quyền phát triển dự án là 670 tỉ đồng – theo Chứng thư thẩm định giá số 081221.HN ngày 2/12/2021 do CTCP Thẩm định giá Thành Đô phát hành.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn bao gồm 25 triệu cổ phần (tương đương 100% vốn điều lệ) của Việt Phong và 6,6 triệu cổ phần (tương đương 100% vốn điều lệ) của Việt Thiên Bình, lần lượt được định giá ở mức 1.082,8 tỉ đồng và 65,5 tỉ đồng.
Trái chủ của lô trái phiếu là 393 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong nước.
Việt Phong của ai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Việt Phong được thành lập từ tháng 8/2013, đóng trụ sở chính trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của doanh nghiệp này trong nhiều năm liền do ông Đỗ Ngọc Phong (SN 1982) đảm nhiệm.
Tính đến tháng 5/2017, Việt Phong có vốn điều lệ 60 tỉ đồng, trong đó ông Đỗ Ngọc Phong góp tới 54,5 tỉ đồng, sở hữu 90,833% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại do hai thể nhân họ Đỗ khác nắm giữ là Đỗ Ngọc Phương (5% VĐL) và Đỗ Văn Phố (4,167% VĐL).
Trung tuần tháng 11/2020, ông Đỗ Ngọc Phong nhượng lại vị trí chủ chốt nhất tại Việt Phong cho ông Nguyễn Ánh Sáng (SN 1982). Doanh nghiệp này sau đó tăng vốn điều lệ lên 150 tỉ đồng vào cuối tháng 12/2020, và tăng lên mức 250 tỉ đồng vào tháng 10/2021.
Hiện vợ chồng ông Nguyễn Ánh Sáng và bà Võ Thị Vân Anh đang nắm tổng cộng 24,5 triệu cổ phần, tương đương 98% vốn điều lệ tại Việt Phong.
Ngoài Việt Phong, ông Nguyễn Ánh Sáng còn là người đại diện theo pháp luật, sở hữu cổ phần chi phối tại Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Bảo Ninh, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng tổng hợp Trường Khánh.
Giới thiệu trên trang chủ, Việt Phong cho biết đang triển khai hai dự án bất động sản khác cùng tọa lạc trên địa bàn TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là Dự án Sunora Quảng Bình tại phường Phú Hải (quy mô 12,07 ha, liên danh với Tổng Công ty Xây dựng số 1 – Mã CK: CC1) và Khu đô thị mới Phía Tây đường Lý Nam Đế tại phường Đồng Phú (quy mô 95,769 m2, tổng mức đầu tư 259 tỉ đồng)./.