|
Chuyển động khối ngoại ở Golden Gate - “ông trùm” của chuỗi Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi-Kichi, Gogi House (Ảnh: Internet) |
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, các giao dịch của khối ngoại ở CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) được thực hiện theo hợp đồng mua bán cổ phần được các bên liên quan ký kết vào ngày 22/12/2021.
Theo đó, các nhà đầu tư ngoại là Seletar Investments Pte Ltd (một quỹ đầu tư có quan hệ mật thiết với Temasek Holdings), Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte. Ltd sẽ mua tổng cộng 2,74 triệu cổ phần - tương ứng với 35,95% vốn điều lệ Golden Gate - từ Prosperity Food Concepts Pte. Ltd, ông Trần Việt Trung và ông Nguyễn Xuân Tường.
Các tài liệu giao dịch vừa được Golden Gate công bố cho thấy, Prosperity Food Concepts Pte. Ltd sẽ bán ra toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ, trong khi các nhà sáng lập Golden Gate Trần Việt Trung và Nguyễn Xuân Trường sẽ lần lượt giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 2,31% và 3,08% vốn điều lệ. Các giao dịch này dự kiến được thực hiện từ ngày 15/3 – 13/4/2022.
|
Giá trị thương vụ không được công bố, song nên biết rằng, theo chứng thư thẩm định giá do CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8/2021, mỗi cổ phần Golden Gate có giá trị định giá lên tới 1.953.357 đồng. Tạm tính theo mức giá này, các nhà đầu tư ngoại muốn thế chân Prosperity Food Concepts Pte Ltd (PFC) ở Golden Gate có thể phải chi ra tới 5.360 tỉ đồng (tương đương 234 triệu USD).
Tầm ảnh hưởng của PFC ở Golden Gate, như VietTimes từng đề cập, không chỉ dừng lại ở số cổ phần được thể hiện trong các tài liệu mà ‘ông trùm’ chuỗi nhà hàng tại Việt Nam đã công bố.
Tính đến ngày 31/12/2020, Golden Gate có quy mô vốn điều lệ 76,34 tỉ đồng, tương đương với 7,634 triệu cổ phần.
Trong đó, CTCP Golden Gate Partners (Golden Gate Partners) là cổ đông lớn nhất, với 3,37 triệu cổ phần, tương đương 44,22% vốn điều lệ. Thành lập từ tháng 6/2014, Golden Gate Partners có nhiều mối liên hệ với nhóm cổ đông sáng lập Golden Gate, do ông Trần Việt Trung đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc.
Sinh năm 1963, ông Trần Việt Trung hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Golden Gate. Tại ngày 31/12/2020, ông Trung sở hữu 337.891 cổ phần, chiếm 4,43% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Trong khi đó, hai cổ đông sáng lập khác của Golden Gate là ông Đào Thế Vinh (Tổng Giám đốc Golden Gate) và Nguyễn Xuân Tường lần lượt đứng tên cho 782.597 cổ phần và 304.115 cổ phần, tương ứng với tỉ lệ sở hữu là 10,25% và 3,98% vốn điều lệ.
Về phía PFC, khi ấy, cổ đông ngoại đến từ Singapore nắm giữ 2,51 triệu cổ phiếu, chiếm 32,92% vốn điều lệ Golden Gate.
|
Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, vào tháng 1/2019, các ông Đào Thế Vinh, Nguyễn Xuân Trường, Trần Việt Trung và Golden Gate Partners đã thế chấp 3,89 triệu cổ phần, tương đương 51,03% tổng số cổ phần đã phát hành của Golden Gate tại PFC.
Đồng nghĩa, tỷ lệ sở hữu thực và tầm ảnh hưởng của cổ đông ngoại tại doanh nghiệp F&B hàng đầu Việt Nam không chỉ dừng lại ở số cổ phần đã thể hiện trên báo cáo tài chính.
Đáng chú ý, ít tuần trước khi công bố giao dịch triệt thoái vốn của PFC, nhóm cổ đông nội đã rút bớt 350.000 cổ phần Golden Gate được thế chấp tại đây.
Ở một diễn biến khác, từ ngày 22 – 24/12/2021, ông Đào Thế Vinh đã chuyển nhượng thành công 371.139 cổ phần, tương đương 4,86% vốn điều lệ Golden Gate qua phương thức thoả thuận. Đến ngày 22/2/2022, Golden Gate ghi nhận thêm 1 cổ đông ngoại, là Trio Stars Investment Corp, sở hữu đúng bằng số cổ phần ông Vinh đã bán.
Chuyển động khối ngoại ở Golden Gate, dù sao, cũng cho thấy mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực F&B tại Việt Nam. Dù nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19, song, khi nền kinh tế hồi phục, thị trường F&B tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng lấy lại được mức tăng trưởng vốn có. Và khi ấy, khoản đầu tư vào Golden Gate có thể trở thành ‘con gà đẻ trứng vàng’ cho các nhà đầu tư ngoại./.