Chuyển đổi số là động lực để Thanh Hóa phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, Thanh Hóa đã, đang và tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển đổi số để phát triển nhanh và bền vững. 
 Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết ( người chỉ tay) kiểm tra hoạt động hệ thống thông tin tại Trung tâm An ninh mạng và An ninh dữ liệu của tỉnh Thanh Hóa
Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết ( người chỉ tay) kiểm tra hoạt động hệ thống thông tin tại Trung tâm An ninh mạng và An ninh dữ liệu của tỉnh Thanh Hóa

Cuộc cách mạng về thể chế

Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và kinh tế số của địa phương, Thanh Hóa đã và đang nỗ lực trở thành tỉnh dẫn đầu về các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Thanh Hoá xem đây là nền tảng cơ bản để phát triển chính quyền số và xây dựng nền kinh tế số.

Chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng xây dựng chính quyền điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đây là hướng đi đúng đắn để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền với người dân một cách văn minh, hiện đại, an toàn, tăng "chỉ số minh bạch" của nền hành chính Nhà nước. Mặt khác, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và các mặt công tác khác phát triển.

Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, người được vinh danh là lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2021 tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử cho biết: "Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg, Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4216/QĐ-UBND về kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số".

"Mục tiêu đặt ra là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống và làm việc của người dân trên môi trường số. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin còn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có qui mô lớn, sức cạnh tranh cao, là nền tảng cho phát triển kinh tế số; xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn".

Cán bộ chuyên môn theo dõi , giám sát an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh Thanh Hóa

Cán bộ chuyên môn theo dõi , giám sát an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh Thanh Hóa

Để đạt được những mục tiêu đặt ra về chuyển đổi số, theo ông Đỗ Hữu Quyết, thì việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, nhất là đối với người đứng đầu đóng vai trò hết sức quan trọng và mang tính quyết định. Theo đó, việc xây dựng hoàn thiện thể chế và công nghệ là động lực. Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững. Còn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn Thanh Hóa.

"Chuyển đổi số là cả một quá trình diễn ra liên tục, xuyên suốt, theo xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong mỗi giai đoạn đặt ra những mục tiêu để thực hiện. Chuyển đổi số không thể đạt được trong ngày một ngày hai, bởi chuyển đổi số thực chất là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng công nghệ", ông Quyết nhấn mạnh.

Những tín hiệu khả quan

Từ nhận thức đến hành động, nói đi đôi với làm, qua triển khai thực hiện, điều đáng ghi nhận là hệ thống cổng thông tin điện tử của các cơ quan từ tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn ở Thanh Hoá đã được triển khai đồng bộ. Các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử đã được xây dựng. Tiêu biểu là Cổng dịch vụ công của tỉnh Thanh Hóa, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; trục liên thông văn bản LGSP của tỉnh Thanh Hóa kết nối với trục quốc gia tích hợp 703 thủ tục hành chính lên trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% văn bản, hồ sơ công việc được điều hành, xử lý, lưu trữ trên môi trường mạng (trừ văn bản mật), triển khai đồng bộ cả 3 cấp, từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn..

Tòa nhà 12 tầng đang được hoàn thiện là nơi đặt Trung tâm công nghệ thông tin của tỉnh Thanh Hóa

Tòa nhà 12 tầng đang được hoàn thiện là nơi đặt Trung tâm công nghệ thông tin của tỉnh Thanh Hóa

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị. 100% đơn vị có mạng nội bộ LAN, tỉ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức toàn tỉnh đạt 96% máy tính/cán bộ (16.661 máy tính/17.356 cán bộ). Có 100% đơn vị được kết nối Internet băng thông rộng sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chạy các phần mềm nghiệp vụ. Hệ thống mạng truyền dẫn hiện đã kết nối và lắp đặt thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan Nhà nước trong tỉnh bằng đường truyền cáp quang.

Hiện tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, nâng cao tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Từ năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu đưa vào hoạt động hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, giúp số hóa toàn bộ hệ thống báo cáo theo Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND ngày 03.12.2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về Quy định chế độ báo cáo định kỳ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng thời giúp đồng bộ với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Việc đưa vào hoạt động phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính; chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và UBND cấp huyện cũng tạo ra tác động tích cực, đổi mới trong việc xây dựng bộ máy hành chính.

Theo thống kê, đến nay, tỉ lệ văn bản gửi qua mạng của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đạt 94,77% (toàn quốc 86,5%); cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt tỉ lệ 89,52%, mức độ 4 đạt 83,70%.

Ngoài ra với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước triển khai hiệu quả xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số với tỉ lệ đạt 99%, mỗi năm tiết kiệm trên 63 tỉ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước...

Thanh Hóa, địa phương có đến 559 xã, phường, thị trấn, dân số đông, đất đai rộng lớn đã đạt được những thành quả rất đáng trân trọng trong 9 tháng vừa qua. Mặc dù dịch Covid -19 bùng phát và "tàn phá" hết sức nghiêm trọng đối với cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng nhưng Tỉnh đã phòng chống dịch Covid -19 khá tốt. Thanh Hoá đã tranh thủ "thời gian vàng" tập trung phát triển kinh tế với mức tăng trưởng 8,06%, đứng trong nhóm có mức tăng trưởng cao của cả nước...