Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng CNTT mà là thay đổi chiến lược để kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là quan điểm của ông Đỗ Hữu Hưng – Giám đốc Công ty Acess Trade tại tại Diễn đàn Kinh tế số và Thương mại Điện tử ngành Công Thương 2023 do Bộ Công Thương chủ trì và tổ chức ngày 21/11/2023 ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Diễn đàn
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong những năm gần đây, Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (KTS) đã trở thành điểm sáng của toàn ngành công thương Việt Nam với những con số ấn tượng như tăng trưởng 20%/năm và dự kiến sẽ đạt giá trị 20 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, chuyển đổi số là động lực vừa sâu, vừa bền vững, góp phần cả vào quá trình chuyển đổi xanh trong các ngành chế tạo, sản xuất. Để đạt được những mục tiêu đó, toàn ngành phải có nhiều giải pháp nhằm tăng trưởng TMĐT và CĐS.

Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục TMĐT và KTS, nói rằng Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong các Bộ ngành ở Việt Nam về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Không chỉ vậy, những giao dịch của ngành công thương còn liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác như hải quan, tài chính, ngân hàng… Sự thành công về TMĐT và CĐS của cộng đồng doanh nghiệp chỉ có thể thành công nếu như các cơ quan nhà nước có hạ tầng số phục vụ tốt nhất cho họ.

Ông Đỗ Hữu Hưng – Giám đốc Công ty Acess Trade cho biết, có một thực tế trong CĐS hiện nay là có tới 70% doanh nghiệp bị thất bại. Nguyên nhân vì CĐS không chỉ là ứng dụng CNTT mà là phải thay đổi chiến lược để kinh doanh số. Khác với cách thức kinh doanh truyền thống, khách hàng trong kinh doanh số hết sức đa dạng và phải có nhiều dịch vụ cho họ với một thực tế ở Việt Nam đang có đến 51 triệu người mua sắm trực tuyến.

Trong phần thảo luận của phiên toàn thể, ông Vũ Quang Hùng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Công Thương khẳng định, CĐS ngành công thương là thực tế tất yếu và phải đặt mục tiêu sao cho hiệu quả nhất. Có thể lấy ra thực tế ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với hiện trạng là lưới điện thông minh và đã hoàn toàn dùng công tơ điện tử với 100% khách hàng và toàn bộ giao dịch chi trả tiền điện hàng tháng cũng là thông qua tài khoản ngân hàng.

Bà Đinh Thuỳ Trang – giám đốc thương mại của dịch vụ Grab thì chia sẻ, Grab không đơn thuần là dịch vụ gọi xe trực tuyến mà đã trở thành một sàn thương mại điện tử với số lượng người dùng rất lớn ở Việt Nam, thậm chí có cả quảng cáo trực tuyến.

Bà Cao Cẩm Linh – Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Logistics Việt Nam đặt vấn đề triển khai các giải pháp logistics ở nhiều địa phương sao cho hiệu quả. Theo bà Linh, việc khó nhất là kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp, nhà vận chuyển, hải quan… Đây là công việc không đơn giản và Sở Công Thương của các địa phương phải làm tốt vai trò điều phối.

Ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS khẳng định, mục tiêu hình thành 1 triệu doanh nghiệp số vào năm 2025 chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, phải có một cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để tạo điều kiện hoạt động cho họ và điều đáng mừng là Luật Giao dịch Điện tử đã được sửa đổi, bổ sung và được Quốc hội thông qua để có động lực cho cộng đồng doanh nghiệp trên môi trường số.

Bà Phùng Thị Thanh Hương – đại diện Ngân hàng Techcombank khẳng định, ngân hàng là một đối tác quan trọng của các doanh nghiệp trong mọi hoạt động kinh doanh của họ và số hoá nền kinh tế không thể thiếu thanh toán điện tử. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nếu được chia sẻ dữ liệu một cách hữu ích.

Kết luận phần thảo luận, ông Nguyễn Văn Minh – Phó Tổng biên tập phụ trách báo Công Thương khẳng định, phát triển TMĐT và KTS là xu thế tất yếu với mọi doanh nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc hết sức quan trọng bên cạnh hành lang pháp lý là phải tạo dựng được những hạ tầng số thuận lợi nhất để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.