|
Khu nhà ở trên tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên của Công ty Vĩnh Hưng - Ảnh: Q.V |
Các bài khác trong cùng tuyến bài Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT):
Kỳ 1: Cú tuýt còi thanh tra và “cuộc cách mạng” dang dở
Kỳ 2: Đội giá dự án “đồng hành” đội quỹ đất đối ứng
Chuyện thâu tóm
Dự án “Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 theo hình thức hợp đồng BT” được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký phê duyệt đề xuất ngày 13/2/2017 vừa qua. Nhà đầu tư của dự án được xác định là Công ty CP đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng).
Dự kiến tuyến đường BT dài 1,65km, mặt cắt ngang từ 40÷47,5m, tổng mức đầu tư khoảng 1.574 tỷ đồng. Bù lại việc bỏ ra 1.574 tỷ đồng làm đường thì nhà đầu tư được UBND TP. Hà Nội tạo điều kiện cho phép khai thác gần 60ha đất để hoàn vốn, bao gồm: Khu nhà ở Ao Mơ với tổng diện tích khoảng 22,9ha đất; Các ô đất thuộc Dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân Tổ 24, 25 diện tích khoảng 11,29ha.
UBND TP. Hà Nội cũng giao thêm 03 quỹ đất nhà đầu tư đề nghị bổ sung để đảm bảo cân đối giá trị Dự án BT và quỹ đất đối ứng, gồm: Dự án Ao Cây Dừa có diện tích 0,52ha; Dự án khu sinh thái Vĩnh Hưng diện tích 11,9ha và Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh trì có diện tích khoảng 13ha. Như vậy tổng diện tích 03 quỹ đất này rơi vào khoảng 25,42ha.
Tuy nhiên, dự án khu nhà ở Ao Mơ và dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật Tổ 24, 25 đã được TP. Hà Nội rục rịch cho phép triển khai cách đây khoảng trên dưới 10 năm về trước.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng tại khu vực Ao Mơ, ngày 07/7/2008 UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 2307/UB-XDĐT về việc chấp thuận để Công ty đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội thuộc Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư tổ chức, nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại khu vực Ao Mơ, phường Vĩnh Hưng, quy mô khoảng 22,9ha.
Đến năm 2010, TP. Hà Nội yêu cầu Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 khẩn trương hoàn thành việc lập dự án đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở Ao Mơ. Trong đó có cả đoạn tuyến đường mặt cắt 40m theo quy hoạch Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên thuộc phạm vi dự án khu nhà ở Ao Mơ đến đường Vành đai 2,5.
Ngày 01/7/2014, UBND TP. Hà Nội có văn bản số 4786/UBND-XDGT chấp thuận về nguyên tắc việc Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội và Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex thành lập Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng) để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở trên tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên.
Trong khi đó dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư từ năm 2005, giao Ban quản lý dự án quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, đến ngày 05/9/2014 UBND quận Hai Bà Trưng nhận được văn bản số 12/CV-VH của Công ty Vĩnh Hưng báo cáo và đề xuất việc thực hiện đồng bộ dự án Đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy, doanh nghiệp này cam kết đủ năng lực và ứng 100% vốn thực hiện hạ tầng dự án.
Trên cơ sở đó, ngày 29/10/2014 UBND quận Hai Bà Trưng tiếp tục có văn bản đề xuất TP. Hà Nội cho phép quận Hai Bà Trưng chỉ định Công ty Vĩnh Hưng là đơn vị thực hiện đầu tư dự án xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Tổ 24, 25.
Để bù đắp chi phí cho Công ty Vĩnh Hưng, UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị TP. Hà Nội cho phép và giao cho Công ty Vĩnh Hưng được khai thác 29.349m2 đất (2,9ha) của 04 ô đất với chức năng nhà ở cao tầng tại bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng điều chỉnh tỷ lệ 1/500 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy.
Ngay sau đó, tháng 11/2014 đề xuất của quận Hai Bà Trưng cũng đã được TP. Hà Nội đồng ý về chủ trương.
Lưu ý rằng, thời điểm này tuy chưa rõ ràng hình thành cơ chế dự án theo hình thức BT xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên như bây giờ nhưng về chủ trương nhà đầu tư đã được nắm quyền triển khai 02 dự án và khai thác một số ô đất.
Những động thái đáng chú ý
Phải đến ngày 28/7/2015 Công ty Vĩnh Hưng mới có văn bản số 10/TT-VH/2015 đề nghị thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 gắn liền với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở hai bên đường, theo hình thức BT. Lúc này dự án mới rõ về việc triển khai theo hình thức hợp đồng BT.
Thời điểm đó, nhà đầu tư đề xuất đưa vào quy mô công trình BT bao gồm: đầu tư xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường 2,5; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở của khu ở Ao Mơ và khu dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy; Và đầu tư 2 tuyến đường phía Bắc và phía Nam khu sinh thái Vĩnh Hưng kết nối với Khu nhà ở Ao Mơ khiến tổng mức đầu tư dự kiến nâng đến mức “khủng” là 3.217 tỷ đồng.
Nếu so sánh có thể thấy số tiền tổng mức đầu tư Công ty Vĩnh Hưng đề xuất năm 2015 vượt gấp đôi so với dự kiến mức đầu tư năm 2017 (1.574 tỷ đồng) vừa được phê duyệt. Nhưng đề xuất đưa mức đầu tư lên đến 3.217 tỷ đồng năm 2015 lại gần bằng tổng số tiền sử dụng đất quỹ đất đối ứng tạm tính do nhà đầu tư đề xuất thời điểm đó là 2.802 tỷ đồng.
Cụ thể, lúc này khu đất đối ứng ở Ao Mơ được nhà đầu tư tạm tính tiền sử dụng đất là 1.013 tỷ đồng; Các ô đất Tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy 364 tỷ đồng; Dự án Ao Cây Dừa là 57 tỷ đồng; Dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng 296 tỷ đồng; Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng 1.072 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng đề xuất của Công ty Vĩnh Hưng về quy mô đầu tư công trình BT gồm cả hạng mục đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở Ao Mơ và khu dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy là không phù hợp với quy định. Còn đối với 2 tuyến đường phía Bắc và phía Nam Khu sinh thái Vĩnh Hưng cần đưa ra ngoài dự án BT hoặc dự án khác. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đồng thời yêu cầu nhà đầu tư xác định lại quỹ đất thanh toán.
Mặt khác, năm 2014 UBND TP. Hà Nội cho phép Công ty đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đại diện Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội và Công ty Y dược phẩm Vimedimex kế thừa và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Ao Mơ.
Tuy nhiên, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 01606599143 cấp lần đầu 14/7/2014, đăng ký lần thứ 2 ngày 16/3/2015 cho Công ty Vĩnh Hưng thì ngoài Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex chiếm 67,27% vốn điều lệ và Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển Nhà số 7 chiếm 2% vốn điều lệ thì còn có 3 cổ đông sáng lập khác là các cá nhân chiếm tổng số 30,73% vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hưng.
Như vậy, có thể thấy rằng việc hình thành cơ cấu cổ đông của Công ty Vĩnh Hưng đã không tuân thủ với nội dung chấp thuận của UBND TP. Hà Nội thời điểm đó.
Cuối cùng, sau quá trình triển khai thì đến năm 2017 Công ty Vĩnh Hưng vẫn được UBND TP. Hà Nội chấp thuận phê duyệt đề xuất dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.574 tỷ đồng. Đồng thời, được tạo điều kiện khai thác quỹ đất đúng vào Khu nhà ở Ao mơ quy mô 22,9ha; các ô đất thuộc dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24,25 quy mô 11,29ha đã được đồng ý về chủ trương thực hiện trước đó và 3 quỹ đất khác có tổng diện tích khoảng 25,42ha.
Quan hệ cộng sinh thân thiết
Nhắc lại sự kiện, năm 2014 UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho phép Liên danh giữa Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội và Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex thành lập pháp nhân mới là Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng để thực hiện dự án.
Tìm hiểu về Liên danh này: Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội tiền thân là Công ty Xây dựng Phát triển nhà Hai Bà Trưng được thành lập năm 1993 theo Quyết định số 1186/QĐ-UB ngày 24/3/1993 của UBND TP. Hà Nội. Đến tháng 7/2000 được chuyển giao từ quận Hai Bà Trưng về làm thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO), và đổi tên thành Công ty Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (HANDICO 7) từ tháng 11/2002 theo Quyết định số 7731/QĐ-UB ngày 12/11/2002 của UBND Thành phố Hà Nội.
Còn Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa theo Quyết định 335/QĐ-BYT ngày 30/01/2006 của Bộ Y tế. Hiện nay do bà Nguyễn Thị Loan là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đồng thời là người đại diện theo pháp luật, có vốn điều lệ là trên 154.402 tỷ đồng.
Bà Loan sinh năm 1970, đăng ký hộ khẩu thường trú tại phòng 52, nhà 6, Khu tập thể Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Hiện tại Bà Loan cũng đang làm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình (HBS).
Mặc dù, chấp thuận của TP. Hà Nội cho phép HANDICO 7 và Vimedimex thành lập Công ty Vĩnh Hưng để thực hiện dự án, tuy nhiên theo tìm hiểu của VietTimes thì ngoài HANDICO 7 và Vimedimex thì còn có 3 cá nhân khác cũng giữ vai trò cổ đông sáng lập Công ty Vĩnh Hưng là ông Nguyễn Quốc Cường, bà Mai Thị Hằng, và ông Lê Xuân Tùng.
Về 3 cá nhân trên, ông Nguyễn Quốc Cường địa chỉ thường trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội hiện đang giữ vai trò là Tổng Giám đốc Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex và Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần chứng khoán Hòa Bình (HBS).
Bà Mai Thị Hằng sinh năm 1962, địa chỉ thường trú tại số 9 Khu A, tập thể Công ty Xây dựng Hồng Hà, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Hiện bà Hằng cũng đang làm Ủy viên HĐQT Công ty CP chứng khoán Hòa Bình (HBS).
Ông Lê Xuân Tùng có địa chỉ thường trú tại phòng 52, nhà 6, tập thể Nam Đồng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội trùng với hộ khẩu thường trú của bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Vimedimex, Chủ tịch HĐQT Công ty HBS. Trước đó bà Loan cũng đã có thời gian làm đại diện theo pháp luật của Công ty Vĩnh Hưng.
Về Công ty Vĩnh Hưng, nếu so sánh cổ phần góp thành lập doanh nghiệp này thì Vimedimex góp 67,27% lớn hơn rất nhiều so với HANDICO 7 (chỉ là 2%). Thậm chí tỷ lệ cổ phần góp vốn của HANDICO 7 còn thấp hơn cả của các cá nhân Mai Thị Hằng (20%), Lê Xuân Tùng (10,73%).
Vậy phương thức hoạt động cũng như mối quan hệ doanh nghiệp, cá nhân trong Vimedimex, HBS, HANDICO và Vĩnh Hưng như thế nào? VietTimes sẽ thông tin tiếp về vấn đề này.
Các bài khác trong cùng tuyến bài Chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Hà Nội (dự án BT):
Kỳ 1: Cú tuýt còi thanh tra và “cuộc cách mạng” dang dở