Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại bán ròng 1.000 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – 3 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần qua (từ 10-14/7) là STB (-427,9 tỉ đồng), VRE (-265,6 tỉ đồng) và DGC (218,7 tỉ đồng).

Trong tuần giao dịch từ ngày 10-15/7, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục cho thấy xu hướng tăng điểm mạnh mẽ. VN-Index đã ghi nhận sự tăng điểm liên tiếp trong 5 phiên, và kết thúc tuần với việc tăng 30,33 điểm (+2,67%) và đóng cửa tại 1.168,4 điểm.

Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện với giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 18.321 tỉ đồng, tăng 18% so với tuần trước, lần lượt tăng 9,2% so với trung bình 5 tuần và 45,5% so với trung bình 20 tuần trước.

Trong tuần qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán là bên mua ròng. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài là bên bán ròng duy nhất.

vt-khoi-ngoai-hose-vnindex.PNG

Cụ thể, khối ngoại bán ròng tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị 1.023,9 tỉ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 1.093 tỉ đồng, tập trung vào các mã STB (-427,9 tỉ đồng), VRE (-265,6 tỉ đồng), DGC (-218,7 tỉ đồng), VPB (-161,1 tỉ đồng) và PVD (-136,9 tỉ đồng).

Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng khớp lệnh nhiều nhất là SSI (+370,7 tỉ đồng), HPG (+229,9 tỉ đồng), KBC (+118 tỉ đồng), VHM (+103 tỉ đồng) và DGW (+83 tỉ đồng).

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 489,5 tỉ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 550 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở các mã STB (+489,2 tỉ đồng), VPB (+301,5 tỉ đồng), VRE (+276,5 tỉ đồng), DGC (+236,7 tỉ đồng), PVD (+109,1 tỉ đồng).

Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng khớp lệnh nhiều nhất là SSI (-405,9 tỉ đồng), HPG (-175,9 tỉ đồng), VHM (-152,6 tỉ đồng), HSG (-139,5 tỉ đồng) và VNM (-139,1 tỉ đồng).

Tâm điểm cổ phiếu ngân hàng

Trong tuần từ 10-14/7, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực như: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới “room” tín dụng lên 14% cho toàn hệ thống ngân hàng; Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ít nhất 1,5-2%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Tâm lý thị trường lạc quan thể hiện ở nhiều nhóm ngành, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản khi nhiều mã tăng mạnh với thanh khoản đột biến như HDC (+17,43%), NLG (+15,49%), PDR (+9,25%), NDN (+8,51%), CII (+8,26%), DIG (+7,69%).

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến tăng giá tích cực khi thanh khoản cải thiện và nhiều mã đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2023 lạc quan như VIX (+10,13%), SSI (+7,75%), SHS (+6,57%), FTS (+6,09%), VCI (+4,78%).

Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng, thép có diễn biến phân hóa, nhiều mã tăng đột biến như C69 (+18,09%), CTI (+9,54%), CTD (+8,11%), FCN (+4,52%), TVN (+11,27%), SMC (+6,14%), NKG (+5,16%).

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ STB (-2,78%) chịu áp lực bán mạnh, đa số đều có diễn biến tăng giá tốt với thanh khoản duy trì trên mức trung bình như PGB (+11,32%), BID (+5,53%), MBB (+4,88%), HDB (+3,00%).

Trong phiên giao dịch cuối tuần, STB ghi nhận thanh khoản đột biến khi có gần 75 triệu cổ phiếu được trao tay. Giá cổ phiếu có thời điểm giảm sàn nhưng chốt phiên chỉ còn giảm 3,33%, cho thấy lực cầu giá thấp vẫn rất dồi dào.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số nhóm ngân hàng tăng 17,13%, là nhóm “trung vị” về biến động giá, đứng thứ 9/19 nhóm ngành và tăng mạnh hơn VN-Index (+16,02%)./.