“Cú hích” ngoài dự báo cho chính sách kích thích tài khóa

VietTimes -- Cuối năm ngoái, khi các ngân hàng trung ương (NHTW) kêu gọi chính phủ đưa ra thêm hỗ trợ tài khóa để kích thích kinh tế, đã có rất ít Chính phủ đáp lại lời kêu gọi đó. Tuy nhiên đến nay, nhiều Chính phủ các quốc gia phát triển đã công bố các gói tài khóa hỗ trợ nền kinh tế.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong báo cáo chiến lược thị trường tuần mới đây, các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS) đánh giá vẫn còn tồn tại rất nhiều bất trắc về dịch bệnh Covid-19, mức độ lây lan, tiến triển kìm hãm và những tộng tới nền kinh tế toàn cầu của virus này.

Song, bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố khác trên thị trường cần được theo dõi và xem xét.

Theo đó, báo cáo nhận định sự suy giảm hoạt động kinh tế và sụt giảm của thị trường chỉ là triệu chứng của đại dịch Covid-19 chứ không phải do sự xuống cấp của nền kinh tế. Vì vậy, một khi dịch bệnh được kìm hãm và hạn chế lây lan, nền kinh tế sẽ hoạt động bình thường trở lại.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng dần quay trở lại hoạt động như mức thông thường.

Cụ thể, sản lượng than tiêu thụ tại các nhà máy điện hiện đã tăng hơn 34% so với trung bình tháng Hai. Các chuỗi nhà hàng đồng loạt mở cửa tại các thành phố lớn của Trung Quốc.

Theo Bộ Xây dựng Trung Quốc, tỷ lệ khởi động lại hoạt động xây dựng - vốn bị đình trệ do lệnh hạn chế di chuyển, đã đạt 58%. Ngành logistic, xương sống của các chuỗi cung ứng, cũng gần như quay về mức hoạt động thông thường tại Thâm Quyến.

Tuy nhiên, sự mở cửa trở lại của các nhà máy, doanh nghiệp tại Trung Quốc phải đối mặt với sự thiếu hụt nhu cầu từ các khu vực kinh tế khác trên thế giới như Mỹ và châu Âu, do đến lượt các nền kinh tế này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Các điều kiện tài chính nới lỏng tạo môi trường phù hợp cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Bên cạnh đó, nếu như cuối năm ngoái, khi các NHTW kêu gọi chính phủ đưa ra thêm hỗ trợ tài khóa để kích thích kninh tế, đã có rất ít chính phủ đáp lại lời kêu gọi đó.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều chính phủ các quốc gia phát triển đã công bố các gói tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Sự kết hợp đồng thời giữa chính sách tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế bật tăng trở lại vào nửa cuối năm 2020 sau khi các hoạt động kinh tế bị sụt giảm do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Tại Việt Nam, theo ghi nhận của VietTimes, Chính phủ cũng đưa ra loạt động thái tài khóa để vực lại nền kinh tế trong dịch Covid-19.

Trong đó, Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020, chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn được giãn nộp thuế 5 tháng, tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Dự báo đỉnh dịch Covid-19 ở các nước

Báo cáo của MBS cho biết, trong khi Trung Quốc, nơi bắt nguồn dịch bệnh, đã và đang đưa Covid-19 vào tầm kiểm soát sau gần hai tháng đóng cửa nền kinh tế, thì châu Âu hiện nay lại trở thành trung tâm mới của dịch bệnh.

Theo thống kê diễn biến dịch bệnh tại một số quốc gia kể từ khi ghi nhận hơn 100 trường hợp nhiễm virus mới/ngày, số ca nhiễm mới/ngày cao nhất tại Trung Quốc và Hàn Quốc là 14.108* ca và 1.062 ca lần lượt vào ngày T+22 và T+9 (tức, sau từ 9 đến 22 ngày kể từ khi ghi nhận hơn 100 trường hợp nhiễm mới/ngày, số trường hợp nhiễm mới/ngày tại các quốc gia này có xu hướng giảm xuống).

Tại Iran, sau khi số trường hợp nhiễm mới/ngày có dấu hiệu tạo đỉnh vào T+8, thì tuần vừa qua quốc gia này tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao và chưa có đỉnh thực sự. Tương tự với tình trạng tại Italy, với số trường hợp nhiễm mới/ngày tại quốc gia này đã tăng lên gần 3.500 ca mới/ngày bất chấp các biện pháp đóng cửa toàn bộ đất nước trong tuần vừa qua.

Tây Ban Nha là một trường hợp virus lây lan đặc biệt nhanh kể từ khi có hơn 100 ca nhiễm mới/ngày. Chỉ trong khoảng thời gian T+5, số trường hợp nhiễm mới/ngày tại quốc gia này đã lên đến hơn 2.000 ca mới/ngày.

Đức, Pháp, Mỹ có tốc độ gia tăng số người nhiễm mới/ngày chậm hơn Tây Ban Nha, nhưng diễn biến hiện khá tương đồng với giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh (T+7 và T+10) tại Italy.

Do đó, không thể loại trừ khả năng trong 7 đến 10 ngày tới, ba quốc gia này sẽ có số người nhiễm mới/ngày cao như của Italy./.