Vốn hóa thị trường được tính bằng lượng cổ phiếu lưu hành nhân với giá thị trường của cổ phiếu. Chỉ số vốn hóa cho thấy giá cổ phiếu đã thực sự lao dốc trong thời gian qua.
Trong tháng qua những thông tin tiêu cực dồn dập đã phần nào tác động đến giá cổ phiếu.
Trong đó, điển hình nhất là những thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán Trung Quốc, đồng nhân dân tệ giảm giá, Việt Nam cũng vì thế đã phá giá thêm tiền đồng, những thông tin xấu từ lĩnh vực ngân hàng…
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 24-8, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết trong thời gian này ủy ban đang theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, và nếu cần thiết sẽ có biện pháp can thiệp.
Tuy vậy vị này cho rằng nhà đầu tư nên bình tĩnh vì những tác động này chỉ là ngắn hạn vì bị ảnh hưởng chủ yếu từ thông tin bên ngoài.
Sáng 24-8, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự hoảng loạn, diễn biến không khác gì thị trường chứng khoán các nước, sau khi các chỉ số chính của các thị trường châu Á giảm mạnh ngay ngày đầu tuần. Các diễn biến này nối tiếp với sự tuột dốc của các chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ, Pháp, Đức vào cuối tuần qua.
Chỉ số Shanghai của Trung Quốc rơi mạnh ngay đầu phiên hôm nay, mất hơn 7% kéo theo các thị trường khác. Cả hai sàn TPHCM và Hà Nội mở đầu phiên đều ngay lập tức ghi nhận sắc đỏ, đà giảm gần như trở thành “rơi tự do” và chưa cho thấy có điểm dừng trong suốt buổi sáng hôm nay.
Kết thúc thời gian giao dịch buổi sáng, cả hai sàn đều đóng cửa tại vùng thấp nhất, VN-Index mất 28,57 điểm (-5,14%) trong khi HNX-Index cũng rơi mạnh về 74,05 điểm (-4,57%). Đến cuối phiên hôm nay, chứng khoán đã giảm trên 30 điểm.
Kết quả giảm lan tỏa trên hầu hết mọi cổ phiếu và nhóm ngành, cho thấy rủi ro và sự lo sợ hiện nay của nhà đầu tư liên quan đến những yếu tố mang tính hệ thống, không phải những rủi ro cục bộ. Chênh lệnh giữa số lượng mã tăng và giảm là cực lớn (1/10) với chỉ còn vỏn vẹn 42 mã tăng so với 414 mã giảm. Khác với phiên giao dịch ngày thứ Sáu cuối tuần trước, phiên hôm nay bên mua đã thật sự rơi vào thế bị động và không còn lực bắt đáy mạnh như phiên thứ Sáu.
Tính đến hiện tại, dù điểm số đã rơi rất mạnh, thanh khoản hiện chỉ bằng khoảng 60% tại cùng thời điểm phiên cuối tuần trước.
Việc giảm sàn của hàng loạt cổ phiếu trong phiên hôm nay có thể lý giải là do triển vọng tiêu cực của giá dầu: Giá dầu Brent và WTI ngày hôm qua lần lượt giảm 2,5% và 2,1% xuống chỉ còn 45,46 đô la Mỹ/thùng và 40,45 đô la/thùng. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây chủ yếu là do trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai của thế giới là Trung Quốc đối mặt với tình trạng suy giảm trong tăng trưởng kinh tế và sản xuất công nghiệp (Chỉ số PMI của Trung Quốc giảm từ 47,8 của tháng 7 xuống còn 47,1 trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ 2009) trong khi đó kinh tế châu Âu vẫn còn trì trệ. Đồng thời, triển vọng nguồn cung tăng khi Iran cho biết sẽ đẩy mạnh tăng sản lượng bất chấp giá dầu. Giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi là tín hiệu không mấy tích cực.
Các thông tin kém lạc quan từ Trung Quốc là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các diễn biến trong thời gian qua trên thị trường thế giới và Việt Nam. Sự lo lắng của nhà đầu tư liên quan đến những bất ổn của Trung Quốc là rất rõ, vì nước này đang phải đối mặt với tốc độ trăng trưởng chậm lại, sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp đang khiến nhà đầu tư mất dần sự lạc quan về triển vọng của thị trường.
Tỷ giá tại Việt Nam tiếp tục căng thẳng cũng khiến nhà đầu tư lo ngại. Thị trường ngoại hối tiếp tục căng thẳng bất chấp nỗ lực của NHNN trong việc ổn định thị trường vào đầu tuần trước. Giá đô la Mỹ bán tại Vietcombank ở mức kịch trần 22.547 đồng ăn 1 đô la Mỹ sau khi có phần ổn định hơn vào cuối tuần trước. Giao dịch chợ đen vẫn không khả quan hơn khi phần lớn đứng trên mức trần. Đây là bất lợi rất lớn đối với các doanh nghiệp có dư nợ vay đô la Mỹ cao.
Trong khi đó, áp lực giải chấp chắc chắn đang ở mức cao trong một vài phiên gần đây, khi mà rất nhiều các cổ phiếu đã giảm giá đáng kể trong suốt giai đoạn vừa rồi. Dù khó có thể định lượng rõ rệt về giá trị của lượng hàng giải chấp, chắc chắn điều này sẽ tạo ra thêm nguồn cung cổ phiếu không hề ít trong thời điểm hiện tại.
Thêm một thông tin không tích cực nữa trong tuần qua chính là việc khối ngoại bán ròng. Các nhà đầu tư nước ngoài, trước áp lực những thông tin bất lợi nêu trên đã chuyển sang trạng thái bán ròng trong tuần rồi, họ bán ròng đặc biệt mạnh trong hai phiên cuối tuần. Chỉ tính riêng trên sàn TPHCM, giá trị bán ròng trong tuần rồi của khối ngoại là hơn 560 tỉ đồng. Việc bán ròng này có đóng góp không hề nhỏ từ các quỹ ETF khi trong tuần qua giá chứng chỉ quỹ của Vaneck và FTSE đều đã “rơi không phanh”. Chỉ tính riêng ETF VNM, quỹ này đã rút ròng 500.000 chứng chỉ quỹ trong tuần rồi, tương đương giá trị bán ra hơn 8 triệu đô la Mỹ (hơn 180 tỉ đồng).
Theo TBKTSG