Vì vụ Mạnh Vãn Chu, Trung Quốc và Canada ăn miếng trả miếng về mậu dịch

VietTimes -- Ngày 1.3 vừa qua, Trung Quốc đã thu hồi giấy phép xuất khẩu hạt cải dầu của công ty Richardson International sang thị trường Trung Quốc với cớ “có vật gây hại hoặc vi khuẩn”. Sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm nhập khẩu hạt cải dầu của Canada, phía Canada cũng đáp trả bằng cách tuyên bố không cho phép nhập khẩu thịt lợn và mọi sản phẩm chế biến từ thịt lợn của Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước vốn đã căng thẳng sau sự kiện bà Mạnh Vãn Chu – CFO của Công ty Huawei bị cảnh sát bắt giữ hôm 1.12.2018 theo yêu cầu của Mỹ - nay lại càng trở nên tồi tệ, đã lan sang lĩnh vực thương mại.
Những nông dân trồng cải dầu, ngành nông nghiệp và kinh tế Canada sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng  trước quyết định cấm nhập hạt cải dầu của hải quan Trung Quốc.
Những nông dân trồng cải dầu, ngành nông nghiệp và kinh tế Canada sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng trước quyết định cấm nhập hạt cải dầu của hải quan Trung Quốc.

Ngày 6.3, Công ty Richardson International – hãng xuất khẩu hạt cải dầu lớn nhất của Canada đã xác nhận thông tin họ bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc hủy bỏ tư cách xuất khẩu sản phẩm sang nước này và nói hành động này của phía Trung Quốc có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Canada. Một hòn đá ném xuống nước gây nên bao lớp sóng, truyền thông và giới chính khách trong nước Canada liên tiếp đưa tin và bình luận về sự kiện; hầu hết đều đánh giá đây chỉ là hành động trả thù của Trung Quốc với Canada về vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu.

Ngày 6.3, tại cuộc họp báo định kỳ, Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích việc chính phủ Trung Quốc đưa ra quyết định chặn cửa đối với hạt cải dầu của Công ty Richardson International là có căn cứ. Ông nói: “Qua tìm hiểu, gần đây hải quan Trung Quốc nhiều lần tìm thấy sinh vật có hại nguy hiểm trong hạt cải dầu nhập khẩu từ Canada; trong đó kiểm định thấy hạt của một công ty đặc biệt nghiêm trọng. Trong tình hình đó, hải quan Trung Quốc căn cứ quy định pháp luật liên quan và tập quán quốc tế, đã đưa ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu. Đây là quyết định hoàn toàn hợp tình hợp lý và hợp pháp”.

Công ty Richardson International sẽ bị thiệt hại nặng bởi lệnh cấm nhập khẩu hạt cải của phía Trung Quốc
Công ty Richardson International sẽ bị thiệt hại nặng bởi lệnh cấm nhập khẩu hạt cải của phía Trung Quốc

Trái ngược với quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 5.3, bà Marie-Claude Bibeau, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada tuyên bố: “Sau khi nhận được thông báo từ phía Trung Quốc về sản phẩm hạt cải phạm quy, cơ quan kiểm định thực phẩm Canada đã điều tra và chứng thực: không hề phát hiện thấy sự tồn tại của bất cứ sinh vật hay vi khuẩn có hại nào trong hạt cải dầu”.

Canada là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt cải dầu lớn, có sản lượng hạt cải đứng thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau EU; nghề trồng cải dầu mỗi năm đem về cho nền kinh tế Canada 26,7 tỷ dollar Canada (tức 19,9 tỷ USD), 250 ngàn việc làm. Điều quan trọng hơn là, Trung Quốc là khách hàng lớn của cải dầu Canada, mỗi năm Canada xuất khẩu lượng hạt cải trị giá 5 tỷ dollar Canada (25 tỷ NDFT), một nửa số đó được bán sang Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường hàng đầu đối với hạt cải dầu Canada, loại hạt sẽ được nghiền thành dầu thực vật và bột thức ăn chăn nuôi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn hạt cải dầu, trị giá 1,9 tỉ USD trong năm 2017.

Theo Công ty Richardson International, do Trung Quốc hủy bỏ giấy phép xuất khẩu của họ, những nông dân trồng cải dầu của Canada cũng sẽ đối diện với vấn đề sản phẩm dư thừa nghiêm trọng. Qua đó có thể thấy việc công ty này bị Trung Quốc chặn ngoài cửa là một đòn nặng nề đến mức nào đối với Canada và cũng là nguyên nhân gây nên làn sóng bất bình trong dư luận Canada. Ông Jean-Marc Ruest, trưởng ban pháp chế của công ty, cho biết động thái này hàm chứa một động cơ chính trị. “Chúng tôi là nhà xuất khẩu lớn nhất của Canada. Chúng tôi có từ lâu đời và sở hữu toàn bộ công ty”, ông nói. “Nếu nó liên quan đến tranh chấp sâu sắc hơn giữa Canada và Trung Quốc, tôi đoán chúng tôi đã trở thành một mục tiêu của họ”.

Quyết định không nhập khẩu sản phẩm thịt lợn Trung Quốc của phía Canada thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc hơn là ý nghĩa thực tế
Quyết định không nhập khẩu sản phẩm thịt lợn Trung Quốc của phía Canada thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc hơn là ý nghĩa thực tế

Tờ Sohu của Trung Quốc cho rằng, ngành nghề trồng cải dầu chỉ là một bộ phận nhỏ của nông nghiệp Canada, nhưng việc Trung Quốc ra đòn cấm nhập khẩu đã gây nên sóng gió lớn trong nước, điều này đủ để chứng minh Canada đang lo sợ bị mất đi thị trường Trung Quốc. Báo này nhận định, trước khi trở thành “tay súng” của Mỹ nhắm vào Huawei, Canada rất mong muốn tăng cường quan hệ mậu dịch với Trung Quốc. Sau khi ký Hiệp định mậu dịch Mỹ - Mexico – Canada (USMCA), Canada đã ý thức được việc họ trở thành bên thua thiệt nên thông qua việc ký Hiệp định mậu dịch tự do Trung Quốc – Canada để có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Sau khi xảy ra sự kiện Mạnh Vãn Chu, quan hệ mậu dịch Trung Quốc – Canada bỗng chốc trở nên băng giá khiến nhiều người trong chính phủ Canada rất lo ngại. Cuộc đàm phán về một hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc mà Canada mong muốn từ lâu bỗng bị lâm vào tình trạng đình trệ; quan hệ mậu dịch với Trung Quốc bị phủ bóng mây đã khiến kinh tế Canada xảy ra nhiều nhân tố “không xác định”. Ví dụ, sau khi xảy ra sự kiện Huawei, giá cổ phiếu của Canada Goose Holdings Inc. - một công ty cổ phần của Canada chuyên sản xuất quần áo mùa đông nhãn hiệu nổi tiếng Canada Goose chỉ trong vòng 3 ngày đã bị mất đứt 16%, hay 8 tỷ NDT.

Ngày 6.3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố: “Tôi cực kỳ quan ngại về những gì đã xảy ra với Tập đoàn Richardson. Chúng tôi không tin rằng có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho những quyết định như vậy. Chúng tôi đang tích cực làm việc với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề này”. Đáp lại, cùng ngày người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại cuộc họp báo: “Quyết định của chính phủ Trung Quốc dựa trên những cơ sở vững chắc. Cũng như các quốc gia khác, chúng tôi có quyền bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân”.

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu chính là nguyên nhân gây nên tình trạng tồi tệ trong quan hệ Trung Quốc - Canada hiện nay
Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu chính là nguyên nhân gây nên tình trạng tồi tệ trong quan hệ Trung Quốc - Canada hiện nay

Trước một động thái được cho là sự trả thù tiếp theo cho sự kiện Mạnh Vãn Chu của phía Trung Quốc sau khi bắt giữ 2 công dân Canada vì lý do “xâm hại an ninh quốc gia” và tử hình một người khác về tội vận chuyển ma túy sau phiên tòa phúc thẩm’; ngày 11.3, Cục Kiểm định thực phẩm Canada (CFIA) đã đăng tải trên trang web cơ quan này văn bản tuyên bố: Canada sẽ không nhập khẩu thịt lợn và mọi sản phẩm chế biến từ thịt lợn của quốc gia đã bị chính thức xác nhận có dịch tả lợn châu Phi. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh này ở Trung Quốc, Canada sẽ cấm nhập khẩu thịt lợn, chế phẩm thịt lợn, bao gồm cả tinh dịch lợn và bào thai lợn từ Trung Quốc.

Xem xét các số liệu, số lượng sản phẩm thịt lợn Canada nhập của Trung Quốc không nhiều, trái lại số thịt lợn Trung Quốc nhập của Canada còn nhiều hơn. Năm 2016, số sản phẩm thịt lợn Canada nhập của Trung Quốc chỉ trị giá 7,6 triệu dollar Canada, chiếm 0,6% tổng lượng sản phẩm thịt lợn mà nước này nhập khẩu; từ quý I.2017, Canada còn vượt Mỹ, trở thành nước Bắc Mỹ xuất khẩu thịt lợn nhiều nhất cho Trung Quốc. Năm 2017, Canada đã xuất khẩu sang Trung Quốc 306.083 tấn sản phẩm thịt lợn trị giá 570 triệu dollar Canada khiến Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ thịt lợn Canada đứng thứ 3 sau Mỹ và Nhật. Năm 2017 Canada xuất khẩu sản phẩm thịt lợn đạt 4 tỷ USD, thị trường Trung Quốc chiếm 14%.

Vì vậy, quyết định cấm nhập khẩu sản phẩm thịt lợn Trung Quốc của chính phủ Canada có lẽ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện lập trường cứng rắn đôívới Trung Quốc mà thôi, chứ không có mấy giá trị thực tiễn.