Chưa nhậm chức, Đại sứ đề cử của Mỹ tại Trung Quốc đã khẩu chiến gay gắt với nước chủ nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Nicholas Burns, người được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đã thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh tại phiên điều trần xác nhận đề cử tại Thượng viện hôm thứ Tư (20/10); Trung Quốc giận dữ đáp trả.
Ông Nicholas Burns kịch liệt phê phán Trung Quốc tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 20/10 (Ảnh: Axios).
Ông Nicholas Burns kịch liệt phê phán Trung Quốc tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 20/10 (Ảnh: Axios).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 21/10, Nicholas Burns, một nhà ngoại giao cấp cao được Tổng thống Joe Biden đề cử làm đại sứ tại Trung Quốc, hôm 20/10 đã tham dự phiên điều trần xác nhận đề cử của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Tại đây ông đã kịch liệt phê phán Trung Quốc và cho rằng cả các cơ quan chính phủ và Quốc hội đều cần ủng hộ Đài Loan trong việc tự vệ.

Ông Burns, đã dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken nói: “Trung Quốc là phép thử địa chính trị lớn nhất đối với Mỹ trong thế kỷ 21. Khi cần, Mỹ sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc đại lục, cả trong kinh tế, cơ sở hạ tầng quan trọng và các công nghệ mới nổi; nhưng sẽ hợp tác với Trung Quốc trên các mặt phù hợp lợi ích của Mỹ, chẳng hạn như về biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu và phi hạt nhân hóa”.

Ông Burns gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của Mỹ", Bắc Kinh đã phá vỡ lời cam kết chỉ duy trì khả năng răn đe hạt nhân tối thiểu. Ông cũng nói rằng Washington nên làm việc với các đồng minh ở châu Âu và các nơi khác để xây dựng ảnh hưởng kinh tế.

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Joe Biden ngày càng căng thẳng (Ảnh: Hket).

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Joe Biden ngày càng căng thẳng (Ảnh: Hket).

Ông Burns cũng cáo buộc Bắc Kinh “phạm tội diệt chủng ở Tân Cương, vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, bóp nghẹt chế độ tự trị và quyền tự do của Hồng Kông, và bắt nạt Đài Loan”. Ông nói rằng những hành vi bất công này cần phải chấm dứt. Ông cũng lo ngại về việc các máy bay quân sự của PLA bay gần Đài Loan, nói rằng các hành động gần đây của Trung Quốc đối với Đài Loan là đặc biệt phản cảm. Ông cho rằng Mỹ đã đúng khi theo đuổi chính sách "Một Trung Quốc" hiện nay đối với vấn đề Đài Loan, nhưng cũng đúng khi phản đối các hành động của Trung Quốc đơn phương phá hoại hiện trạng và sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông cũng kêu gọi các cơ quan hành pháp và Quốc hội Mỹ hãy tuân thủ "Đạo luật Quan hệ Đài Loan", ủng hộ Đài Loan duy trì đầy đủ khả năng tự vệ.

Một số thành viên của Quốc hội, bao gồm cả những nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ của ông Biden, đã kêu gọi Washington xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc" đã được tuân thủ trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Burns nói rằng sự đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan đang gia tăng, nhưng ông khẳng định rằng chính sách “một Trung Quốc” là cách khôn ngoan và hiệu quả nhất để ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan dân chủ và tự trị.

Việc báo chí Mỹ tiết lộ thông tin quân đội Mỹ đến Đài Loan giúp huấn luyện khiến tình hình eo biển càng trở nên căng thẳng (Ảnh: 163.com).

Việc báo chí Mỹ tiết lộ thông tin quân đội Mỹ đến Đài Loan giúp huấn luyện khiến tình hình eo biển càng trở nên căng thẳng (Ảnh: 163.com).

Burns nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện: “Đây là một chính sách có thể thành công, miễn là chúng ta thực hiện nó một cách nhất quán và đưa ra sức mạnh nhất định”. Ông nói rằng lực lượng răn đe quan trọng nhất là Mỹ duy trì vai trò quân sự của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ông nói rằng Quốc hội và các cơ quan hành pháp hoàn toàn có quyền "mở rộng việc cung cấp vũ khí của chúng ta cho Đài Loan".

Ông Burns cũng đã dành một khoảng thời gian đáng kể để nói về quan điểm của ông cho rằng Trung Quốc tương đối bị cô lập trên trường quốc tế. Ông chỉ ra rằng hiện tại Trung Quốc đại lục có ít bạn bè và hầu như không có đồng minh thực sự; ngược lại Mỹ có rất nhiều đồng minh, đó là một ưu thế rất lớn.

Ông nói: "Trung Quốc hiện rất hung hăng, họ đã gây ra rất nhiều cuộc kháng cự chống lại họ. Tôi nghĩ chúng ta không nên phóng đại sức mạnh của Trung Quốc hoặc đánh giá thấp sức mạnh của nước Mỹ".

Nói về đại dịch COVID-19, ông Burns chỉ ra rằng kể từ tháng 1 năm ngoái, Trung Quốc đã luôn cản trở thế giới điều tra nguồn gốc của loại SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19. Ông nói: "Chúng ta cần điều tra. Chúng ta không thể chắc chắn về nguồn gốc của loại virus này. Có nhiều giả thuyết, phía Trung Quốc cần trả lời những câu hỏi này".

Đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ tới thăm Đài Loan hồi tháng 6/2021 khiến Trung Quốc rất tức giận (Ảnh: Deutsche Welle).

Đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ tới thăm Đài Loan hồi tháng 6/2021 khiến Trung Quốc rất tức giận (Ảnh: Deutsche Welle).

Năm nay 65 tuổi, Nicholas Burns là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng đảm nhiệm vai trò đại sứ Mỹ tại NATO. Theo quy trình đề cử đại sứ của Mỹ, sau khi ủy ban liên quan tổ chức một phiên điều trần, sẽ tiến hành biểu quyết thông qua vào một ngày khác sau đó. Sau khi nhân sự được Ủy ban Đối thoại thông qua sẽ chuyển nó đến toàn Thượng viện xem xét, chỉ cần quá bán số Thượng nghị sỹ tán thành là được thông qua. Các thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội đều ca ngợi ông Burns, và dự đoán việc đề cử ông sẽ được Thượng viện xác nhận thuận lợi.

Phía Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ trước phát biểu của đại sứ Mỹ tương lai. Chiều ngày 21/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ. Một phóng viên đặt câu hỏi: “Ông Nicholas Burns, người được đề cử Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, tại phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 20/10, kêu gọi Mỹ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc", nhưng ông cũng kêu gọi Mỹ tiếp tục ủng hộ sâu sắc hơn việc bảo vệ an ninh của Đài Loan, và chỉ trích các chính sách của Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương, Trung Quốc có bình luận gì về điều này?”.

Gần đây Trung Quốc liên tục cho nhiều máy bay quân sự vào Vùng nhận diện phòng không Tây Nam Đài Loan (Ảnh: CNA).

Gần đây Trung Quốc liên tục cho nhiều máy bay quân sự vào Vùng nhận diện phòng không Tây Nam Đài Loan (Ảnh: CNA).

Ông Uông Văn Bân nói: “Những nhận xét có liên quan của ông Burns mang đầy tư duy về tổng bằng không của Chiến tranh Lạnh và hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này. Trung Quốc kiên trì con đường phát triển hòa bình và sẽ luôn là người xây dựng hòa bình thế giới, người đóng góp vào sự phát triển toàn cầu, người bảo vệ trật tự quốc tế và là nhà cung cấp hàng hóa công cộng. Chúng tôi phản đối định nghĩa quan hệ Trung-Mỹ là cạnh tranh. Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh trong các lĩnh vực thực dụng như kinh tế và thương mại, thì đó cũng là một cuộc cạnh tranh lành mạnh, thi đua và cùng nhau nâng cao. Các việc của Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không thế lực ngoại bang nào được phép can thiệp. Cái gọi là ‘cuộc diệt chủng’ ở Tân Cương là một lời nói dối thế kỷ được một số học giả phương Tây chống Trung Quốc và các chính trị gia Mỹ ngụy tạo. Mục đích thực sự của nó là để áp chế và kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc”.

Uông Văn Bân cũng nhấn mạnh: “Nguyên tắc Một Trung Quốc là cơ sở chính trị của quan hệ Trung-Mỹ và Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc. Mỹ đã đưa ra cam kết với Trung Quốc chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan trong Thông cáo ngày 17/8, cần nói lời phải giữ lời”.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden Mỹ đã đẩy mạnh việc bán vũ khí cho Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Dưới thời Tổng thống Joe Biden Mỹ đã đẩy mạnh việc bán vũ khí cho Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Ông nói: “ Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc luôn chia sẻ thông tin về dịch bệnh với Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng quốc tế một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm. Nguồn gốc của virus là một vấn đề khoa học. Một số ít các chính trị gia Mỹ bị ám ảnh bởi nguồn gốc chính trị và những ý định bôi nhọ Trung Quốc thâm hiểm là điều mọi người đều biết rõ. Chúng tôi khuyên ông Burns nên nhìn rõ xu thế chung của thế giới và nguyện vọng của cộng đồng quốc tế, tìm hiểu tình hình thực tế của Trung Quốc một cách khách quan, có cái nhìn tỉnh táo về sự phát triển của Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ, không nên đánh giá thấp quyết tâm và ý chí kiên định của nhân dân Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Mong ông ta hãy nói những lời mang tính xây dựng hơn, làm nhiều điều mang tính xây dựng hơn và phát huy vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.

Trong một diễn biến khác, khi tham dự phiên điều trần xác nhận đề cử của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cùng ngày thứ Tư (20/10), ông Rahm Emanuel, cựu thị trưởng Chicago, bang Illinois, được Tổng thống Biden đề cử làm đại sứ tại Nhật Bản đã nói rằng cốt lõi công việc của mình sau khi nhậm chức là tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật và chống lại Trung Quốc.

Ông Rahm Emanuel, đã chỉ trích mục tiêu của Trung Quốc là đạt được sự chinh phục thông qua đối đầu, trong khi chiến lược của Mỹ là đạt được an ninh thông qua sự thống nhất và duy trì sự thống nhất của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên liên minh Mỹ-Nhật. Ông cho rằng Nhật Bản đã sẵn sàng đón nhận giai đoạn tiếp theo của quan hệ Mỹ-Nhật, đồng thời nhấn mạnh rằng khi việc bổ nhiệm được xác nhận, ông sẽ tập trung vào hợp tác với Nhật Bản về biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và an ninh chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt chíp bán dẫn.