Chùa Hương: Ngày đầu tiên mở cửa đón khách trở lại, điểm trực cấp cứu không một bóng người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù lượng khách đến chùa Hương đông, nhưng điểm trực cấp cứu tại cửa ra vào lại vắng bóng nhân viên y tế, trong khi mỗi ngày Hà Nội vẫn ghi nhận gần 3.000 ca mắc COVID-19.
Điểm trực cấp cứu Bến Trò ngay cạnh cổng soát vé Chùa Hương không 1 bóng người (Ảnh - Minh Thuý)
Điểm trực cấp cứu Bến Trò ngay cạnh cổng soát vé Chùa Hương không 1 bóng người (Ảnh - Minh Thuý)

Nhiều người không đeo khẩu trang, nhân viên y tế “mất tích”

Để tìm hiểu về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi chùa Hương được mở cửa trở lại, PV VietTimes đã trực tiếp thử nghiệm 1 tour vãn cảnh chùa Hương ngay ngày đầu chùa được mở.

Du khách đi đò vãn cảnh chùa Hương (Ảnh - Minh Thuý)

Du khách đi đò vãn cảnh chùa Hương (Ảnh - Minh Thuý)

Ngay từ cổng chào cách chùa khoảng 2km, xe của nhóm PV đã bị một số cò mồi bám theo, chèo kéo, chỉ đường đến thẳng bến đò để đến chùa.

Cò mồi chèo kéo PV ngay từ cổng chào (Ảnh - Minh Thuý)

Cò mồi chèo kéo PV ngay từ cổng chào (Ảnh - Minh Thuý)

Theo chân người cò mồi, PV được đưa đến 1 chiếc đò với lời quảng cáo đi đò không chen lấn, vô cùng thoải mái, có giá 1,2 triệu đồng/2 người, còn 20 người/chuyến thì giá dao động từ 5-6 triệu đồng. Khách thanh toán tiền đò không có hoá đơn.

Sau hơn 30 phút đi đò, PV đã đặt chân đến chùa Hương. Ghi nhận của chúng tôi trong ngày đầu chùa Hương mở cửa đón khách trở lại, đã có khá đông người dân đến khu di tích này. Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết, trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại (11/2), chùa Hương đón khoảng 1.550 du khách đến tham quan, vãn cảnh và lễ chùa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là giữa lúc Hà Nội đang là điểm nóng của dịch COVID-19 với khoảng 3.000 ca mỗi ngày, cùng với nỗi lo lắng biến thể Omicron rình rập, thì ở khu vực này, nhiều người vẫn không tuân thủ 5K khi không đeo khẩu trang, hoặc đeo không đúng cách, chuyện trò thoải mái, như thể không có dịch bệnh đang hiện hữu. Và đây chính là nguy cơ để dịch bệnh có thể bùng phát từ lễ hội này, nếu không có biện pháp phù hợp và kịp thời.

Chúng tôi ngạc nhiêm khi ngay cổng vào chùa là Điểm trực cấp cứu Bến Trò của Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức, nhưng lại không hề có nhân viên y tế nào, trong khi lượng khách ra, vào chùa tấp nập, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Người lái đò thông tin thêm về giá vé 1,2 triệu/2 người (Video - MT)

Khu vực sát khuẩn ở cổng soát vé của chùa Hương (Ảnh - Minh Thuý)

Khu vực sát khuẩn ở cổng soát vé của chùa Hương (Ảnh - Minh Thuý)

Điều đáng nói là, mặc dù các lực lượng chức năng đã treo biển thông báo người dân quét mã QR Code để khai báo y tế, nhưng hầu hết các du khách vào chùa lại bỏ qua bước này và đi thẳng qua cổng soát vé.

Du khách quên đeo khẩu trang (Ảnh - Minh Thuý)

Du khách quên đeo khẩu trang (Ảnh - Minh Thuý)

Người dân ăn uống, trò chuyện thoải mái trên đường vào chùa Hương như không có dịch bệnh hiện hữu (Ảnh - Minh Thuý)

Người dân ăn uống, trò chuyện thoải mái trên đường vào chùa Hương như không có dịch bệnh hiện hữu (Ảnh - Minh Thuý)

Qua cổng soát vé, vào trong chùa Thiên Trù, thấy ngay khung cảnh du khách thập phương tấp nập đi lễ. Theo ghi nhận của PV, nhiều người chỉ đeo khẩu trang ở khu vực soát vé, sau khi vào trong thì bỏ khẩu trang ra, thản nhiên ăn uống, cười nói, chuyện trò,…

Bà N.T.K. (Ảnh - Hiếu Nguyễn)

Bà N.T.K. (Ảnh - Hiếu Nguyễn)

Đeo khẩu trang nhưng lại để khẩu trang ... dưới cằm, bà N.T.K., 73 tuổi, sống ở Xuân La, Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “6h tôi bắt đầu xuất phát từ nhà đi chùa Hương. Để phòng dịch, tôi đã đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế đầy đủ theo hướng dẫn. Tôi đi lễ với tinh thần sảng khoái, khi sau một thời gian chùa bị đóng cửa vì COVID-19”.

Ông P.Q.S., 57 tuổi (Ảnh - Hiếu Nguyễn)

Ông P.Q.S., 57 tuổi (Ảnh - Hiếu Nguyễn)

Cũng đến Chùa Hương vãn cảnh, ông P.Q.S., 57 tuổi, cũng quên đeo khẩu trang, chia sẻ: “Tôi đi chùa Hương từ ngày 10/2. Khi vào cổng tôi đã khai báo y tế, thực hiện 5K. Hiện, tôi đã tiêm đủ 3 mũi vaccine”.

Lãnh đạo huyện Mỹ Đức, Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn nói gì?

Trao đổi với PV VietTimes về lý do huyện Mỹ Đức đề xuất mở cửa thắng cảnh chùa Hương, đón du khách trở lại, ông Đặng Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức – cho biết: Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, huyện thực hiện 2 nhiệm vụ kép - vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện, tình hình dịch COVID-19 tại huyện Mỹ Đức đang trong tầm kiểm soát, được xác định là vùng xanh. Đặc biệt, việc mở cửa trở lại chùa Hương là nguyện vọng của người dân và du khách thập phương, để được thắp nén hương cầu cho quốc thái dân an, tiếp nối nét đẹp văn hoá tâm linh. Đây chính là lý do UBND huyện Mỹ Đức quyết định đề xuất mở cửa chùa Hương để đón du khách.

Ông Đặng Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Ảnh - Minh Thuý)

Ông Đặng Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Ảnh - Minh Thuý)

Theo ông Cảnh, Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội chùa Hương, có phương án phòng, chống dịch COVID-19 khi mở cửa đón khách trở lại, khuyến cáo du khách đến chùa Hương phải nghiêm túc tuân thủ 5K, quét mã QR code để khai báo y tế,… Đặc biệt, khuyến cáo các du khách chưa tiêm đủ liều cơ bản vaccine COVID-19 thì không nên đến Khu di tích.

Huyện đã thành lập các trạm y tế lưu động, tăng cường lực lượng y tế trực ở các cổng trạm để ứng phó tình huống du khách có biểu hiện ho, sốt, nghi ngờ mắc COVID-19 thì sẽ được test nhanh. Nếu phát hiện ca dương tính thì lực lượng y tế sẽ khoanh vùng, đưa đi cách ly, điều trị.

Dòng người tấp nập đổ về chùa Thiên Trù (Ảnh - Hiếu Nguyễn)

Dòng người tấp nập đổ về chùa Thiên Trù (Ảnh - Hiếu Nguyễn)

Trước phản ánh của PV về việc nhiều du khách đến chùa Hương không đeo khẩu trang, điểm trực cấp cứu ở cổng chùa vắng bóng nhân viên y tế, ông Cảnh cho biết: “Tất cả các biện pháp phòng, chống dịch huyện đã lên phương án, phân công cán bộ trực. Khi du khách về đều được đón tiếp chu đáo”.

Còn ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn – thông tin: “Ban Quản lý vẫn tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện 5K để phòng, chống dịch COVID-19 thường xuyên. Tuy nhiên, có một số người không đeo khẩu trang khi đi tham quan, vãn cảnh chùa. Vì thế, chúng tôi đã bố trí cán bộ nhắc nhở người dân đeo khẩu trang đúng quy định ngay từ chốt kiểm soát vé. Còn Điểm trực Cấp cứu Bến Trò vắng người là do một số thời điểm nhân viên y tế có việc bận hoặc chạy đi đâu đó”.

Về giá vé đi đò bị hét lên đến 600.000 đồng/người mà PV trực tiếp trải nghiệm, ông Hiển nói: “Ban Quản lý chưa nắm được thông tin này, không ghi nhận trường hợp nào như vậy. Ban Quản lý đã có biển, bảng đề giá vé công khai, minh bạch”.

Trước tình trạng khách bị chèo kéo, thổi giá đò khi đến chùa Hương, ông Hiển cho hay: Khi người dân có vấn đề bức xúc về giá cả, bị chèo kéo,… có thể phản ánh lên đường dây nóng của Ban Quản lý hoặc thông báo cho lực lượng chức năng để giải quyết.

Theo thống kê của CDC Hà Nội, từ 18h ngày 10/2 đến 18h ngày 11/2 Hà Nội ghi nhận 2.908 ca mắc COVID-19 (610 ca cộng đồng; 2.298 ca đã cách ly).

Bệnh nhân phân bố tại 483 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày gồm: Hoàng Mai 112, Đông Anh 106; Chương Mỹ 101; Đống Đa 95; Hoài Đức 94.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 165.817 ca.