|
Theo Sở GTVT Hà Nội, khi được đưa vào thực thi, quy chế mới sẽ giúp làm giảm bớt mật độ giao thông trên địa bàn Thành phố hiện nay. Ảnh: Taxi Ba Sao |
Ngày 7/8, sau khi Sở GTVT Hà Nội có Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội, VietTimes đã có bài phỏng vấn với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội về vấn đề này.
Thưa ông, trong Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội có những điểm nào đáng chú ý?
Ông Bùi Danh Liên: Trước hết chúng tôi rất hoan nghênh Dự thảo này của Sở GTVT, hết sức nghiêm túc và đầy dân chủ. Dự thảo này đề cập đến rất nhiều vấn đề. Nhưng ở đây tôi sẽ chỉ đề cập đến những vấn đề nổi cộm nhất.
Thứ nhất, về việc “đồng phục” cho taxi, vấn đề này không có gì mới, ở các nước phát triển trên thế giới đã quy định việc này. Ví dụ như ở Mỹ, taxi bắt buộc phải sơn màu vàng.
Về việc Hà Nội quy định việc này, tôi cho rằng đấy là việc đáng mừng, vì nó sẽ làm đẹp hình ảnh của thành phố, phương tiện giao thông vận tải tốt thêm. Chúng ta có thể xem việc này như việc quy định đồng phục của công an, cảnh sát, …nghĩa là thông qua việc này, nhà nước đang quản lý taxi có tính chất khoa học.
Nhưng điều quan trọng nhất là đồng phục này đưa lại lợi ích gì?
Theo tôi, đầu tiên, đó là tiện ích cho người sử dụng: mọi người dễ dàng nhận biết xe taxi giữa hãng ngàn xe ở thành phố này.
Thứ hai, theo tôi, đó là bảm đảm an ninh, dễ dàng phát hiện kẻ xấu di chuyển trên các xe này.
Vì vậy, tôi ủng hộ đề xuất này.
Tuy nhiên, việc này sẽ gặp phải sự phản đối của một số hãng taxi, nhất là các hãng có thương hiệu. Lý do, là vì sơn một màu sơn thống nhất, thì những hãng taxi này sẽ không còn riêng biệt, vì vậy công sức họ xây dựng thương hiệu bấy lâu nay sẽ là “công dã tràng”.
Nhưng với cá nhân tôi, thương hiệu của các đơn vị là phải xuất phát từ chất lượng phục vụ hành khách và giá thành của đơn vị. Nên bảo sơn cùng màu khiến các hãng danh tiếng và các hãng cò con có thể ngang hàng nhau là không hợp lý.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể dùng một suy nghĩ cá nhân để áp đặt lên ý tưởng tốt đẹp của thành phố.
Vấn đề thứ hai việc mà tôi rất bức xúc và không tán thành, đó là việc phân vùng taxi.
Phân vùng taxi là gì, là taxi A chỉ được chạy ở địa bàn A, nếu khách có nhu cầu chạy sang địa bàn B thì chỉ được trả khách ở địa bàn B và phải quay lại địa bàn A, không được đón khách ở địa bàn B.
Cái này không chỉ bản thân tôi, mà còn có nhiều lãnh đạo cao cấp không đồng tình.
Theo tôi, taxi hoạt động theo tính chế định của pháp luật nhà nước và dảm bảo tính liên tục của vận tải, không thể cắt đoạn chỉ phục vụ một hành khách được.
Việc phân vùng này, theo tôi, đang gây khó khăn cho khách hàng.
Còn về lý do phân vùng, theo các chuyên gia của Sở, là để hạn chế các xe ngoại tỉnh vào nội thành. Theo tôi, đấy không phải là cách: bây giờ, các nước kiểm soát việc này bằng công nghệ thông tin, nên chúng ta không thể tư duy theo “kinh tế lúa nước” như vậy được.
Tất nhiên, đấy chỉ là ý kiến của tôi, và đây là dự thảo và các bên phải có ý kiến them vào mới có thể xây dựng được hình ảnh taxi của thành phố hoạt động tốt với hiệu quả cao nhất.
Từ ngày 1/7/2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi (đặt/gọi taxi). Nhiều người cho rằng Sở GTVT Hà Nội đang có ý định Uber – Grab hoá taxi trên địa bàn, ông có đồng ý với nhận định này không?
Ông Bùi Danh Liên: Việc các hãng taxi sử dụng phần mềm không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Phần mềm là để các doanh nghiệp nghiên cứu và tự xây dựng, nhà nước không thể bắt ép làm cái đó.
Do vậy, theo tôi, không nên cứng nhắc mà nên khuyến khích các doanh nghiệp vận tải áp dụng các phần mềm để đưa và điều hành, đảm bảo về an toàn, chất lượng phục vụ và hạn chế xe chạy một chiều trên đường.
Hơn nữa, theo Nghị định 86, các xe taxi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Nhưng phần mềm của Uber, Grab là phần mềm để đặt xe, gọi xe, nối giữa khách hãng với chủ xe, hỗ trợ cho khách hãng nên không thể xem nó như một ngành kinh doanh taxi truyền thống, mà phải xem nó như một ngành logistics.
Vậy ông đánh giá như thế nào về mức độ khả thi của dự án này?
Ông Bùi Danh Liên: Đây mới chỉ là ý kiến ban đầu, cần tiếp tục điều chỉnh. Sở giao thông sẽ lấy ý kiến của các hãng taxi, của hành khách, của các bên liên quan… để điều chỉnh cho phù hợp.
Nhưng tôi mong muốn, dự thảo được ban ra để phục vụ lợi ích quốc gia và không làm khó các cơ quan doanh nghiệp.
Muốn các doanh nghiệp bền vũng, chúng ta cần đề ra những giải pháp thông minh, là giải pháp thông minh chứ không phải giải pháp cưỡng chế.
Theo tôi, thời gian tới, số lượng taxi sẽ giảm khi Uber, Grab tiếp tục phát triển cạnh tranh. Chúng tôi đã cảnh báo điều này từ lâu rồi.
Đứng trên lập trường của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông có đề xuất, sáng kiến gì để tăng hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội
Ông Bùi Danh Liên: Trước đây chúng tôi đã đề xuất làm một tổng đài chung, mục tiêu là tạo tổng đài trượt.
Ví dụ, một khách ở Trung tâm Hà Nội muốn xuống Hà Đông, nhưng xe ở Trung tâm không muốn xuống, trong khi đó có xe ở Hà Đông (hãng khác) đang ở Trung tâm, vậy tổng đài sẽ điều phối khách hàng và xe để có được chuyến đường thuận tiện nhất.
Tuy nhiên, tất cả các hãng không đồng ý nên không thể buộc vào được.
Ngoài ra, chúng tôi còn đề xuất không được tăng them số lượng doanh nghiệp vận tải và số lượng đầu xe.
Việc tăng hãng và tăng đầu xe sẽ khiến cánh lái xe ngoại tỉnh đổ về Hà Nộ, khiến mật độ dân số và mật độ xe cao, dễ gây ùn tắc. Điển hình là việc những ngày lễ tết, cánh lái xe vè quê, đường phố Hà Nội vắng hẳn.
Nhưng đáng tiếc, hiện nay số lượng xe chỉ tăng chứ không giảm.
Nhưng tôi vẫn muốn Sở GTVT có cách sắp xếp lại số lượng taxi để phù hợp với cơ sở hạ tầng của khách đi lại.