|
Việc thâu tóm Viglacera nằm trong chiến lược phát triển của Gelex ở lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (Ảnh: P.D) |
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2020, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex - Mã CK: GEX), đã có nhiều chia sẻ về kế hoạch mua và sở hữu cổ phần chi phối tại Viglacera (Mã CK: VGC).
Ông Tuấn cho biết do điều kiện thị trường và chính sách thoái vốn nhà nước nên Gelex không hoàn thành mục tiêu thâu tóm VGC. Thẳng thắn nhận trách nhiệm trước các cổ đông, vị Chủ tịch HĐQT Gelex khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của ban điều hành là hoàn thành mục tiêu việc mua và sở hữu 51% vốn VGC trong Quý 4/2020.
Việc thâu tóm VGC nằm trong chiến lược phát triển mới của Gelex trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp nhằm đón đầu dòng vốn đầu tư vào Việt Nam hậu Covid-19.
Gelex định hướng sẽ thực hiện M&A với VGC trước, rồi sau đó mở rộng quỹ đất để phát triển, tập trung vào các khu công nghiệp ở khu vực phía Nam tại một số địa phương như: Tây Ninh và Đồng Nai.
Lý giải thêm về việc lựa chọn VGC, ông Tuấn đánh giá VGC đã rất thành công khi đầu tư vào khu công nghiệp. Bên cạnh đó, các quy trình làm dự án điện (mà Gelex đã thực hiện) và khu công nghiệp có nhiều điểm tương đồng, giống nhau. Tuy nhiên, điểm yếu của VGC là cơ chế, do vẫn là doanh nghiệp nhà nước nên hoạt động M&A các khu công nghiệp sẽ diễn ra chậm hơn.
“Gelex sẽ làm chủ đầu tư, còn VGC (với uy tín đã có) sẽ là nhà phát triển” - ông Tuấn chia sẻ về chiến lược đầu tư bất động sản khu công nghiệp. Trong năm 2020, Gelex dự tính mua 4 khu công nghiệp để VGC phát triển.
Cũng theo vị Chủ tịch Gelex, việc phát triển lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp sẽ bao gồm cả hoạt động đầu tư nhà kho, nhà máy nước sạch, xử lý nước thải, nhà ở xã hội,…nhằm tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người lao động tại các khu công nghiệp. Điều này sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn cho các khu công nghiệp.
“Chúng tôi đặt mục tiêu Gelex và VGC trở thành nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Dù đã lớn nhất rồi, nhưng chúng tôi muốn bỏ xa các đối thủ” - ông Tuấn nói.
|
Một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 của Gelex (Nguồn: GEX)
|
Năm 2020, Gelex sẽ tiếp tục kiên trì định hướng trở thành công ty quản lý vốn (holdings) chuẩn mực với hai khối kinh doanh chính, bao gồm: (1) sản xuất công nghiệp, gồm: sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng và (2) hạ tầng, gồm: sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.
Tập đoàn đặt mục tiêu sẽ hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược đang được thực hiện, gồm mua và sở hữu chi phối VGC và Tổng Cty Thiết bị điện Đông Anh, mua và sở hữu 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT; triển khai các dự án năng lượng tái tạo theo kế hoạch được phê duyệt; tiếp tục tối ưu hóa sản xuất, đẩy mạnh phát triển thị trường, gia tăng thị phần các doanh nghiệp.
Về nguồn lực đầu tư, Gelex dự tính sẽ rót 4.000 tỷ đồng vào mảng hạ tầng, trong khi rót 2.000 tỷ đồng cho các thương vụ M&A. Nguồn vốn chủ yếu sẽ đến từ các khoản vay thương mại, nguồn lợi nhuận của Gelex.
|
Toàn cảnh buổi họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Gelex (Ảnh: P.D)
|
Ông Tuấn cũng cho biết Gelex chưa có nhu cầu tăng vốn trong năm 2020 và sẽ tính tiếp kế hoạch tăng vốn sau khi thâu tóm VGC.
Lý giải về hoạt động mua cổ phiếu quỹ, ông Tuấn cho biết ban điều hành nhận thấy Gelex vẫn còn nguồn tiền dư, trong khi thị giá cổ phiếu đã thấp hơn giá trị nội tại của doanh nghiệp nên tiến hành mua cổ phiếu quỹ. Gelex sẽ tìm đối tác để bán số cổ phiếu quỹ đã mua với mức giá cao hơn.
Ngoài ra, vị chủ tịch HĐQT Gelex cũng bày tỏ việc muốn mua thêm cổ phiếu, gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Gelex, đặc biệt là trong thời điểm cổ phiếu GEX đang có mức giá tốt./.