Đó là nhận định của ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Công ty FPT Software tại phiên tọa đàm về kinh nghiệm phát triển sản phẩm xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 do Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương tổ chức gần đây.
Tại đây, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ những bài học thành công của doanh nghiệp đã có 17 năm xuất khẩu phần mềm: “Chúng tôi có hơn 10.000 kỹ sư, lập trình viên. Trung bình mỗi cán bộ, nhân viên FPT Software làm ra khoảng 550 triệu đồng/năm. Nếu so với các ngành xuất khẩu của Việt Nam thì trừ xuất khẩu dầu khí, than đá, ngành phần mềm có giá trị xuất khẩu trên đầu người cao nhất”.
Chủ tịch FPT Software cho rằng, điều đáng "khoe" nhiều hơn chính là giá trị gia tăng cao của ngành phần mềm. Ông Tiến phân tích: “Xuất khẩu hơn 30 tỷ USD điện thoại thì nhập khẩu cũng 25 tỷ USD (tức là trong 100 USD giá trị xuất khẩu thì chỉ có khoảng 20 - 30 USD do người Việt làm ra), phần giá trị gia tăng Việt Nam làm được rất ít. Ngành chúng ta làm chính như lúa gạo thì hóa ra giá trị gia tăng của nông dân làm ra là 50% còn lại là nhập phân bón thuốc trừ sâu. Với ngành phần mềm chúng tôi, cứ 100 USD xuất khẩu thì có 84 - 86 USD do người Việt Nam làm ra. Như vậy, giá trị gia tăng của ngành phần mềm rất ổn”.
Ngoài ra, ông cũng đánh giá cao năng lực của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, bởi ông cho rằng khách hàng của VN hiện là những nước giàu nhất thế giới và họ đều cần đến những kỹ sư học ở Việt Nam, làm ở Việt Nam nhưng làm cho khắp thế giới. Việt Nam lại có ưu thế sở hữu một lực lượng trẻ, khỏe vì học cần làm việc từ 10 - 14 tiếng/ngày
Chủ tịch FPT Software tiết lộ, doanh số của FPT Software năm 2016 là 230 triệu USD nhưng mục tiêu công ty đặt ra là đến năm 2020 sẽ đạt doanh số 1 tỷ USD. “Tôi không biết có bao nhiêu doanh nghiệp dám đặt tốc độ tăng trưởng cao như vậy. Chúng tôi chỉ thiếu người, còn mục tiêu 1 tỷ USD hoàn toàn không xa xôi”, ông Tiến nói.