|
Ảnh minh họa |
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của SHB bàn về chuyện sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF) mới đây, một cổ đông đã đứng lên đề nghị lãnh đạo ngân hàng này phải minh bạch tình hình nợ xấu của VVF, đồng thời bày tỏ lo ngại, nếu cứ tiếp tục “gánh” các con nợ, không loại trừ khả năng SHB trong tương lai sẽ thua lỗ và bị rơi vào thảm cảnh bị mua lại với giá 0 đồng.
Cho dù nỗi lo trên bị Chủ tịch SHB đánh giá là “hoang tưởng”, song đó là băn khoăn rất thực tế, bởi đã có 3 ngân hàng rơi vào thua lỗ nặng nề và bị mua lại với giá 0 đồng. Đây là bài học cay đắng của các nhà đầu tư khi rót tiền vào ngân hàng và cũng là lý do khiến cổ đông nhiều ngân hàng như ngồi trên đống lửa vì không nắm được tình hình tài chính của các ngân hàng mà mình đã trót góp vốn.
Hiện cả nước có 30 ngân hàng TMCP thì mới có 9 ngân hàng TMCP được niêm yết trên sàn chứng khoán là: BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, Eximbank, MB, ACB, NCB và SHB. Rất nhiều ngân hàng trong số 21 ngân hàng còn lại nhiều năm qua không hề công bố công khai báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán khiến cổ đông, nhà đầu tư rất khó giám sát.
Được biết, Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã đưa ra một số giải pháp tái cơ cấu quản trị ngân hàng, yêu cầu một số giải pháp tăng minh bạch hóa hoạt động ngân hàng như: áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin của các tổ chức tín dụng, niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán, tăng tính đại chúng của ngân hàng thương mại cổ phần và tăng số lượng các nhà đầu tư, cổ đông trong các đợt tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, sắp kết thúc năm 2015 (kết thúc giai đoạn 1 Đề án tái cơ cấu), nhưng các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu chuẩn bị lên sàn, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản nhắc nhở từ đầu năm. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng tính đại chúng của ngân hàng TMCP, tăng số lượng các nhà đầu tư, cổ đông của NHNN vẫn chưa thực hiện được. Chính vì cổ phiếu tập trung ở một nhóm người, nên mục tiêu minh bạch hóa hoạt động ngân hàng khó thực hiện, tiềm ẩn rủi ro cao.
Lãnh đạo một ngân hàng cho hay: “Hiện hệ thống ngân hàng vẫn chưa khỏe. Đa phần các ngân hàng chưa niêm yết đều đang phải chật vật tái cơ cấu. Đang yếu mà “ra gió” sẽ nhanh chết. Đợi đến lúc khỏe mới niêm yết cũng chưa muộn”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt nhận tiền gửi của người dân. Vì vậy, dù có lên sàn hay không thì cũng phải có quy định bắt buộc các ngân hàng minh bạch hóa hoạt động của mình, tránh tình trạng ngân hàng thua lỗ, âm vốn, buộc NHNN phải mua lại với giá 0 đồng/cổ phần.
Theo bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, câu chuyện ngân hàng 0 đồng có thể không xảy ra nếu hoạt động ngân hàng được minh bạch hóa. “Vì vậy, cần có chế tài đủ sức răn đe và buộc các tổ chức tín dụng phải được quản trị thực chất theo thông lệ và quy định tốt. NHNN phải chủ động đề xuất thiết chế pháp lý này để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ”, bà Nga khuyến nghị.
Trong khi đó, với kinh nghiệm kiểm toán các ngân hàng Việt Nam, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính Công ty E&Y Việt Nam cho hay, tình trạng rất phổ biến của các ngân hàng ở Việt Nam là không công bố tài chính, hoặc nếu công bố thì sẽ công bố báo cáo chưa kiểm toán. Với số ít ngân hàng công bố báo cáo tài chính đã qua kiểm toán thì hầu như “giấu nhẹm” phần khuyến nghị mà kiểm toán đưa ra.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, đã đến lúc, NHNN cần đưa ra những quy định bắt buộc về công bố thông tin của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần vạch rõ lộ trình niêm yết của các ngân hàng, chứ không chỉ dừng ở mức độ khuyến khích, nhắc nhở như hiện nay.
Theo Đầu tư