Sau nhiều lần lỗi hẹn và nhận án phạt 60 triệu đồng từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGR - Agriseco) cuối cùng cũng tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày cuối cùng của tháng 10/2015.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này do Agriseco vẫn chưa nhận được chỉ đạo của cổ đông lớn là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) về việc biểu quyết tại ĐHĐCĐ nên chưa có cơ sở tổ chức đại hội trong tháng 6/2015.
Hậu quả nhãn tiền từ thương vụ “ngân hàng 0 đồng”
Đại hội thường niên lần này, vấn đề quan tâm của cổ đông chính là thiệt hại của Agriseco sau thương vụ Ngân hàng Nhà nước ra quyết định mua lại ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank).
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, Agriseco phải gánh chịu khoản lỗ 38,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do tăng trích lập dự phòng đối với khoản dự phòng đầu tư cổ phiếu GP.Bank. Bên cạnh đó, cổ đông cũng có ý kiến yêu cầu ban lãnh đạo Agriseco xác minh thông tin xuất hiện trên thị trường cho rằng AGR có khoảng 230 tỷ đồng cầm cố cổ phiếu GP.Bank.
Trước tình hình đó, Agriseco vẫn lạc quan đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 225.33 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế “vỏn vẹn” 10 tỷ đồng. Trước kế hoạch khiêm tốn đặt ra, các cổ đông khá bức xúc “vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng mà đặt kế hoạch lãi chỉ 10 tỷ, công ty cần thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp”.
Tư duy “người nhà” Agribank
Ngay trước khi diễn ra đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, Agriseco đã công bố báo cáo tài chính quý III/2015, trong đó, các chỉ số kinh doanh đều sụt giảm mạnh.
Doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 121 tỷ đồng, giảm 100 tỷ so với cùng kỳ năm trước, doanh thu các mảng hoạt động môi giới CK, đầu tư CK, … đều giảm.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp “bùng nổ” với mức tăng gấp 6 lần từ 25 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2014 lên mức 154,5 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn.
Như vậy, chỉ còn 3 tháng cuối cùng của năm để Agriseco “chạy nước rút” thực hiện kế hoạch mà ĐHĐCĐ đề ra. Trong quý IV/2015, doanh thu phải đạt 105 tỷ đồng (gần bằng kết quả đạt được trong 9 tháng vừa qua) và đem về lợi nhuận gần 50 tỷ đồng mới có thể làm hài lòng cổ đông.
Lật lại vài năm trước đây, tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh mà ĐHĐCĐ đặt ra gần như chỉ là “bánh vẽ” dù khá khiêm tốn.
Năm 2014, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 36 tỷ đồng – bằng 60% kế hoạch do ĐHĐCĐ giao. Đáng lưu ý, kế hoạch này cũng được đặt ra “sát nút” vào ngày 20/11/2014 – khi mà chỉ còn 41 ngày là kết thúc năm tài chính.
Các năm trước đó, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của Agriseco cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm, khi mà tỷ lệ giảm liên tục qua các năm từ 101,2% năm 2011 xuống 54,5% năm 2012 và đến năm 2013, các cổ đông mới “vỡ òa” trước thực tế đạt được chỉ 33,7%.
Tỏ ra “sốt ruột” trước tình hình trên, một cổ đông có mặt thắc mắc: “Trong báo cáo của Ban Tổng giám đốc có ghi chất lượng nhân sự thấp, tính chiến đấu yếu. Vậy trong 161 cán bộ của công ty thì có bao nhiêu người có người nhà làm Agribank? Tại sao đề là cổ đông nhưng người nhà Agribank thì được vào làm nhưng người khác thì không?”.
Hiện tại, tính đến 30/09/2015, Agribank đang nắm giữ 158,8 triệu cổ phần tại Agriseco – chiếm 75% vốn điều lệ tại đây.
Câu chuyện “chế độ người nhà” trong tuyển dụng tại ngân hàng Agribank
Ngày 22/10, khi thông báo tuyển dụng lao động năm 2015 công khai có ghi rõ đối tượng ưu tiên là: con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm (thang điểm 100); trường hợp có từ 02 người con trở lên tham dự kỳ thi thì cũng chỉ cộng điểm ưu tiên cho 01 người con.
Trước những phản ứng trái chiều từ dư luận, trong phiên họp bất thường ngày 26/10, Hội đồng Thành viên Agribank đã quyết định dừng việc ưu tiên cộng điểm trên.
Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành chia sẻ: “Trong thời gian vừa qua, do phải tái cơ cấu, thu nhập của người lao động giảm sút đáng kể, lương đang ở mức thấp nhất so với các ngân hàng khác.
"Cộng với việc hàng loạt cán bộ bị xử lý hình sự, đã phát sinh tâm lý hoang mang lo sợ, làm cho số lao động bỏ việc ngày càng tăng, người có kinh nghiệm thì xin nghỉ hưu trước tuổi, người có trình độ thì xin chuyển sang các ngành nghề khác, đặc biệt là hai khu vực Hà Nội và TP.HCM, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay đã có gần 300 lao động chuyển công tác và bỏ việc”.
Lãnh đạo ngân hàng này cho hay, với suy nghĩ trong điều kiện khó khăn hiện nay cần có sự khuyến khích động viên nhất định để người lao động yên tâm gắn bó với nghề, với ngành.
Theo ông, người lao động có con tốt nghiệp đại học thì hầu hết cũng là những người có thời gian lao động, cống hiến cho Agribank trên 20 năm. Tuy vậy, cũng chỉ cộng điểm cho những trường hợp chưa có một người con nào làm việc cho Agribank.
Theo ANTT