Trong thời gian qua, khi cả nước cùng thế giới căng mình chống chọi với dịch COVID-19, thì vẫn có nhiều người khai báo gian dối, trốn cách ly, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy bị xử phạt. Điều này đã dẫn đến một bộ phận không nhỏ người dân thêm thiếu ý thức, lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Trước thực tế này, VietTimes đã trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, luật sư Nguyễn Đức Chánh và Ths. Lưu Đức Quang - giảng viên Luật Hiến pháp - Trường Đại học Kinh tế - Luật, thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM, để làm rõ các vấn đề xử phạt ngay lập tức các hành vi vi phạm này.
+ Vừa qua có nhiều người đã khai báo gian dối gây khó khăn trong công tác tìm kiếm, xác minh người tiếp xúc, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Xin luật sư cho biết hành vi khai báo gian dối sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Bệnh nhân có thể bị khởi tố hình sự hay không, thưa ông?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Đối với hành vi khai báo gian dối, tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 nghiêm cấm các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định. Do đó, người nào vi phạm hành vi bị cấm ở trên sẽ bị xử phạt tuy theo mức độ vi phạm.
Về xử lý vi phạm hành chính:
Theo điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định cá nhân phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo, khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng. Nếu che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác thì bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 [Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người] Bộ luật Hình sự 2015:
+Mức phạt thấp là: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
+Mức phạt cao nhất là: phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Ngoài ra người phạm tội có thể chịu thêm những hình phạt như:
- Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Một bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị tại BV Đa khoa Bình Thuận. Ảnh: BVCR
|
+ Ca bệnh số 100 đã đi dự lễ hội tôn giáo tại Malaysia, trở về Việt Nam vào ngày 3/3. Được biết, vào thời điểm ngày 3/3 chưa có lệnh cách ly tại nhà đối với người về từ Malaysia. Và đến 0h ngày 18/3 mới bắt đầu áp dụng cách ly đối với người về từ Asean. Ngày 18/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật mới lấy mẫu xét nghiệm của ông và sau đó cho kết quả dương tính vào ngày 22/3. Như vậy, bệnh nhân này có vi phạm pháp luật hay không? Và nếu vi phạm thì ông sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa luật sư?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Việc bệnh nhân số 100 đi dự lễ hội tôn giáo tại Malaysia – là vùng dịch nguy hiểm về nhưng không chủ động cách ly cộng đồng, có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Tại Khoản 4 Điều 4 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định một trong những nguyên tắc phòng dịch là “Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.”
- Khoản 1 Điều 47 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định “Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.”.
Theo đó, mọi người đều có trách nhiệm chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng
Khoản 2 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định hành vi “Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Kiểm dịch Y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất - nơi tiếp nhận hàng nghìn hành khách về từ nước ngoài. Ảnh: Toàn Trân
|
+ Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng nhưng chưa thấy nêu rõ chế tài. Xin luật sư cho biết, nếu vi phạm thì căn cứ vào đâu để xử phạt và xử phạt như thế nào? Vì thực tế hiện nay có không ít người vẫn chưa có ý thức mang khẩu trang khi đi đến nơi công cộng.
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 “sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm” thì bệnh COVID-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Đồng thời, theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người không đeo khẩu trang nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 của Luật này. Theo quy định này, nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Điều 11 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Ngoài ra, nếu người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan vi rút COVID-19 cho người khác còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tiên tục tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Ảnh: N.T
|
+ Gần đây, có gia đình bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng trốn khỏi nơi cách ly. Thưa luật sư, hành vi này có bị xử phạt hay không và xử phạt như nào, có thể bị xử lý hình sự không?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Những người trốn cách ly sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý vi phạm hành chính:
Theo Điều 10, Nghị định 176/2013 quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Cũng giống như hành vi khai báo gian dối, nếu hành vi trốn cách ly gây ra hậu quả nghiêm trọng, lây lan cho nhiều người mang tính chất nguy hiểm thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
+ Nhận thấy trong thời gian qua, Việt Nam chưa thực hiện quyết liệt việc xử phạt - trước hết là xử phạt hành chính, đối với những người có hành vi vi phạm như bệnh nhân 17, bệnh nhân 34, Vũ Khắc Tiệp (do có lệnh cách ly tại nhà nhưng đã không tuân thủ đúng).
Như vậy, chúng ta có cần đưa ra văn bản xử phạt ngay lập tức đối với các trường hợp vi phạm, dù là bệnh nhân hay người đang cách ly không, thưa ông?
Việc xử phạt những người vi phạm cần kịp thời, không nên xử phạt người này mà bỏ qua người kia
Trong việc truy cứu trách nhiệm, chúng ta luôn gắn các yếu tố nhân đạo đối với bệnh nhân, người cách ly. Tuy nhiên, trong tình thế dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu không có những xử lý kịp thời, thích đáng thì nhiều người khác sẽ không có ý thức. Thời gian trước, chúng ta kêu gọi mọi người có ý thức khai báo tích cực để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, người dẫn vẫn chưa chủ động thì cần có biện pháp mạnh tay hơn. Nếu không xử lý nghiêm minh, ngay lập tức, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh ở mức nguy hiểm hơn rất nhiều. Do đó, trước hết, khi phát hiện có vi phạm, phải ngay lập tức đưa ra một văn bản xử phạt hành chính, có thể đến khi nào hết cách ly hay khỏi bệnh sẽ thi hành. Đáng nói, trước khi xét đến trường hợp những người này có vi phạm hình sự hay không thì cơ bản họ đã vi phạm hành chính. Riêng với trường hợp của bệnh nhân số 34, đã có dấu hiệu của yếu tố lỗi trong xử lý hình sự. Khi từ Mỹ về Việt Nam, bệnh nhân này có thể quên mình đã gặp những ai, nhưng việc đã ở lại TP.HCM thì rõ ràng phải nhớ. Trong khi đó bà đã khai là bà từ sân bay Tân Sơn Nhất về thẳng nhà ở Phan Thiết. Cơ quan chức năng cần thu thập chứng cứ, tài liệu để củng cố hồ sơ. Sau khi bệnh nhân khỏi bệnh sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, việc xử phạt những người vi phạm cần kịp thời, không nên xử phạt người này mà bỏ qua người kia!. Ths. Lưu Đức Quang - Giảng viên Luật Hiến pháp - Trường Đại học Kinh tế - Luật, thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM. |
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Có thể nói, với những ứng xử cá nhân trong hoàn cảnh bùng phát của dịch bệnh cũng đã thể hiện ý thức và trách nhiệm của xã hội cũng như nhân cách, văn hóa, bản lĩnh của cá nhân đó. Và diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã làm lộ diện một số người hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình, bỏ qua lợi ích thiết thân của xã hội, cộng đồng
Theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Trên cơ sở này, các hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý kịp thời, nhanh chóng.
+ Có ý kiến cho rằng luật điều chỉnh về dịch bệnh khẩn cấp như hiện nay còn mỏng, thậm chí chưa có nên gây lúng túng trong việc xử lý. Vậy xin luật sư cho biết liệu Quốc hội lúc này có nên ban hành 1 văn bản mới về việc xử phạt các hành vi vi phạm trong dịch bệnh này không?
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Hiện tại, các hành vi vi phạm trong hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm được điều chỉnh bởi Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Đồng thời về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính cũng đã được quy định tại Luật Xử phạt hành chính 2012. Do đó việc ban hành văn bản mới trong trường hợp này là không cần thiết khi đã các hành vi vi phạm trong hoạt động phòng, chống COVID-19 đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Hiện nay trong chương trình làm luật sắp tới, đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, mỗi người dân cần ứng xử văn minh, trách nhiệm, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và Cơ quan có thẩm quyền, sẵn sàng cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh còn khó khăn của đất nước, địa phương,… và ý thức, trách nhiệm với chính mình, người thân và cộng đồng.
Qua việc cách ly tập trung 14 ngày, chúng ta thấy sự nỗ lực hết mình của lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống COVID-19, tinh thần dân tộc trong từng mạch máu của người dân. Bởi vậy, những hình ảnh như đòi hỏi, phán xét, chê bai, chống đối thì mỗi cá nhân phải có việc làm phù hợp với khả năng và điều kiện của mình, chung tay với Nhà nước phòng chống dịch bệnh bệnh COVID-19.
Từ những việc đơn giản nhất ai cũng có thể làm là tự nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, hợp tác chung tay với lực lượng chức năng. Mỗi người dân hãy thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm đơn giản, cụ thể và bình thường nhất.
Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi trốn tránh việc cách ly Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoànH hành, gây hậu quả rất lớn đến tính mạng, sức khỏe con người và tình hình kinh tế. Hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân trong xã hội đều nên góp một phần sức lực nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Nếu các cá nhân có dấu hiệu hay nguy cơ bị lây nhiễm thì nên tự giác khai báo hoặc trực tiếp đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị. Như vậy, vừa đảm bảo được sức khỏe cho bản thân, vừa bảo vệ gia đình mình và vừa bảo vệ cộng đồng xã hội.
Đối với các cá nhân đi từ vùng dịch về, nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác rất cao. Vì vậy, các cá nhân này nên tuân thủ các biện pháp y tế cũng như tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Cơ quan chức năng. Có thể các biện pháp kiểm tra y tế sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt cá nhân của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, mỗi cá nhân nên thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội bằng việc bỏ qua những lợi ích cá nhân mà hướng đến mục tiêu chung của cộng đồng là đẩy lùi dịch COVID-19. Mặt khác, các Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi trốn tránh việc cách ly. Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TP.HCM |