Theo đó, ngày 05/06/2019, phòng ĐKKD tỉnh Khánh Hòa đã chính thức cấp đăng ký thay đổi cho Công ty cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang (Hoàn Cầu Nha Trang).
Đăng ký mới cho thấy, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Hoàn Cầu Nha Trang đã được chuyển từ ông Trần Ngọc Nhật (SN 1979) – một nhân sự thuộc “hệ sinh thái” của Tập đoàn Hoàn Cầu - sang cho bà Đỗ Thị Hồng Nhung (SN 1987).
Tân Tổng Giám đốc Hoàn Cầu Nha Trang – bà Đỗ Thị Hồng Nhung – theo tìm hiểu của VietTimes là một nhân sự chủ chốt của một tập đoàn bất động sản gốc Bắc bất ngờ nổi lên trong ít năm trở lại đây và đang tích cực mở rộng địa bàn vào khu vực phía Nam.
Hoàn Cầu Nha Trang được thành lập cuối năm 2003 để phát triển dự án khu quần thể du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Vịnh Kim Cương (Diamond Bay) bên bờ biển Nha Trang. Với diện tích gần 300ha và tổng vốn đầu tư được tuyên bố lên tới 4 tỷ USD, Diamond Bay Nha Trang là dự án lớn nhất của Tập đoàn Hoàn Cầu và gắn liền với tên tuổi của nữ đại gia Trần Thị Hường (bà Tư Hường).
Hoàn Cầu Nha Trang từng đăng ký vốn điều lệ ở mức hơn 802 tỷ đồng, sau được giảm về còn hơn 744 tỷ đồng, rồi 720 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập của công ty này là người trong một nhà, gồm: bà Tư Hường (62%), ông Nguyễn Chấn – chồng bà Tư Hường (30%) và ông Nguyễn Quốc Toàn – con trai của họ (8%).
Từ cuối năm 2017 đến nay, công ty này không còn công khai cơ cấu sở hữu nên chưa rõ với sự thay đổi của vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật thì cơ cấu sở hữu Hoàn Cầu Nha Trang đã biến đổi ra sao. Tuy vậy, một nguồn tin của VietTimes xác nhận việc đổi chủ của Hoàn Cầu Nha Trang song song với việc chuyển nhượng dự án Diamond Bay Nha Trang.
Nỗ lực xử lý nợ xấu
Việc chuyển nhượng dự án Diamond Bay Nha Trang được xem là một trong các nỗ lực nhằm xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến tham vọng bất thành trong việc sáp nhập Nam A Bank – Eximbank ít năm trước. Theo nguồn tin của VietTimes, không chỉ Diamond Bay Nha Trang, nhóm Hoàn Cầu đã phải bán hàng loạt bất động sản đẹp khác ở Tp. HCM, Bình Dương, Đồng Nai để trả nợ và dọn dẹp di sản cho thương vụ nhiều hệ lụy này.
Thực tế, cuối năm 2017, dư luận từng ồn ào khi nhóm công ty Hoàn Cầu, trong đó có cả Hoàn Cầu Nha Trang, từng bị Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện tiến trình rao bán hàng loạt tài sản để xiết nợ.
Khi ấy, Hoàn Cầu Nha Trang được xác định là có nợ gốc 1.100 tỷ đồng, tổng nợ lãi và phí trên 93 tỷ đồng. Khoản nợ này tại Sacombank đã trở thành nợ xấu và đã được VAMC mua lại bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 1.100 tỷ đồng.
Tham vọng thâu tóm Eximbank (bất thành) đã để lại hệ lụy lớn cho nhóm Hoàn Cầu, với hàng loạt những khoản nợ xấu cần xử lý... (Ảnh: Internet)
|
Sau khi thông báo tìm kiếm đơn vị có kinh nghiệm và năng lực để thẩm định giá trị khoản nợ xấu bao gồm cả tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu trên tại website, không thấy VAMC cập nhật thêm về tiến độ và kết quả của hoạt động xử lý nợ xấu với nhóm công ty Hoàn Cầu.
Nhưng việc hàng loạt dự án bất động sản của nhóm Hoàn Cầu đổi chủ sau đó – bao gồm cả việc đổi chủ của Diamond Nha Trang mới đây – có thể thấy, hoạt động xử lý nợ xấu này đã có kết quả.
Nam A Bank – nhà băng có liên hệ chặt chẽ với nhóm Hoàn Cầu và được cho là chịu tác động lớn từ các khoản nợ xấu liên quan đến thương vụ sáp nhập bất thành với Eximbank – cũng cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc, liên tiếp được NHNN chấp thuận cho mở rộng mạng lưới và đang hoàn tất các bước lộ trình để “lên sàn” vào cuối năm nay.
Sau khi đại gia Tư Hường qua đời vào năm 2017, gia đình nhà sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu phát sinh nhiều bất đồng về việc phân chia tài sản – bao gồm cổ phần ở Nam A Bank, Eximbank và nhiều công ty trong “hệ sinh thái. Sự việc càng được chú ý và nổi sóng nhiều hơn trong ít ngày gần đây, khi nhà chức trách khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các nội dung mà ông Nguyễn Chấn, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy và một số cá nhân liên quan tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn – Chủ tịch Eximbank và cũng là con trai ông Chấn, anh trai bà Thủy. Để tập trung xử lý việc gia đình và phối hợp công tác điều tra, từ khoảng hai tháng nay ông Nguyễn Quốc Toàn đã ủy quyền cho Phó Chủ tịch thường trực Nam A Bank Trần Ngô Phúc Vũ điều hành hoạt động của HĐQT Ngân hàng. Trao đổi với VietTimes qua điện thoại tối 22/6, ông Vũ - người gắn người đã gắn bó với Nam A Bank nhiều năm và kinh qua nhiều chức vụ - cho biết dường như đang có “một sự hiểu lầm” giữa ông Chấn cũng như các thành viên trong gia đình đối với ông Toàn. Người đang phụ trách HĐQT Nam A Bank tin tưởng sau khi cơ quan điều tra vào cuộc mọi việc sẽ được sáng tỏ, "bởi tất cả các giao dịch đều có giấy trắng mực đen"./. |