|
Nhiều xã, phường, quận, huyện phản ánh hệ thống phần mềm DVCTT gặp nhiều lỗi, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc - Ảnh: Q.V |
Các bài khác trong cùng tuyến bài Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:
Bài 1: Hà Nội “căng mình” theo dịch vụ công trực tuyến
Một quận phát hiện 30 lỗi phần mềm
Về lý thuyết quy trình thực hiện DVCTT (DVCTT) của Hà Nội, công dân phải tự truy cập Cổng DVCTT có địa chỉ: https://egov.hanoi.gov.vn/ để điền các trường thông tin vào nhóm dịch vụ công cần làm và gửi vào hệ thống. Sau đó, cán bộ tư pháp vào hệ thống phần mềm DVCTT có tên eSAMS để thao tác, thực hiện dịch vụ theo yêu cầu của công dân.
Qua tiếp xúc với các xã, phường, quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội, được biết Công ty TNHH TM&DVKT Nhật Cường là đơn vị được giao xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của TP và đang triển khai hệ thống phần mềm DVCTT.
Hầu hết các quận, huyện, xã, phường đều cho rằng, đến nay việc triển khai DVCTT đã được 1 năm nhưng hệ thống phần mềm eSAMS vẫn thường xuyên trục trặc; trường thông tin chỗ thiếu, chỗ thừa; tốc độ truy cập chậm, đường truyền không ổn định.
Nguyên nhân được cho là hệ thống phần mềm eSAMs phải tích hợp quá nhiều lĩnh vực, gồm cả tư pháp, quản lý đô thị, xây dựng, tuyển sinh giáo dục,... dẫn đến quá tải làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công việc.
Trao đổi với VietTimes, đại diện quận Bắc Từ Liêm cho biết, mới đây vào tháng 7/2017 đơn vị này đã phải lập danh sách 30 lỗi phần mềm để kiến nghị Công ty Nhật Cường sửa chữa như: Phần mềm triển khai hệ thống thường xuyên bị lỗi load form, cán bộ phải khởi động lại phần mềm mới tiếp tục thực hiện được nên mất nhiều thời gian; Module báo cáo chưa xử lý được theo mong muốn (chưa thống kê được số lượng hồ sơ từ chối xử lý, hồ sơ yêu cầu bổ sung), in sổ theo dõi hồ sơ hàng ngày đôi khi còn bị thiếu hồ sơ hoặc thời gian tiếp nhận và thời gian hẹn trả bị đảo ngược, phần hỗ trợ gắn file đính kèm ít, dung lượng thấp, chỉ cho phép tối đa không quá 20 file đính kèm - trong khi đó, có những hồ sơ của công dân cần đính kè tới 30 file ảnh. Do đó, nếu công dân tự nộp sẽ không gửi được đầy đủ file đính kèm tới cán bộ tiếp nhận và thụ lý hồ sơ.
Hay như, hiện nay, công dân làm thủ tục trích lục, chọn quan hệ là bản thân thì hệ thống tự link nơi cư trú, tuy nhiên không thể chọn được địa chỉ xã/phường phải quay lại phần Quận/huyện chọn Quận khác rồi chọn xã/phường rồi quay lại mới chọn được quận Bắc Từ Liêm,... Nhìn chung, thao tác thực hiện khá rườm rà.
Quận Bắc Từ Liêm đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Công ty Nhật Cường cử cán bộ chuyên môn thường xuyên khắc phục kịp thời lỗi phần mềm và khắc phục hệ thống đường truyền để đảm bảo việc triển khai thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ. Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị có phương án giải quyết đối với những hồ sơ yêu cầu bổ sung trên phần mềm, bởi hiện tại các hồ sơ yêu cầu bổ sung, công dân không mang hồ sơ đến bộ phận một cửa nơi đã đăng ký bổ sung trở thành hồ sơ treo trên hệ thống và cán bộ không có phương án xử lý.
Cũng gặp rắc rối về nội dung này quận Nam Từ Liêm đã phải kiến nghị TP. Hà Nội chỉ đạo đơn vị xây dựng phần mềm khắc phục, có phương án cải thiện tình trạng phần mềm eSAMS vì thường xuyên trục trặc, truy cập khó khăn.
Lỗi phần mềm DVCTT cũng đã được Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ghi nhận và báo cáo. Cụ thể, trong báo cáo ngày 18/5/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, đơn vị tư vấn triển khai DVCTT của Thành phố đồng thời triển khai nhiều hệ thống phần mềm chuyên ngành khác nhau, kinh nghiệm trong việc triển khai các ứng dụng nghiệp vụ còn chưa nhiều, khả năng đáp ứng yêu cầu còn chưa cao, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai.
Cùng với đó, Hà Nội ghi nhận hệ thống phần mềm DVCTT dùng chung của Thành phố được thiết kế chung trên một hệ thống cùng với phần mềm chuyên ngành khác (giáo dục - đào tạo, y tế,..) ảnh hưởng lớn đến tốc độ xử lý của hệ thống. Vào khoảng thời gian từ giữa tháng 4/2017, hệ thống DVCTT có tốc độ xử lý chậm gây bức xúc cho cán bộ tiếp hồ sơ và người dân sử dụng DVC.
Một số lỗi của phần mềm chưa được đơn vị cung cấp khắc phục kịp thời, dẫn đến khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống, đặc biệt là với các DVCTT có lượng hồ sơ giao dịch lớn như Trích lục hộ tịch, Đăng ký kết hôn, Xác nhận tình trạng hôn nhân,...
Cùng với đó, phần hệ báo cáo về DVCTT của cấp TP cũng như chức năng báo cáo về DVCTT của các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu, gây khó khăn cho công tác quản lý, thống kê báo cáo của các đơn vị.
Tuy rằng phát hiện nhiều lỗi của hệ thống phần mềm DVCTT như vậy nhưng mới đây vào ngày 29/7/2017, UBND TP. Hà Nội vẫn đã có Quyết định tặng Bằng khen thưởng đột xuất đối với 12 tập thể có thành tích trong triển khai Hệ thống DVCTT mức độ 3, trong đó Công ty TNHH TM&DVKT Nhật Cường cũng vinh dự nhận được phần thưởng này. Ngoài ra, năm 2017 Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng tiếp tục giao Công ty Nhật Cường hoàn thành phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp.
Thuê phần mềm và chỉ định thầu
Được biết, trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng để triển khai DVCTT Hà Nội đã xác định nguyên tắc “ưu tiên hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin”. Đối với các dịch vụ cung cấp hạ tầng mạng, xây dựng phần mềm, đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin,.... ưu tiên các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nếu như xét lại phần báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mà chúng tôi vừa trích dẫn ở trên, cũng như những phàn nàn về phần mềm của các quận, huyện thì có vẻ nghịch lý. Bởi nguyên tắc Hà Nội đưa ra là ưu tiên doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm nhưng sau quá trình triển khai một thời gian thì Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội lại đánh giá là doanh nghiệp cung cấp phần mềm DVCTT chưa có nhiều kinh nghiệm.
Mặt khác, để các sở, ban, ngành, quận, huyện đầu tư cho DVCTT một cách “chuẩn chỉ” UBND TP. Hà Nội đã ban hành các quyết định phân bổ kinh phí. Trong đó mới đây nhất là Quyết định 6400/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 về điều chỉnh, phân bổ kinh phí và giao các huyện, thị xã để mua sắm trang thiết bị phục vụ triển khai DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp tại các xã, thị trấn trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo Quyết định này Hà Nội đã giảm dự toán kinh phí thuê dịch vụ phần mềm đã được phân bổ từ 21,154 tỷ đồng xuống còn 10,784 tỷ đồng.
Ngay sau đó, ngày 6/12/2016 UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6699/QĐ-UBND thể hiện thông tin về kế hoạch thuê dịch vụ CNTT hạng mục “Thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp” thuộc Chương trình Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2016 (đợt 2).
Theo đó, tổng giá trị phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm 1 gói thầu, trị giá 10,784 tỷ đồng, đúng bằng định mức vừa được phân bổ tại Quyết định 6400/QĐ-UBND; thời gian thực hiện trong quý IV/2016. Ngoài ra, đáng lưu ý hình thức lựa chọn nhà thầu cho hạng mục này là chỉ định thầu. Có nghĩa Hà Nội đã “tín nhiệm” tìm ra được doanh nghiệp có đủ năng lực để thực hiện và đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
Và thực tế, theo như phản ánh của các quận, huyện, xã, phường cũng như văn bản số 2847/UBND-KGVX, ngày 12/6/2017 của UBND TP. Hà Nội thể hiện thì Công ty Nhật Cường chính là đơn vị được Hà Nội "đặt niềm tin" giao xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và triển khai hệ thống phần mềm DVCTT của TP.
Có thể thấy, căn cốt để triển khai DVCTT là cần hệ thống phần mềm tối ưu và song hành là sự tinh thông ứng dụng của cán bộ cùng người dân. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của doanh nghiệp đang thực hiện và thực tế vẫn còn bộn bề lỗi hệ thống phần mềm như hiện nay thì liệu niềm tin của Hà Nội đã được đặt đúng chỗ?
Các bài khác trong cùng tuyến bài Dịch vụ công trực tuyến Hà Nội:
Bài 1: Hà Nội “căng mình” theo dịch vụ công trực tuyến
Bài 4: Hà Nội hướng tới “bàn làm việc không giấy“: Chọn ai gửi vàng?