Tại hội thảo Cộng đồng kinh tế ASEAN cơ hội và thách thức diễn ra vào sáng 10/6, bằng việc đưa ra các số liệu như dân số, GDP, thương mại, thu hút FDI, khách du lịch… TS. Võ Trí Thành đánh giá, khu vực ASEAN là khu vực rất mở, đầu tư trực tiếp nước ngoài có năm vượt Trung Quốc.
TS. Thành cũng cho biết, mục tiêu của ASEAN khác với TPP, ASEAN nhấn mạnh đến thu hẹp khoảng cách phát triển, thể chế ASEAN là thể chế rất mềm thậm chí yếu.
"Nhưng đây là thể chế đặc trưng cho cách ASEAN, không quá vội. Đây không phải cam kết mặc quần áo đẹp không làm gì vì dần dần sẽ có những hiệu quả nhất định", TS. Thành nói.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra đặc trưng của ASEAN là dựa trên 4 trụ cột, tự do hoá thương mại, tự do hoá đầu tư, tự do hoá dịch vụ nhưng đầu tư và dịch vụ ở mức chưa cao, thậm chí là khá thấp. Trong tự do hoá này, ASEAN có điểm hay là xây dựng cơ sở sản xuất chung và thống nhất vì nói đến ASEAN là khu vực sản xuất của Đông Á và Thái Bình Dương.
Ông Thành đặt câu hỏi, mục tiêu có đạt được không và cho rằng, sẽ còn xa dù trong bản biểu cam kết do các nước chấm đã đạt mức cao.
Các trụ cột tiếp theo được đề cập đến là một khu vực kinh tế cạnh tranh, sự phát triển công bằng và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu trong đó nhấn mạnh trụ cột xây dựng ASEAN công bằng, hỗ trợ 4 nước Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar.
Một câu hỏi đặt ra đối với Việt Nam khi tham gia Cộng đồng chung AEC là doanh nghiệp Việt Nam chơi như thế nào?
Ông Thành ví, ASEAN là sân tập dượt trước khi Việt Nam ra biển lớn khi muốn "chơi" với Âu, Mỹ, Nhật đừng quên ASEAN và ngược lại. Đồng thời cho rằng, liên kết ASEAN và AEC sẽ giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh mặc cả, góp phần giảm khoảng cách phát triển trong ASAN.
Ông Thành nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp, các ngành dệt may, da giày, thủ công, nông nghiệp là cơ hội bùng nổ với thị trường như vậy nhưng để đạt được điều đó cần hàng rào kỹ thuật, cơ hội cạnh tranh về giá.
Ngoài ra và vấn đề tỷ giá vì trước đó, Việt Nam có nước Nga mở cửa cho thuỷ sản và dệt may nhưng tỷ giá giảm sâu cạnh tranh khó.
Nhóm ngành thứ 2 theo đánh giá của TS.Thành là ngành tiêu dùng khi tầng lớp trung lưu đang trị vì tiêu dùng. Bên cạnh đó là ngành du lịch linh hoạt.
Nhóm 3 là logistic nhờ sự bùng nổ kết cấu hạ tầng với hàng trăm tỷ USD đổ vào kết cấu hạ tầng và bằng chứng hiện nay chính doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cũng đang lấn sân vào lĩnh vực này thông qua việc mua cảng biển, sân bay.
Cuối cùng, ông Thành đánh giá, Việt Nam hội nhập máu me, dũng cảm vì nghèo, yếu nhưng dám chơi với các nước lớn để hội nhập do đó tạo lợi thế so với các doanh nghiệp khác ở ASEAN chưa có được trừ Singapore.
"Không có nước nào trừ Singapore cùng lúc mở ASEAN và mở với Hoa Kỳ, theo kết nối này nếu cải cách tốt Việt Nam dễ trở thành nơi hấp dẫn nhất của nhà đầu tư nước ngoài. Cơ hội có một không hai với Việt Nam tham gia vào các mạng lưới sản xuất của Nhật Bản, EU, Mỹ… Khó khăn nhiều, thách thức lớn nhưng tôi tin Việt Nam sẽ đi nhanh là kiểu gì cũng sống", ông Thành khẳng định.
Theo: BizLive