|
Ngày 28/7, Hạ nghị viện Mỹ chấp thuận Tu chính án cấm bản đồ vẽ Đài Loan là một phần của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews). |
Theo trang tin Dwnews, tối ngày 28/7 theo giờ Washington, Hạ nghị viện Mỹ với 217 phiếu ủng hộ/212 phiếu chống đã thông qua "Dự luật Ngân sách cho Bộ Ngoại giao, các hoạt động đối ngoại và các kế hoạch liên quan cho năm tài chính 2022" lên tới 62,2 tỉ USD. Cùng ngày, Hạ nghị viện Mỹ đã chấp thuận Tu chính án do các nghị sĩ ủng hộ Đài Loan đề xuất, cấm các cơ quan chính quyền chi tiền để thực hiện, mua hoặc trưng bày bất kỳ bản đồ nào vẽ Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Tu chính án này do các dân biểu Đảng Cộng hòa Tom Tiffany, Steve Chabot và Scott Perry đề xuất để cấm các cơ quan hành pháp sản xuất, mua và sử dụng các bản đồ vẽ Đài Loan như là một phần của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Dân biểu Tom Tiffany đã phát biểu, nói: “Như mọi người đều biết, Đài Loan từ xưa đến naychưa bao giờ là một phần của Trung Quốc. Người dân Đài Loan tự bầu ra các nhà lãnh đạo, có quân đội riêng, thực hiện các chính sách đối ngoại riêng và có các hiệp định thương mại quốc tế của riêng mình. Bất kể áp dụng tiêu chuẩn nào, Đài Loan đều là một quốc gia có chủ quyền, dân chủ và độc lập, mọi tuyên bố ngược lại với điều đó đều không phải là sự thật”.
Tiffany chỉ ra rằng "Chính sách Một Trung Quốc" của Mỹ để công nhận tuyên bố của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc là một "chính sách không thành thực" và Mỹ nên từ bỏ nó.
|
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Tiffany, một trong những người đề xuất Tu chính án cấm bản đồ vẽ Đài Loan vào với Trung Quốc (Ảnh: Getty). |
Ông Tiffany nói rằng mặc dù Tu chính án mà ông đề xuất không thể thay đổi chính sách Một Trung Quốc, nhưng ít nhất nó cũng có thể yêu cầu dừng việc tiếp tục sử dụng tấm bản đồ dối trá về một Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng "Trung Quốc là Trung Quốc, Đài Loan là Đài Loan".
Tu chính án này được thực hiện bởi Tiffany và các thành viên khác trong nhóm “Friends of Taiwan” đã được kết hợp với hơn 10 tu chính án khác, được Hạ viện thông qua bằng một cuộc biểu quyết và được đưa vào "Dự luật Ngân sách cho Bộ Ngoại giao, các hoạt động đối ngoại và các kế hoạch liên quan cho năm tài chính 2022", sau đó sẽ được gửi đến Thượng viện để xem xét, và nếu được cả lưỡng viện thông qua, nó sẽ được chuyển cho Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thực thi.
Được biết, Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Tom Tiffany luôn chủ trương phát triển quan hệ Mỹ - Đài Loan. Vào tháng 2/2021, ông đã cùng với Hạ nghị sỹ Scott Perry của bang Pennsylvania đề xuất một nghị quyết, kêu gọi chính quyền Joe Biden chấm dứt "Chính sách Một Trung Quốc" và thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Cũng trong ngày 28/7 các nghị sĩ của cả hai đảng trong Hạ nghị viện Mỹ đã đề xuất một dự luật để hồi sinh " Cold War armory” (kho vũ khí Chiến tranh Lạnh) của Mỹ và sử dụng chiến lược cũ này để tăng cường hiểu biết về các đối thủ chiến lược như Trung Quốc.
|
Nhà Quốc hội Mỹ, nơi thông qua một loạt dự luật liên quan đến Đài Loan hôm 28/7 (Ảnh: AP). |
Theo Reuters, dự luật này do các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Joaquin Castro, Bill Keating và các Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Gallagher, Brian Fitzpatrick đồng đề xuất, vì vậy nó nhận được sự ủng hộ của cả hai bên.
Dự luật này sẽ khởi động lại Dịch vụ Thông tin Phát thanh Nước ngoài (FBIS) và thành lập Trung tâm Dịch thuật và Phân tích mở (OTAC) do chính phủ liên bang tài trợ để tập trung đối phó Trung Quốc và tăng cường hiểu biết về Trung Quốc. Một trợ lý của Quốc hội tuyên bố rằng OTAC sẽ dịch một cách có hệ thống các bài phát biểu, tài liệu, báo cáo, chiến lược, tin bài, bình luận, bài đăng trên tạp chí hợp đồng mua sắm và các tài liệu khác của chính phủ Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội Trung Quốc (PLA) sang tiếng Anh và xuất bản chúng thông qua một trang web miễn phí.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, FBIS đã cung cấp bản dịch và phân tích tin tức truyền thông từ Liên Xô và các chính phủ nước ngoài khác cho chính phủ Mỹ. Người trợ lý của Quốc hội này nói rằng OTAC sẽ cung cấp các phân tích và chú thích về Trung Quốc, ĐCSTQ và PLA cũng giống như FBIS để giúp chính phủ Mỹ và các đồng minh, các học giả, nhà phân tích và nhà báo hiểu được các khẩu hiệu, cụm từ và tầm quan trọng của các tài liệu được các nguồn cung cấp.
Ông này nói rằng triết lý của FBIS là phải “biết mình và biết người”. “Nếu Mỹ muốn cạnh tranh và hợp tác hiệu quả với Trung Quốc và các nước khác thì cần phải hiểu rõ hơn về họ”; “Nếu không hiểu cách họ giao tiếp bằng ngôn ngữ của họ, thì không thể hiểu biết kỹ lưỡng về nước ngoài".
|
Khu trục hạm USS Benfold của Mỹ hôm 28/7 đã đi qua eo biển Đài Loan bất chấp Trung Quốc phản đối (Ảnh: HĐ7). |
Được biết, dự luật này yêu cầu Nhà Trắng cung cấp cho OTAC 80 triệu USD quỹ hoạt động trong năm tài chính 2022, và sẽ tiếp tục cung cấp cùng một khoản tiền hàng năm cho đến năm 2026, cũng như "có thể yêu cầu tiền chi cho mỗi năm tài chính".
Kể từ khi chính quyền Joe Biden lên nắm quyền, Trung Quốc đã liên tục bị Mỹ và cộng đồng quốc tế chỉ trích vì những vi phạm nhân quyền trong nội bộ và tham vọng bành trướng ra bên ngoài, quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên tồi tệ. Tuần này, cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Thiên Tân cũng không thể giúp quan hệ Mỹ - Trung dịu đi. Bà Sherman đã thẳng thắn nêu lên những lo ngại của Mỹ về sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Joe Biden đã gọi Trung Quốc là “phép thử địa chính trị lớn nhất” của Mỹ trong thế kỷ này và nhấn mạnh tầm quan trọng của chính phủ Mỹ trong việc nâng cao hiểu biết về chính quyền Trung Quốc.
Ngoài ra, cùng ngày 28/7, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ hỗ trợ Đài Loan lấy lại tư cách quan sát viên tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Bob Menendez cho rằng cách làm của Trung Quốc ngăn chặn sự tham gia của Đài Loan vào WHO là hẹp hòi và có thể gây hại cho cộng đồng quốc tế.
|
Hai Thượng nghị sỹ Bob Mennedez (trái) và Jim Inhofe đề xuất dự luật ủng hộ Đài Loan trở lại là quan sát viên WHO (Ảnh: Getty). |
Dự thảo này do ông Bob Menendez và một Thượng nghị sĩ Cộng hòa khác là Jim Inhofe đề xuất vào tháng 3. Nội dung yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ xây dựng chiến lược hỗ trợ Đài Loan lấy lại tư cách quan sát viên tại Đại hội đồng Y tế Thế giới. Menendez nói hôm 28/7, dự luật nêu rõ Mỹ phải hành động nhiều hơn để hỗ trợ sự tham gia quốc tế của Đài Loan, đặc biệt là trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo dự thảo, Ngoại trưởng Mỹ cần giải thích những thay đổi và cải tiến đã thực hiện trong kế hoạch hỗ trợ Đài Loan sau mỗi kỳ Đại hội đồng Y tế Thế giới mà Đài Loan chưa đạt được tư cách quan sát viên.
Dự thảo cũng nêu rõ Đài Loan là một mẫu mực đóng góp cho y tế toàn cầu; kể từ năm 1996 đã đóng góp hơn 6 tỉ USD. Sau khi ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch COVID-19 vào năm ngoái, họ cũng đã tặng hàng triệu thiết bị bảo hộ cá nhân và thuốc thử xét nghiệm cho các quốc gia có nhu cầu. Đài Loan đã đấu tranh để gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 1997. Từ năm 2009, với sự hỗ trợ của Mỹ và các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới với những triết lý tương tự và việc cải thiện quan hệ xuyên eo biển, họ đã được mời tham gia Tổ chức Y tế Thế giới với tư cách là quan sát viên. Tuy nhiên, do sự phản đối của Trung Quốc đại lục, kể từ năm 2017 Đài Loan đã không được mời nữa.
Theo trang tin Trung Quốc Guancha ngày 29/8, trước động thái của lưỡng viện Mỹ, phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ. Ngày 28/7, bà Chu Phượng Liên, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện, cho biết để đáp lại những nhận xét sai lầm của các nhà chức trách Đảng Dân Tiến (DPP) liên quan đến Mỹ, đã nói: “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc bằng những hành động thiết thực. Trên thế giới chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Đây là một sự thật sắt đá mà không ai hay bất kỳ thế lực nào có thể thay đổi được. Nếu chính quyền DPP và thế lực ly khai ‘Đài Loan độc lập’ dám khiêu khích, họ sẽ chỉ kết thúc trong thất bại hoàn toàn. Không ai được đánh giá thấp ý chí, quyết tâm và bản lĩnh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Trung Quốc!”.
|
Chiều 29/7, ông Triệu Lập Kiên mạnh mẽ phản đối các động thái ủng hộ Đài Loan của lưỡng viện Mỹ (Ảnh: THX). |
Tại cuộc họp báo chiều 29/7, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trả lời câu hỏi liên quan, nói: “Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ Trung - Mỹ, nguyên tắc một Trung Quốc là cơ sở chính trị của quan hệ Trung - Mỹ và cũng là nhận thức chung của cộng đồng quốc tế. Các dự luật liên quan của Quốc hội Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định trong ba bản thông cáo chung Trung - Mỹ, cũng như các nguyên tắc cơ bản được khẳng định trong Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng LHQ và Nghị quyết 25.1 của WHO. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Chính phủ trung ương Trung Quốc coi trọng sức khỏe và hạnh phúc của đồng bào Đài Loan, và đã sắp xếp phù hợp để Đài Loan tham gia vào các vấn đề y tế toàn cầu dưới tiền đề của nguyên tắc một Trung Quốc. Các bên liên quan ở Mỹ cần nhận thức đầy đủ tính nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan, thiết thực tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định của ba thông cáo chung Trung-Mỹ, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, dừng ngay việc thúc đẩy việc xem xét các dự luật tiêu cực liên quan đến Đài Loan, và ngừng phát đi tín hiệu sai lệch cho thế lực ‘Đài Loan độc lập’, dừng ngay việc mở ra cái gọi là ‘không gian quốc tế’ cho Đài Loan”.