Thông tin từ tờ VNE, tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố các kỷ lục mới về tia sét dài và lâu nhất từ trước đến nay. Các kỷ lục này được xác minh bằng công nghệ hình ảnh vệ tinh
Theo đó, ngày 31/10/2018, một tia sét kéo dài hơn 700 km từ Đại Tây Dương qua Brazil và Argentina (tương đương khoảng cách giữa thủ đô London của Anh và thành phố Basel của Thụy Sĩ). Tia sét này đã lập kỷ lục mới về chiều dài của tia sét đơn.
WMO cũng ghi nhận một tia sét khác thắp sáng bầu trời Argentina vào ngày 4/3/2019 có thời lượng lâu nhất, kéo dài trong 16,73 giây.
Cả 2 tia sét trên đều phá sâu kỷ lục cũ, bao gồm tia sét dài nhất (321 km) ở bang Oklahoma của Mỹ vào ngày 20/6/2007 và tia sét lâu nhất (7,74 giây) ở vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur, miền nam nước Pháp vào ngày 30/8/2012.
Ông Rand Randall Cerveny - Báo cáo viên chính từ Ủy ban Thời tiết và Khí hậu Cực đoan của WMO, khẳng định các số liệu này cho thấy sức mạnh của thiên nhiên, cũng như tiến bộ về khoa học công nghệ trong việc ghi lại các sự kiện chớp nhoáng. Trong tương lai, các kỷ lục mới vẫn có khả năng xảy ra và hy vọng chúng ta có thể ghi lại chúng khi công nghệ phát hiện sét được cải thiện.
Điều này sẽ giúp các chuyên gia thiết lập giới hạn về quy mô của sét, mang lại lợi ích trong nghiên cứu khoa học, cảnh báo an toàn.
Đã có nhiều vụ tai nạn chết người do sét đánh trúng. Ảnh: Internet
|
Liên quan đến hiện tượng thời tiết này, theo thông tin từ tờ VOV, ngày 25/6, bang Bihar (Ấn Độ) có 93 người bị thiệt mạng do sét đánh. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết trung bình nước này có 20 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương mỗi năm do sấm sét.
Tại Việt Nam, theo Thông tấn xã Việt Nam, sét thường xảy ra khi mưa giông. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ. Ở vùng núi, tuy sét xuất hiện nhiều hơn nhưng lại ít gây nguy hiểm vì có nhiều cây to là những vật dẫn điện tốt. Vùng trung du và đồng bằng có ít cây xanh nên người và gia súc dễ bị sét đánh trúng.
Để phòng tránh sét đánh ghi gặp trời mưa giông, nhất là trong mùa mưa bão, các nhà khoa học khuyến cáo mọi người chủ động tìm nơi an toàn, tránh tổn thương sức khỏe.
Khi ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Mọi người nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông, tránh xa các đường dây điện thoại hay dây điện nối với lưới bên ngoài. Nếu đang ở ngoài trời và không tìm được chỗ trú ẩn, bạn nên tránh xa các cây cao, vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người.