Cho vay ngang hàng: Vấn đề đâu chỉ ở công ty đến từ nước nào

Ngày 25-7, Chủ tịch tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình cung cấp một thông tin gây chú ý tại sự kiện Vaymuon - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) về cho vay ngang hàng (P2P Lending) - công bố hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống và ký hợp tác chiến lược với đối tác bảo hiểm tại Hà Nội. Đó là con số 60-70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc sau khi mô hình P2P đổ vỡ tại quốc gia này đã tràn sang Việt Nam.
Nguồn: Telegraph.co.uk
Nguồn: Telegraph.co.uk

Điều này ít nhiều gây chú ý cho giới tài chính và khởi nghiệp ở Việt Nam. Người ta lo ngại phần nào bởi nguồn gốc Trung Quốc của công ty, vì có nhiều công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc đã đổ vỡ ở nước này. Tuy nhiên, thực tế là cho vay ngang hàng đã đổ vỡ ở rất nhiều nước khác trước đó, và vấn đề cốt lõi của nó không phải ở chỗ công ty đến từ nước nào, mà là do những thứ không rõ ràng trong khuôn khổ pháp lý và mô hình hoạt động của một lĩnh vực còn rất mới mẻ.

Vấn đề đâu chỉ ở công ty đến từ nước nào!

Mô hình hoạt động cho vay ngang hàng hiện nay đã xâm nhập vào nhiều ngóc ngách của cuộc sống ở Việt Nam. Trong chuyến về thăm Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, dù chỉ ở lại vài tuần, tôi cũng có dịp được nhìn thấy những quảng cáo đại loại như “rủi ro thấp, lợi nhuận cao, an toàn” dưới dạng kênh đầu tư, và “vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp” cho người cần vay tiền ở rất nhiều nơi.

“Vay tiền qua app” đã trở thành một cái gì đó không còn lạ với người cần tiền gấp, trong khi đầu tư tiền qua kênh cho vay ngang hàng đã thành một kênh đầu tư “an toàn và hiệu quả”, “cuộc chơi của những nhà đầu tư thời 4.0”. Đây không chỉ là mẩu quảng cáo của công ty cho vay ngang hàng mà còn nghiễm nhiên là một bài viết dạng tư vấn kênh đầu tư trên một tờ báo mạng nhiều người đọc.

Xuất phát điểm của cho vay ngang hàng là một mô hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu vay của cá nhân, doanh nghiệp nhỏ không thể vay được tiền từ ngân hàng (hoặc thủ tục vay ở ngân hàng tốn quá nhiều thời gian, không phù hợp với nhu cầu của họ), đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu đầu tư với lãi suất cao hơn lãi ngân hàng của những người có tiền nhàn rỗi, nhưng không có thời gian và kiến thức đầu tư.

Vì vậy, đây là một mô hình kinh doanh khiến vốn trong xã hội được luân chuyển hiệu quả hơn, và về khía cạnh nào đó, hy vọng giảm được việc cho vay nặng lãi, tín dụng đen tồn tại trong xã hội. Người ta kỳ vọng đây là một bước phát triển có tính đột phá, giành thị phần từ các ngân hàng truyền thống cồng kềnh, phí cao và thiếu hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu không được đặt trong một khuôn khổ kiểm soát hợp lý, mô hình này tất yếu sẽ dẫn đến những “quái thai”, mà điển hình là những trường hợp lừa đảo nhà đầu tư, lấy tiền rồi trốn mất ở Trung Quốc, hoặc một dạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi mới mà thôi.

Nếu không được đặt trong một khuôn khổ kiểm soát hợp lý, mô hình này tất yếu sẽ dẫn đến những “quái thai”, mà điển hình là những trường hợp lừa đảo nhà đầu tư, lấy tiền rồi trốn mất ở Trung Quốc, hoặc một dạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi mới.

Đã có rất nhiều bài báo trong nước cảnh báo về rủi ro cho vay ngang hàng biến tướng thành một kênh đầu tư nhiều rủi ro, đồng thời thực tế đã diễn ra các khoản vay với lãi suất rất cao và chuyện đòi nợ kiểu xã hội đen. Chẳng hạn có báo đã đăng thông tin có những khoản vay lãi suất 42,8% trong 14 ngày, và người vay nợ bị đe dọa, đòi nợ kiểu xã hội đen, bôi xấu cá nhân trên mạng xã hội, thậm chí dọa “không trả nợ, bắt con”.

Về cơ bản, đối với người am hiểu về lĩnh vực này, đây là sự phát triển tất yếu vì không có một khuôn khổ pháp lý để quản lý cho vay ngang hàng cho nên “quái thai” tự nhiên sẽ xuất hiện và vấn đề đâu phải là chỉ có công ty Trung Quốc mới làm như vậy. Lẽ nào ở Việt Nam không có những công ty cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen từ mấy chục năm nay? Bây giờ họ chỉ mang những cái đó lên mạng mà thôi. Mô hình đó có là phải là “quái thai” của mô hình cho vay ngang hàng hay không thì họ không mấy quan tâm.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về hoạt động cho vay ngang hàng. Đây mới chính là cốt lõi của vấn đề!

Rủi ro hệ thống: mất ổn định và niềm tin của người dân

Đã có rất nhiều loại rủi ro cho mô hình cho vay ngang hàng được kể đến từ trước đến nay, nhưng có hai loại rủi ro truyền thống, có tính hệ thống trong bất cứ một thị trường tín dụng và đầu tư thiếu kiểm soát nào: đó là rủi ro vỡ nợ hàng loạt và lừa đảo.

Với tư cách là một kênh tín dụng không có khuôn khổ pháp lý kiểm soát, các khoản cho vay đầy rủi ro và dễ vỡ nợ rồi sẽ tràn ngập hệ thống, nhất là khi sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Đơn giản là khi cạnh tranh càng cao thì một số công ty cho vay ngang hàng chất lượng thấp sẽ phải chọn lựa phân khúc khách hàng rủi ro cao. Tỷ lệ vỡ nợ tăng cao của các công ty cho vay ngang hàng ở nhiều thị trường, từ Mỹ, Anh đến Trung Quốc mấy năm trước là một ví dụ.

Với tư cách là một kênh đầu tư, những người đầu tư bị thu hút bởi cái mác tên gọi Fintech, những quảng cáo sai lệch về độ an toàn và lãi suất cao của khoản đầu tư mà bỏ tiền vào công ty có thể trở thành đối tượng bị lừa đảo. Vụ lừa đảo dạng ponzi, Ezubao với số tiền 7,6 tỉ đô la Mỹ, liên quan đến hơn 900.000 nhà đầu tư là một ví dụ.

Hai loại rủi ro này không lạ gì với người Việt Nam trong nhiều vụ vỡ nợ tín dụng và lừa đảo đầu tư khác trước đây. Điều khác biệt chỉ là cho vay ngang hàng là một lĩnh vực mới, được gắn mác 4.0. Còn ở diễn biến và những rủi ro, nó hoàn toàn giống với những vụ việc trước đây. Và chúng ta còn có bài học từ nhiều nước khác, nhất là Trung Quốc.

Ở các nước đó, những bài học đó đã phải trả giá rất lớn. Kết quả là niềm tin của công chúng đã bị tổn hại nghiêm trọng. Mô hình kinh doanh cho vay ngang hàng lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều mất điểm trong mắt người dân.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Việt Nam đi sau các nước khác, đúng lý ra nên học hỏi nhanh về cách thức quản lý và khuôn khổ pháp luật cho những mô hình này, nhưng cho đến nay NHNN vẫn phải thừa nhận chưa có quy định về hoạt động cho vay ngang hàng. Đây là một lỗ hổng quản lý phải được giải quyết gấp.

Bài học từ Mỹ, Anh và Trung Quốc mà Việt Nam có thể học hỏi bao gồm việc “rào” lại hoạt động của các công ty đăng ký kinh doanh cho vay ngang hàng. Kinh nghiệm từ những nước này cho thấy hai vấn đề cơ bản cần được làm rõ.

Thứ nhất, các mô hình cho vay ngang hàng có được phép nhận vốn ủy thác từ nhà đầu tư hay không.

Thứ hai, nếu được huy động vốn, các định chế này có được huy động vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ hay không.

Bài học từ các nước này cho thấy xu thế hiện tại là đẩy các công ty cho vay ngang hàng ra xa khỏi việc huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư nhỏ và buộc các định chế cho vay ngang hàng phải lấy vốn từ các nhà đầu tư có tổ chức.

Hệ quả tất yếu là nhiều công ty cho vay ngang hàng không thể tồn tại vì họ không thể tiếp cận được nguồn vốn từ nhà đầu tư có tổ chức. Chẳng hạn, từ hơn 5.000 trang giao dịch cho vay ngang hàng ở Trung Quốc, người ta dự đoán nước này sẽ chỉ còn lại hơn 100 trang.

Cách tiếp cận đó sẽ làm giảm thiểu rủi ro công ty cho vay ngang hàng lừa nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ tiền vào công ty họ rồi ôm tiền bỏ trốn hay vận hành một hệ thống lừa đảo dạng ponzi, lấy tiền người sau trả cho người trước.

Một biện pháp khác cũng có thể học hỏi là đòi hỏi vốn tự có tối thiểu đủ lớn để hoạt động cho vay ngang hàng. Về mặt pháp lý, chỉ cần tạo ra một khuôn khổ cho các công ty chuyên cho vay các khoản vay nhỏ (microlending) và xếp các công ty cho vay ngang hàng vào loại này là có thể áp dụng an toàn vốn tối thiểu.

Chẳng hạn, Trung Quốc khi xếp các trang cho vay ngang hàng vào loại công ty chuyên cho vay các khoản vay nhỏ, họ có thể kiểm soát việc cấp giấy phép và yêu cầu vốn tối thiểu hơn 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 29 triệu đô la Mỹ). Và khi các trang cho vay ngang hàng được xếp vào khuôn khổ kinh doanh cho vay nhỏ, tự nhiên vấn đề lãi suất quá cao sẽ được kiểm soát vì nó không thể vi phạm pháp luật về một định chế cho vay.

Có những khó khăn nhất định cho việc học hỏi mô hình quản lý của Trung Quốc để vận dụng vì những chuyển đổi như vậy hầu như sẽ khiến cho nhiều trang cho vay ngang hàng phải ngưng hoạt động ngay lập tức. Trong khi đó, nếu học mô hình áp dụng các yếu tố kỹ thuật của Anh hay Mỹ như đặt một số tỷ lệ vốn tối đa trên thu nhập mà nhà đầu tư nhỏ có thể bỏ vào một công ty cho vay ngang hàng, và yêu cầu khi công ty cho vay ngang hàng nhận vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ thì những nhà đầu tư đó đã được tư vấn từ những chuyên gia tư vấn tài chính chuyên nghiệp được cấp bằng là không khả thi trong bối cảnh thiếu hệ thống tư vấn tài chính được công nhận ở Việt Nam. Vì vậy, lựa chọn giải pháp của Trung Quốc có vẻ là hợp lý hơn, dù bản thân họ cũng đang mò mẫm, nhưng thực tế ở họ lại gần giống Việt Nam hơn.

Khi những tảng băng chìm của cho vay ngang hàng đang nổi lên, cụ thể là về vấn đề lãi suất cho vay cao, mức độ vỡ nợ cao, đòi nợ kiểu xã hội đen và rủi ro lừa đảo đang dần thành hiện thực, nay lại thêm mức độ cạnh tranh lớn với những tay chơi từ Trung Quốc tham gia, NHNN và các cơ quan liên quan không thể trì hoãn thêm nữa việc cung cấp một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.

Người viết tâm đắc một nhận định của anh Phùng Hữu Hạnh, một người bạn thân đang dạy tài chính ở Việt Nam và có nhiều năm kinh nghiệm làm thực tế về tín dụng và thị trường vốn. Đó là vấn đề: trong khi người ta nêu ra những phức tạp mà định chế P2P Trung Quốc có thể gây ra khi gia nhập vào thị trường Việt Nam thì nhiều khi những định chế phi chính thức hiện nay của Việt Nam còn là “tay tổ” hơn. Cho nên giải quyết vấn đề phải từ cái gốc, chứ đừng phân biệt chỉ vì quốc tịch của chủ công ty.

Theo TBKTSG

Link: https://www.thesaigontimes.vn/td/292186/cho-vay-ngang-hang-van-de-dau-chi-o-cong-ty-den-tu-nuoc-nao.html