Phát biểu thảo luận tại tổ ngày 15/11/2017 về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đã đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, không phải đến cơ quan, mỗi tuần chỉ cần đến cơ quan 1 -2 lần. Ông lập luận, có những công việc khi đến cơ quan làm chưa chắc hiệu quả cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…
Ý kiến này ngay sau đó nhận được những ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Nhiều người đồng tình cho rằng, đây là ý kiến hay, vừa đảm bảo hiệu suất công việc, vừa giảm được ùn tắc giao thông.
Có thể thấy trong một thời đại mà Internet và máy tính nối mạng đã trở nên hết sức phổ biến thì mọi nhân viên văn phòng có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Và trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước cũng hoàn toàn có thể làm việc từ xa, thay vì phải đến cơ quan. Song việc cho phép hay không để họ có thể làm việc từ xa thì lại là một vấn đề còn rất nhiều ý kiến.
Theo một chuyên gia tin học từng công tác, giảng dạy tại Học viện Hành chính Quốc gia, trong thời đại Internet thì làm việc từ xa là chuyện cũng bình thường và tại một số nước, việc này là được phép. Còn với Việt Nam, thực tế với lãnh đạo là hoàn toàn có thể điều hành, chỉ đạo công việc qua mạng dù đang bận công tác ở xa cơ quan. Riêng với đội ngũ nhân viên, việc cho phép làm việc từ xa hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trong đó, việc hình thành một lề thói làm việc của nền hành chính điện tử chính là yếu tố quyết định. Và nền hành chính điện tử đó chỉ có thể hình thành, đi vào lề thói khi bản thân những người lãnh đạo ở đó thực sự làm chủ công việc.