|
Taxi công nghệ là loại hình vận tải mới nổi lên trong vài năm gần đây |
Sau 5 năm thực hiện thí điểm quản lý taxi công nghệ cùng 11 lần ban hành dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ Giao thông Vận tải cuối cùng đã quyết định dừng thí điểm taxi công nghệ từ ngày 1/4 tới.
Việc dừng thí điểm này là để thực hiện nghị định mới ban hành của Chính phủ - Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Đây là nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hồi tháng 1 và chính thức có hiệu lực từ 1/4.
Nghị định 10 định nghĩa xe công nghệ của các hãng như Grab, Be bằng cái tên “Xe hợp đồng điện tử”. Những chiếc xe này sẽ không phải “gắn mào” nhưng phải dán phù hiệu “Xe hợp đồng” trên kính.
Nghị định 10 cũng quy định xe taxi không bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe, mà có thể thay thế bằng phù hiệu phản quang có chữ “Xe Taxi” trên kính trước và kính sau.
Với việc dừng thí điểm taxi công nghệ vào ngày 1/4, các chủ xe ô tô đang “đầu quân” cho Grab, Be… muốn tiếp tục hoạt động sẽ phải xin cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe. Tương tự, các xe taxi cũng sẽ được cấp lại phù hiệu để hoạt động theo quy định mới.
Tháng 1/2016, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 24, cho phép thí điểm taxi công nghệ tại Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Quyết định này được ban hành nhằm thử nghiệm quản lý một loại hình vận tải mới bùng nổ - gọi xe bằng phần mềm điện tử với sự xuất hiện của Grab và Uber tại thị trường Việt Nam vào năm 2014. Trong suốt giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, Bộ GTVT đã ban hành 11 dự thảo nhằm quản lý hoạt động của taxi công nghệ nhưng vẫn vấp phải nhiều tranh cãi. Phải đến khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 10/2020 thì vấn đề này mới được giải quyết. |