|
Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính |
Dịch cúm hiện nay quả là tai hại, làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, các doanh nhân đang vất vả chống đỡ với sự sụt giảm của đơn hàng sản xuất dịch vụ trong khi vẫn phải lo lắng trả lương cho người lao động.
Do dịch cúm bị lây nhiễm từ bên ngoài và để phòng tránh thì biện pháp phòng dịch buộc phải thực hiện là hạn chế sự lây lan, và do đó hạn chế việc đi lại của người dân, hạn chế sự đi lại của người nước ngoài vào Việt Nam. Ngành dịch vụ theo đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ngành hàng không đã có thống kê sơ bộ sụt giảm doanh thu tới 25 nghìn tỷ đồng.
Sự liên đới dắt dây khiến cho toàn bộ nền kinh tế, không trừ mảng nào, từ sản xuất đến dịch vụ, doanh nghiệp lớn đến cửa hàng con, đều bị ảnh hưởng sụt giảm. Sự âu lo chung khiến cho người dân cũng hạn chế chi tiêu.
|
Do dịch cúm bị lây nhiễm từ bên ngoài và để phòng tránh thì biện pháp phòng dịch buộc phải thực hiện là hạn chế sự lây lan, và do đó hạn chế việc đi lại của người dân, hạn chế sự đi lại của người nước ngoài vào Việt Nam.
|
Đây là tình trạng không ai mong muốn thuộc trường hợp Thiên Nga Đen, khi xác xuất xảy ra cực nhỏ nhưng ảnh hưởng lại cực lớn. Điều vô cùng đáng tiếc là nền kinh tế Việt Nam đang trên đà khởi sắc với những số liệu tích cực về tăng trưởng, nhưng dịch cúm có nguy cơ làm đảo lộn tất cả, đảo lộn chiều hướng, tất cả phải tính toán lại.
Các doanh nhân sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng đặt ra nhiều giả thiết về thời điểm chấm dứt của dịch bệnh, về hệ quả mà nó để lại, dự đoán về mức độ khả năng hồi phục, để có phương hướng phát triển của mình.
Không chỉ các doanh nghiệp mà nhà nước và người dân cũng đang vất vả chống đỡ với dịch bệnh, nhiều bậc phụ huynh vừa đi làm vừa nghỉ cầm chừng, lo cho thu nhập, lo cho việc nghỉ học của con cái, trong khi đó vẫn phải duy trì đời sống sao cho hạn chế nhất sự đình trệ.
Trong không khí cảm thông chia sẻ và sự liên đới trách nhiệm vận hội và thịnh suy, cộng đồng doanh nghiệp xứng đáng nhận được sự quan tâm, là một luật sư quan tâm tới nền tảng kinh tế và nhà nước pháp quyền, tôi ý thức sâu sắc về vai trò của doanh nghiệp đối với sự thịnh vượng của một quốc gia.
Dịch cúm này rồi sẽ phải chấm dứt, chúng ta sẽ vượt qua, nền kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại, hơn lúc nào hết lúc này cần giữ vững niềm tin tưởng lạc quan, tin tưởng và hy vọng ở nơi nhau. Mong sao các doanh nhân cùng cộng đồng doanh nghiệp chân cứng đá mềm, chiến thắng khó khăn và vững bước đi lên.
Nhưng cần giữ lòng tự trọng
Dịch cúm khiến nhiều lĩnh vực doanh nghiệp kêu khó xin miễn giảm thuế phí và hỗ trợ chính sách. Đây là lúc các doanh nhân đặc biệt là những doanh nhân lớn cần giữ sự tự trọng cho mình. Các doanh nhân có thể phá sản như một quy luật tất yếu của thị trường nhưng không thể không có lòng tự trọng.
Lòng tự trọng là sự vượt khó vươn lên và là sự cố gắng không ỉ lại, là không dễ dãi trong việc ngửa tay đi xin, dù là xin tiền mặt hay là xin hỗ trợ miễn giảm thuế phí, hai cái đó bản chất đều giống nhau.
Lòng tự trọng là phải nghĩ đến phạm trù đạo đức đằng sau, vì cùng với việc miễn giảm thuế phí cho doanh nghiệp, thì ở đâu đó mức lương của người giáo viên vùng núi sẽ eo hẹp, chi phí cho người chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới hải đảo sẽ gặp khó khăn, một số cây cầu sẽ không được xây và trẻ em có thể sẽ vẫn phải đu dây vượt sông đến trường.
Dù là không nhìn thấy bằng mắt nhưng điều này là sự thật.
Trong lúc dịch bệnh gây khó khăn chung mà doanh nghiệp lại đi xin miễn giảm thuế phí, người ta sẽ tự hỏi thế khi doanh nghiệp kiếm tiền tốt thì rất nhiều người dân lao động cũng vẫn nai lưng ra làm việc và nộp thuế như thường. Mọi người dân và doanh nghiệp đều phải nộp thuế công bằng theo quy định của pháp luật.
|
Sự liên đới dắt dây khiến cho toàn bộ nền kinh tế, không trừ mảng nào, từ sản xuất đến dịch vụ, doanh nghiệp lớn đến cửa hàng con, đều bị ảnh hưởng sụt giảm.
|
Nhưng khi có khủng hoảng thì điều rõ nhất là doanh nghiệp lớn xin hỗ trợ giúp đỡ, còn người lao động thì tôi không thấy ai xung quanh mình xin nhà nước giúp đỡ, chẳng lẽ họ ngửa tay xin tiền, mà ai cho, tiền đâu mà cho?
Ai đó sẽ nói doanh nghiệp lớn xin hỗ trợ để sống và từ đó có lợi cho người lao động. Xin thưa là cái lý do đó quá đơn giản và việc doanh nghiệp lớn xin giúp đỡ khác với xin tiền. Nhà nước có thể ấn định một chính sách tài chính công bằng như giãn thời gian khai báo nộp thuế, giảm lãi suất cơ bản cho vay, còn miễn giảm thuế phí thì thực chất đó là một hình thức xin tiền.
Đừng quên rằng việc khủng hoảng kinh tế, vì bất kể lý do gì thì nó vẫn vốn là một phần tất yếu của cuộc sống, của kinh tế thị trường, xưa nay đã được dự liệu rồi và nó còn được biến thành các định chế pháp lý như ngân hàng luôn phải giữ một lượng tiền mặt nhất định để bảo đảm thanh toán vậy. Trong bộ luật dân sự và luật thương mại đều đã có chế định về trường hợp bất khả kháng.
Cho nên, dịch cúm có thể đưa đến sự phá sản của một số doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp lớn, có thể gây ảnh hưởng đến một vài vạn người, nhưng đó là điều bình thường của quy luật thị trường, cá nhân con người có thể e sợ phá sản, nhưng pháp luật, nhà nước và dân chúng nói chung, đã xem và phải xem điều đó là một phần của đời sống kinh tế.
Việc phá sản tự nó sẽ tái lập công bằng, trong khi việc hỗ trợ sẽ dẫn ngay đến bất công. Vì ngân sách của một nước như Việt Nam thu không đủ chi, đang phải đi vay để trả nợ, vay nợ trước để trả nợ sau, việc hỗ trợ đồng nghĩa với thiếu vắng nguồn thu sẽ gây thêm khó khăn chồng chất ở đâu đó. Những thành phần yếu thế trong xã hội sẽ bị ảnh hưởng trước nhất.
Cần tham khảo các nước như Mỹ, Anh và nhiều nước khác, khi khủng hoảng kinh tế họ hỗ trợ đầu tiên cho người lao động, bên cạnh đó là một danh mục các biện pháp tài chính sẽ được cân nhắc thực hiện, việc lựa chọn những ai, ngành nào được hỗ trợ phải được cân nhắc đánh giá đề xuất bởi Chính phủ và quyết định bởi Nghị viện các nước gồm đại diện cho mọi thành phần dân chúng.
|
Để đảm bảo công bằng, khi thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế do dịch bệnh gây ra, cần lắng nghe mọi tiếng nói từ các thành phần khác nhau, lưu tâm đến nhóm yếu thế trong xã hôị̣.
|
Những người vắng mặt
Việc các nhóm doanh nghiệp tìm cách vận động xin chính phủ hỗ trợ chính sách là một điều tất yếu xảy ra trong đời sống kinh tế. Việc cần làm là kiểm soát tốt khâu ban hành chính sách để đảm bảo công bằng chứ không thể nào ngăn được các nhóm lợi ích tìm kiếm lợi ích cho riêng họ.
Đời sống kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển tiệm cận với kinh tế thị trường của các nước phát triển, các vận động trong đó cũng đủ nhiều và phức tạp, nhưng quy trình ban hành chính sách xem ra vẫn lạc hậu và không mấy thay đổi suốt mấy chục năm qua.
Quyền ban hành quyết sách vẫn nằm ở một số cơ quan đơn vị hoặc cá nhân, mà chưa thiết lập được một hệ thống quy trình tiến bộ, tương thích với kinh tế thị trường, đó là sự tham gia của những người đại diện thực sự cho mọi thành phần dân chúng, được cất lên tiếng nói nguyện vọng, nói thay cho những người vắng mặt dễ bị bỏ qua.
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi một nhà nước pháp quyền và nền tảng xã hội dân sự để cho các quyết sách được tính toán cân nhắc kỹ lưỡng khoa học dựa trên mọi thông số dữ liệu, thay vì bỏ qua số liệu nhu cầu của thành phần dân chúng nào đó.
Ở các nước có nền kinh tế phát triển họ chủ trương thị trường tự do và tự điều chỉnh, Tổng thống Mỹ có rất ít quyền đối với nền kinh tế Mỹ. Nhưng ở ta lại chủ trương quản lý nền kinh tế, tác động thường xuyên liên tục vào kinh tế thị trường.
Thành ra chính phủ nắm nhiều quyền hạn trong lĩnh vực kinh tế, có lẽ là nhiều quyền hơn bất cứ một chính phủ ở các nước phát triển nào đối với nền kinh tế nước họ. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp lớn có vai trò ảnh hưởng đối với việc ban hành các chính sách.
Từ quan điểm khác nhau đó đối với nền kinh tế dẫn đến những việc làm trên thực tế rất khác nhau và cũng tạo ra sự khác nhau về hệ quả xã hội như phân cách giàu nghèo, bất công xã hội, và tình trạng tội phạm.
Cho nên để đảm bảo công bằng, khi thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế do dịch bệnh gây ra, cần lắng nghe mọi tiếng nói từ các thành phần khác nhau, lưu tâm đến nhóm yếu thế trong xã hội, những người vắng mặt thường dễ bị bỏ qua.