Chính quyền ông Biden dự báo vẫn cứng rắn với Trung Quốc, hàm ý nào cho giới đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khi Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm các vị trí liên quan đến Trung Quốc cho chính quyền mới, các nhà đầu tư mong đợi ông tiếp tục lập trường cứng rắn với nước này. 

Chính quyền ông Biden dự báo vẫn cứng rắn với Trung Quốc
Chính quyền ông Biden dự báo vẫn cứng rắn với Trung Quốc

Tại các phiên điều trần, những ứng cử viên cho các chức vụ chủ chốt trong nội các của chính quyền ông Joe Biden khẳng định sẽ coi mối quan hệ với Trung Quốc là trọng tâm.

Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất”, theo mô tả của bà Janet Yellen, ứng cử viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính và cựu lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chính quyền của ông Biden sẽ cần hợp tác với các đồng minh để chống lại những gì mà bà Yellen mô tả là hành vi lạm dụng, không công bằng và bất hợp pháp của Trung Quốc - từ bán phá giá sản phẩm, vi phạm bản quyền và cưỡng ép chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra lợi thế không công bằng. Bà Yellen nhấn mạnh sẽ “chuẩn bị sử dụng đầy đủ các công cụ" để giải quyết những hành vi này.

“Chúng tôi không mong đợi Biden sẽ mềm mỏng với Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận có thể đa phương hơn, giúp giảm thiểu sự biến động và làm giảm phần bù rủi ro vốn cổ phần (equity risk premium)”, theo bà Joanne Irving của quỹ Aberdeen Emerging Markets (ABEMX) trị giá 5,3 tỉ USD. ABEMX trong năm qua đã xây dựng danh mục đầu tư khổng lồ vào Trung Quốc.

Chuyên gia về Trung Quốc trong chính quyền Mỹ những năm gần đây chia thành hai phe. Một bên tập trung vào các vấn đề chiến lược và quốc phòng và một bên là những người am hiểu các vấn đề thương mại. Đó là lý do một số chính sách về Trung Quốc mà chính quyền Trump ban hành gặp nhiều hạn chế khi thực hiện.

Tuy nhiên, đội ngũ mà Biden tập hợp bao gồm những người đã từng ở cả hai phía. Cụ thể, Kurt Campbell, nhà ngoại giao hàng đầu châu Á trong chính quyền Obama, ghi dấu với chiến lược "xoay trục sang châu Á", đã được Biden chỉ định cho vai trò mới là điều phối viên Ấn Độ - Thái Bình Dương.

"Vị trí của Campbell là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden đang suy nghĩ về việc điều phối chính sách nhất quán và khả thi hơn ở cả trong nội bộ nước Mỹ lẫn các nước đồng minh", theo ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và chủ tịch quản trị về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

“Mối quan hệ sẽ không được cải thiện trên diện rộng nhưng sẽ ít biến động hơn”, ông Kennedy cho biết. Lập trường và tư tưởng ranh giới rõ ràng giữa an ninh quốc gia và thương mại “sẽ giúp các doanh nghiệp dễ điều hướng qua khó khăn”.

Các sắc lệnh hành pháp

Chỉ trong vài tuần cuối nhiệm kỳ, tổng thống Trump đã ban hành một loạt các sắc lệnh liên quan đến Trung Quốc, như lệnh đe dọa cấm WeChat và TikTok và lệnh cấm đầu tư đối với các công ty mà Lầu Năm Góc cho rằng có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Khi chính quyền mới xem xét số sắc lệnh được ban hành gần đây, có hai điều cần theo dõi. Đầu tiên là liệu chính quyền mới có làm rõ ranh giới giữa an ninh quốc gia và các vấn đề kinh tế hay không. Thứ hai là liệu các lệnh hạn chế nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro cho mối quan hệ Mỹ- Trung mà Biden muốn tiếp tục hay chúng là công cụ để chia rẽ thêm khi không thể giảm bớt rủi ro đổ vỡ mối quan hệ này, Kennedy nói.

“Cũng có lý khi nghĩ rằng một số sắc lệnh hành pháp sẽ được rút lại hoặc diễn giải và thi hành khác đi so với Trump trước đây”, theo bà Anna Ashton, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc cho biết.

Dù không có khả năng đảo ngược lại các quyết định hủy niêm yết, nhưng nếu vẫn có sự đối thoại giữa hai nước, các nhà phân tích và quản lý quỹ kỳ vọng các cơ quan quản lý của Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một số thỏa thuận liên quan đến việc huỷ niêm yết các công ty Trung Quốc không tuân thủ luật giám sát kiểm toán Mỹ trong vòng ba năm.

Các nhà quản lý quỹ như Joanne Irving đang chọn cách an toàn. Irving chọn các chứng khoán được niêm yết ở Hồng Kông thay vì ở Mỹ cho các khoản đầu tư mới. Quỹ cũng tiếp tục ủng hộ việc hoán đổi cổ phiếu các công ty niêm yết tại Mỹ để lấy cổ phiếu ở Hồng Kông.

Các nhà quản lý quỹ ở thị trường mới nổi lớn như Irving luôn xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Họ cũng hạn chế đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc – những công ty có thể chịu nhiều áp lực địa chính trị hơn.

Thay vào đó, họ ủng hộ các công ty Trung Quốc định hướng nội địa như LONGi Green Energy Technology (Mã chứng khoán SHA:601012), công ty được hưởng lợi từ các xu hướng toàn cầu dài hạn như thúc đẩy năng lượng tái tạo. Các khoản đầu tư khác bao gồm Hong Kong Exchanges Clearing (Mã chứng khoán 0388.HK), công ty được hưởng lợi từ chương trình Stock Connect liên kết các thị trường Trung Quốc đại lục với Hồng Kông, cũng như các công ty Trung Quốc đang tìm cách niêm yết ở thị trường khác để đề phòng nguy cơ bị hủy niêm yết ở Mỹ.

Theo Barrons