Hiện nay, công nghệ thông tin được coi là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc; góp phần không nhỏ vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong xử lý hồ sơ hành chính, quản lý ngân sách, thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp...
Việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190 của bảng xếp hạng); so với các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia có sự cải thiện tốt về thứ hạng (tăng 9 bậc), nhưng hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa đạt được trung bình của các nước ASEAN 4, thậm chí trung bình ASEAN 6.
Theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới thì thứ hạng của Việt Nam giảm 4 bậc so với năm 2015 (từ vị trí 56 xuống thứ 60), thấp hơn hầu hết các nước ASEAN (sau 6 nước), chỉ đứng trên Lào và Cam-pu-chia.
Theo báo cáo về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam giảm 7 bậc so với năm 2015 (từ thứ 52/141 xuống 59/128 quốc gia với số điểm chỉ đạt 35,4/100 điểm), thấp hơn nhiều nước ASEAN.
Về xếp hạng Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên hợp quốc), Việt Nam đứng thứ 89 trên thế giới - tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014, xếp thứ 6 trong ASEAN.
Các giấy phép, các thủ tục hành chính (dịch vụ công) được nhiều bộ ngành, địa phương thực hiện cấp qua mạng điện tử. Tuy nhiên người dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sử dụng các dịch vụ công này do được cung cấp từ rất nhiều địa chỉ khác nhau mà không có một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử. Thiếu hướng dẫn, giải thích tỉ mỉ, cặn kẽ khi người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công. Một số bộ, ngành triển khai phần mềm không phù hợp với thực tế và nhu cầu của địa phương gây khó khăn cho triển khai các phần mềm cấp phép phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước được kết nối đến hầu hết các xã, huyện của các tỉnh, thành nhưng tốc độ truyền thấp, không đáp ứng kịp thời yêu cầu của người sử dụng. Chất lượng của đường truyền Internet và 3G chưa ổn định...
Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và các văn bản có liên quan.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tổ chức nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu quốc gia trong quý III/2017.
Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Quyết định về quy chế gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền trong quý III/2017, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.