Chính phủ sắp lập 'siêu uỷ ban' quản khối tài sản 130 tỷ USD

Ủy ban Quản lý - giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ về kết quả, hiệu quả đầu tư vốn.
​ Ủy ban được thành lập sẽ có trách nhiệm quản lý khối tài sản khổng lồ. Ảnh:VIR
​ Ủy ban được thành lập sẽ có trách nhiệm quản lý khối tài sản khổng lồ. Ảnh:VIR

Việc thành lập một cơ quan chuyên trách với tên gọi Ủy ban Quản lý - giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp được xác định sau khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì xây dựng khung pháp lý. Theo đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – đơn vị thuộc Bộ - đã trực tiếp xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước để cụ thể hóa chủ trương này.

Trước đó, theo báo cáo của Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), tính cuối năm 2015, tổng vốn Nhà nước ở trong 800 doanh nghiệp có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản khoảng 130 tỷ USD. Như vậy, nếu được thành lập, đây sẽ là một "siêu uỷ ban" với khối tài sản quản lý rất khổng lồ.

Về chức năng nhiệm vụ, Ủy ban có vai trò giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Theo dự thảo, Uỷ ban sẽ đầu tư và quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn của Nhà nước tại các doanh nghiêp nhằm hợp lý hóa danh mục, tối đa hóa giá trị tài sản cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ quan này còn trực tiếp hoặc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng về chính sách sở hữu Nhà nước, về tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp, đầu tư, quản lý và sử dụng vốn tại các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế.

Cũng theo tinh thần của dự thảo, Uỷ ban sẽ được quản lý bởi các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực, song sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn tại các doanh nghiệp. 

Cụ thể, cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp... Tiêu biểu là một số tập đoàn như Dầu khí, Điện lực, Hoá chất, Dệt may, Công nghiệp Than - Khoán sản, Bưu chính - Viễn thông, Công nghiệp Cao su, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty gồm Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Thuốc lá, Giấy, Thép, Dược, Cảng hàng không, Lâm nghiệp, Sông Đà, Habeco và Sabeco… 

Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vẫn do các bộ này quản lý.

Đặc biệt, trong danh mục quản lý của Uỷ ban này còn có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Riêng phần vốn mà SCIC nắm giữ tại các doanh nghiệp tính đến cuối năm 2015 khoảng 98.000 tỷ đồng.

Cơ quan này sẽ căn cứ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước để nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư theo hai nhóm: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn và nhóm nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.

Trường hợp báo cáo của doanh nghiệp có dấu hiệu không đầy đủ, không chính xác, Ủy ban được quyền yêu cầu thuê công ty kế toán, kiểm toán độc lập, đáp ứng điều kiện chuyên môn thực hiện việc soát xét lại số liệu để có cơ sở đưa ra đánh giá, nhận xét và kết luận giám sát.

Khi phát hiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro, Ủy ban này phải cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp, chỉ đạo đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém; đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm; báo cáo Thủ tướng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật.

Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức của Uỷ ban gồm Chủ tịch và các Phó chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm và nhiều ban khác như: Ban đầu tư tài chính; Ban phân tích, dự báo, kế hoạch và đầu tư chiến lược; Hội đồng tư vấn độc lập...

Theo VnExpress