Chính phủ Mỹ "bật đèn xanh" cho SpaceX thực hiện phóng thử nghiệm tàu vũ trụ Starship

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 14/4, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã cấp giấy phép cho công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk lần đầu tiên phóng tên lửa Starship lên quỹ đạo, mở đường cho chuyến bay thử nghiệm quan trọng trong không gian.
Tổ hợp tàu vũ trụ Starship của SpaceX tại căn cứ sân bay vũ trụ Boca Chica, Texas.
Tổ hợp tàu vũ trụ Starship của SpaceX tại căn cứ sân bay vũ trụ Boca Chica, Texas.

"Sau quá trình đánh giá giấy phép toàn diện, FAA đã xác định SpaceX đáp ứng tất cả những yêu cầu về an toàn, môi trường, chính sách, tải trọng, tích hợp không phận và trách nhiệm tài chính", FAA trong tuyên bố ngày 14/4 cho biết, đồng thời thông báo rằng, giấy phép có hiệu lực trong 5 năm.

Vụ phóng, từ sân bay phóng tên lửa Starbase của SpaceX ở Boca Chica, Texas, dự kiến sẽ được tiến hành ngày 17/4, theo xác nhận của công ty trên Twitter. Những thông báo quy định được nộp trước đó ngày 14/4 cho biết, hoạt động phóng sẽ được thực hiện trong khoảng từ 5:30 sáng đến 2 giờ chiều theo giờ miền Trung nước Mỹ.

Sứ mệnh thử nghiệm tàu vũ trụ lên quỹ đạo này sẽ là lần phóng đầu tiên của hệ thống tên lửa Starship lắp ghép hai tầng của SpaceX, bao gồm tàu ​​vũ trụ Starship và Tên lửa vận tải siêu nặng, được cung cấp lực đẩy từ 33 động cơ tên lửa Merlin.

Tổ hợp tàu vũ trụ Starship

Tổ hợp liên kết tàu vũ trụ Starship và Tên lửa Siêu nặng (Super Heavy Rocket) được gọi chung là Starship. Tổ hợp tàu vũ trụ này đại diện cho thế hệ hệ thống phóng tiếp theo của SpaceX, được thiết kế để có thể vận chuyển phi hành gia và hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất, Mặt trăng, Sao Hỏa và thậm chí có thể bay xa hơn nữa.

Sau khi thử nghiệm hoàn tất và sẵn sàng cho khai thác sử dụng, Tổ hợp Starship có thể trở thành hệ thống vận tải mạnh nhất từng được nhân loại phát triển với khả năng mang trọng tải hữu ích lên tới 150 tấn ở chế độ “tái sử dụng hoàn toàn” và 250 tấn trong "Chế độ tiêu hao", SpaceX cho biết.

Tàu vũ trụ Starship. Ảnh: SpaceX

Tàu vũ trụ Starship. Ảnh: SpaceX

Tàu vũ trụ Starship

Tàu vũ trụ Starship là tầng thứ 2 của tổ hợp hai tầng Starship. Tàu vũ trụ được dành một phần tải trọng tích hợp, được thiết kế để vận chuyển phi hành đoàn và hàng hóa đến mục tiêu đặt ra trong hệ mặt trời. Theo SpaceX, Starship cũng có khả năng vận chuyển điểm - điểm trên Trái đất.

Tàu vũ trụ Starship cao khoảng 50 mét và rộng 9 mét. Tàu có tải trọng từ 100 tấn đến 150 tấn. Phương tiện vận tải này được trang bị 3 động cơ Raptor thông thường và ba động cơ Raptor sửa đổi đặc biệt để hoạt động cung cấp lực đẩy trong môi trường chân không. Những động cơ tên lửa phản lực cung cấp lực đẩy đến 1.500 tấn.

Tầng thứ nhất, tên lửa đẩy siêu nặng (Super Heavy Rocket) SpaceX của hệ thống tàu vũ trụ Starship. Ảnh SpaceX

Tầng thứ nhất, tên lửa đẩy siêu nặng (Super Heavy Rocket) SpaceX của hệ thống tàu vũ trụ Starship. Ảnh SpaceX

Tên lửa đẩy siêu nặng (Super Heavy Rocket)

Tổ hợp tên lửa đẩy siêu nặng là tầng thứ nhất của tàu vũ trụ Starship. Theo SpaceX, Starship hoàn toàn có thể tái sử dụng và sau khi phóng, tên lửa sẽ quay trở lại bầu khí quyển Trái đất, hạ cánh tại sân bay vũ trụ, địa điểm phóng của hệ thống.

Tên lửa đẩy siêu nặng cao khoảng 69 mét, rộng 9 mét và có khả năng chứa 3.400 tấn nhiên liệu lỏng. Tên lửa được trang bị 33 động cơ Raptor, cung cấp lực đẩy gần 7.600 tấn.

Động cơ tên lửa đẩy Raptor. Ảnh SpaceX

Động cơ tên lửa đẩy Raptor. Ảnh SpaceX

Tương tự như tàu vũ trụ Starship, động cơ Raptor cũng có thể tái sử dụng. Đây là động cơ phản lực, sử dụng hỗn hợp khí mê-tan và oxy lỏng. Mỗi động cơ Raptor có khả năng cung cấp lực đẩy 230 tấn, gấp 2 lần so với động cơ Merlin cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ Falcon 1, Falcon 9 và Falcon Heavy của SpaceX.

Động cơ tên lửa cao khoảng 3,1 mét và đường kính ống phụt rộng nhất khoảng 1,3 mét. Tầng thứ nhất Super Heavy Rocket có 33 động cơ Raptor, 13 ở trung tâm và 20 chạy dọc theo chu vi.

Động cơ chân không R-Vac Raptor được sửa đổi đặc biệt để sử dụng trong không gian. Ảnh: SpaceX

Động cơ chân không R-Vac Raptor được sửa đổi đặc biệt để sử dụng trong không gian. Ảnh: SpaceX

Động cơ Raptor-chân không (R-Vac)

Động cơ Raptor Vacuum (R-Vac) có thiết kế tương tự như động cơ Raptor tiêu chuẩn. Sự khác biệt của R-Vac là có vòi phun mở rộng lớn hơn để tối đa hóa hiệu quả của động cơ phản lực trong không gian. Tàu vũ trụ Starship sẽ được cung cấp lực đẩy từ 3 động cơ phản lực R- Vac và 3 động cơ Raptor tiêu chuẩn.

Theo US News