Mở đầu họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 (4/10), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng thông báo tin vui với báo chí: “Nghị quyết 35 của Chính phủ nêu rõ hỗ trợ và phát triển DN để đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu DN. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nam ngày 6/8, Thủ tướng có chỉ đạo lập một website của Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của DN tới Chính phủ. Nói cách khác đây là website của Chính phủ với DN, tiến tới sẽ có website của Chính phủ với người dân”
Website bắt đầu vận hành từ 1/10/2016 với chức năng tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, các câu trả lời của Chính phủ giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được đăng tải công khai minh bạch cho bất kỳ ai quan tâm.
“Có thể nói qua hệ thống này các kiến nghị của DN, những khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình SXKD, đặc biệt các cơ chế chính sách, các giao dịch, các chi phí trực tiếp… sẽ được các bộ, ngành, địa phương trả lời và VPCP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ thành lập tổ công tác để đôn đốc kiểm tra và trả lời trực tiếp cho DN với danh nghĩa Chính phủ trả lời cho DN. Website này hoạt động từ 1/10/2016. Tuy nhiên, do tập trung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ, bắt đầu từ ngày mai (5/10), tổ giúp việc cho Bộ trưởng sẽ trực tiếp tiếp nhận các thông tin của DN. Đến nay chúng tôi đã tiếp nhận được 6 ý kiến của DN trong và ngoài nước, nếu công bố ngày hôm nay thì chúng tôi sẽ nhận được nhiều hơn” – Ông Dũng hồ hởi chia sẻ với phóng viên.
Khi nhận được câu hỏi về chuyện nếu doanh nghiệp phản ánh việc phải đút lót phong bì tới một số cơ quan và gây khó dễ cho doanh nghiệp, thì VPCP có tiếp nhận những thông tin như vậy không và xử lý vấn đề đó như thế nào, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP đã trả lời trực diện vào vấn đề: “Trong thực tiễn là có, có những lợi ích nhóm, có lợi ích của cá nhân, công chức, viên chức thi hành công vụ gây khó dễ cho doanh nghiệp, mặc cả với doanh nghiệp tỉ lệ phần trăm trong dự án. Chuyện đó thực tế là có. Chính vì thực tế như thế nên Thủ tướng chỉ đạo tất cả mọi việc công khai để ngăn chặn những nhóm lợi ích và hạn chế nhất những tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư. Khi nhận được những thông tin như vậy thì chúng tôi sẽ chuyển các cơ quan chức năng, Chính vì thực tế như thế nên Thủ tướng chỉ đạo tất cả mọi việc công khai để ngăn chặn những nhóm lợi ích và hạn chế nhất những tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư.”
Ông Dũng cũng cho biết thêm: “Khi nhận được những thông tin như vậy thì chúng tôi sẽ chuyển các cơ quan chức năng. Chúng ta có thể nói là nếu như phản ánh của các doanh nghiệp, của báo chí có chứng cứ, căn cứ xác đáng thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét để đánh giá, nhất là cơ quan quản lý cán bộ của cấp đó. Nếu như tại địa phương thì chúng tôi sẽ chuyển về địa phương và yêu cầu cán bộ phải làm rõ, phải giải trình với lãnh đạo địa phương. Nếu như thuộc Bộ thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, yêu cầu cán bộ bị phản ảnh phải giải trình rõ với các doanh nghiệp, dư luận của người dân và báo chí.
Chúng ta làm một cách công khai, minh bạch như thế. Còn kết luận không hay có, mức độ nào thì cần quá trình xem xét. Chúng ta rất minh bạch nhưng không đổ oan cho người khác, cũng không để lọt những đối tượng có hành động nhũng nhiễu, tiêu cực”.