Chính phủ Anh cấm sử dụng camera Trung Quốc trong các cơ quan công quyền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các cơ quan chính phủ của Vương quốc Anh được lệnh ngừng lắp đặt camera giám sát do các công ty sản xuất, chịu ảnh hưởng luật an ninh quốc gia Trung Quốc do lo ngại về bảo mật thông tin.
Anh cấm sử dụng các camera giám sát an ninh do công ty Trung Quốc sản xuất. Ảnh WION.
Anh cấm sử dụng các camera giám sát an ninh do công ty Trung Quốc sản xuất. Ảnh WION.

Chính phủ Anh hiện đang có những hành động mạnh mẽ hơn chống lại công nghệ Trung Quốc khi quyết định cấm sử dụng một số “hệ thống giám sát trực quan” trong các cơ quan và cơ sở công quyền “nhạy cảm” của chính phủ.

Lệnh cấm áp dụng đối với các camera an ninh và những hệ thống công ty khác do các công ty Trung Quốc sản xuất, được cho là có hợp tác với các dịch vụ an ninh của Bắc Kinh.

Các quan chức chính phủ được yêu cầu đảm bảo, các hệ thống này không được kết nối với những mạng cốt lõi của cơ quan chính phủ, xem xét và loại bỏ ngay lập tức tất cả những thiết bị do công ty Trung Quốc sản xuất hiện có mà không cần chờ những cập nhật trang bị theo lịch trình.

Các quan chức chính phủ cũng đã được khuyến khích xem xét, liệu có cần thiết mở rộng “giảm thiểu rủi ro” tương tự cho các địa điểm không được coi là “nhạy cảm” hay không?

Sự lo lắng và động thái của chính phủ Anh nhằm hạn chế công nghệ Trung Quốc là kết quả, được hình thành trong cuộc chiến công nghệ kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh, trong đó Bắc Kinh bị cáo buộc sử dụng công nghệ để do thám và tăng ảnh hưởng toàn cầu của mình .

Động thái này cũng diễn ra sau những lo ngại ngày càng tăng của các nghị sĩ về các lỗ hổng công nghệ trong khu vực chính phủ Westminster. Đầu tháng 11, Bộ trưởng An ninh Vương quốc Anh, Tom Tugendhat tuyên bố rằng, nền dân chủ của Anh đang “bị tấn công” sau khi các nghị sĩ được cảnh báo, điện thoại di động của các nhà lập pháp có thể bị sử dụng để thu thập thông tin nhạy cảm.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Oliver Dowden, nhà lãnh đạo của Công quốc Lancaster thông báo với các nghị sĩ: "một đánh giá đã kết luận rằng, trước mối đe dọa ngày càng đối với Vương quốc Anh cũng như khả năng kết nối ngày càng tăng của những hệ thống mạng các cơ quan, cần phải có những biện pháp kiểm soát bổ sung”.

Dowden nói thêm: “Do đó, các sở, ban ngành đã được hướng dẫn ngừng triển khai các thiết bị tại các địa điểm nhạy cảm, khi những thiết bị này được sản xuất bởi các công ty, chịu tác động của luật tình báo quốc gia của Trung Quốc. Vì các cân nhắc về bảo mật luôn là điều tối quan trọng xung quanh những địa điểm này, chúng tôi hiện đang hành động để ngăn chặn bất kỳ rủi ro bảo mật nào, có thể có nguy cơ trở thành hiện thực.”

Theo dữ liệu của nhóm Big Brother Watch, một tổ chức vận động quyền riêng tư và tự do dân sự phi lợi nhuận của Anh, nhiều tổ chức công cộng ở Anh sử dụng camera quan sát do Hikvision hoặc Dahua sản xuất.

Tháng 7/2022, một nhóm gồm 67 nghị sĩ và lãnh chúa đã kiến nghị London cấm bán và sử dụng thiết bị giám sát do 2 công ty sản xuất, với những cáo buộc cho rằng, những công ty này đã tạo điều kiện công nghệ cho việc đàn áp 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.

Trong một lá thư kèm theo kiến nghị từ Fraser Sampson, ủy viên về camera giám sát và sinh trắc học đưa ra những cảnh báo cho rằng, cơ sở hạ tầng giám sát công cộng của Anh được xây dựng trên nền tảng “amiăng kỹ thuật số”, một thuật ngữ để chỉ nguy cơ ô nhiễm môi trường kỹ thuật số.

Ông Sampson nói: “Hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta hiện đang bị giám sát do đang sử dụng các hệ thống tiên tiến được thiết kế và mua từ những công ty, nằm dưới sự kiểm soát của các chính phủ khác, những chính phủ mà các công ty đó có nghĩa vụ phải chia sẻ dữ liệu trong khuôn khổ pháp lý của quốc gia đó”.

Alicia Kearns, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Commons và Nhóm nghị sĩ Nghiên cứu Trung Quốc, hoan nghênh động thái này nhưng cho rằng quyết định nên mở rộng hơn.

Bà nhấn mạnh: “Các cơ quan công quyền và chính quyền địa phương không nên mua sắm từ các công ty trang thiết bị giám sát như Hikvision, những công ty đã liên tục thất bại trong nỗ lực minh oan cho các hành vi vi phạm nhân quyền do Trung Quốc thực hiện chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương”.

“Bất kỳ lệnh cấm nào cũng cần được hỗ trợ bởi khuôn khổ mua sắm quốc gia mới, cung cấp những lựa chọn thay thế cho công nghệ do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn mà các doanh nghiệp sản xuất những trang thiết bị này có thể buộc phải chuyển một lượng lớn dữ liệu công dân Anh vào tay Trung Quốc.”

Một số cơ quan ban ngành độc lập của Anh đã loại bỏ thiết bị giám sát Hikvision, sau khi video từ một trong các camera của công ty ghi lại cảnh Quốc vụ khanh phụ trách y tế lúc đó là Matt Hancock hôn một phụ tá Nghị viện, vi phạm rõ ràng những quy tắc cách ly Covid-19 bị rò rỉ trên mạng xã hội. Ông Hancock buộc phải từ chức ngay sau đó.

Đáp lại tuyên bố của Dowden, phát ngôn viên của Hikvision cho biết "hoàn toàn sai lầm khi coi Hikvision là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Không có tổ chức kỹ thuật hoặc các đánh giá có uy tín nào đi đến kết luận này”.

“Hikvision không thể truyền dữ liệu từ người dùng cuối sang bên thứ ba, chúng tôi không quản lý cơ sở dữ liệu người dùng cuối, chúng tôi không cung cấp dịch vụ bộ nhớ đám mây ở Anh. Camera của chúng tôi tuân thủ các quy tắc và quy định hiện hành của Anh và các yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt.

“Chúng tôi luôn hoàn toàn minh bạch về những hoạt động của doanh nghiệp tại Anh, đã hợp tác với chính phủ Anh làm rõ những hiểu lầm về công ty, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và giải quyết các mối quan ngại của Anh. Chúng tôi đang nỗ lực, khẩn trương làm việc với các bộ trưởng để làm rõ quyết định này.”

Động thái ngăn chặn này diễn ra trong bối cảnh gia tăng những lo ngại về sự nguy hiểm của các cuộc tấn công mạng vào những cơ quan công quyền từ các chủ thể được nhà nước bảo trợ.

Đầu tháng 11, hai bản tin mới thông báo, các cuộc tấn công mạng từ tội phạm công nghệ và những nhóm hacker được nhà nước bảo trợ gia tăng đáng kể trong năm tài chính vừa qua, biến không gian mạng thành “không gian chiến tranh”.

Trong một Bài giảng về an ninh tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh “Royal United Services” (RUSI), nhà lãnh đạo Cơ quan Truyền thông Chính phủ (GCHQ), Sir Jeremy Fleming cho rằng, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng các công nghệ tiên tiến như một “công cụ để đạt được lợi thế nhờ khả năng kiểm soát thị trường, những người trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và của chính công dân Trung Quốc”.

Chính phủ Anh gần đây cũng đã chặn việc bán nhà sản xuất chip Newport Water Fab của Anh cho một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo E&T