Chỉ trong vài giờ, một đám đông điên cuồng đã theo dõi hai người và thực thi công lý. Họ đánh đập cả hai và còn đốt xe của người đàn ông. May mắn là một người bạn đã nhận ra người phụ nữ là cô Pâmella Martins đang đi cùng đồng nghiệp Luiz Aurelio de Paula. Cùng lúc này, cảnh sát thành phố đến can thiệp kịp thời. Pâmella Martins từ đó không dùng WhatsApp nữa.
Dù vậy, cô chỉ là thiểu số. Theo BuzzFeed, các khảo sát độc lập cho thấy khoảng 80% đến 92% người Brazil có kết nối Internet đang dùng WhatsApp. Đây là ứng dụng nhắn tin hàng đầu thế giới với 1,2 tỷ người dùng, trong đó xấp xỉ 100 triệu đến từ Brazil. Khảo sát do WhatsApp thực hiện chỉ ra 53% người dùng nói họ chia sẻ “các câu chuyện đùa, hình ảnh ngộ nghĩnh và những thứ hài hước”, 35% chia sẻ “tin tức và thông tin từ báo chí, truyền thông”.
WhatsApp không phải là nền tảng duy nhất bị xâm lấn bởi các thông tin thất thiệt. Tuy nhiên, không như Facebook hay Twitter, nơi dễ tìm ra nguồn gốc tài khoản phát tán chúng, tính chất khép kín của các ứng dụng nhắn tin khiến chúng ta không thể biết được tin đồn xuất phát từ đâu.
Một điều rõ ràng là những tin đồn như trường hợp kể trên đều có khả năng tiếp cận rất nhiều người dùng trên WhatsApp và gây thiệt hại cho những người vô tội.
Đó chính là điều đã xảy ra với Mario Gazin. Nhà máy sản xuất chăn đệm của ông mất đơn hàng 1 triệu chiếc sau khi một đoạn ghi âm được chia sẻ trên WhatsApp, tố cáo ông “giao dịch với quỷ Satan” để bán được nhiều hàng hơn. Tin đồn đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người theo đạo Tin lành, chiếm 29% dân số Brazil.
Nó đi kèm “bằng chứng” là ảnh và video cho thấy đệm của thương hiệu này chứa đất của nghĩa địa, củng cố quan hệ của ông Gazin với thế giới ngầm. Sau khi bị hủy đơn hàng, ông Gazin đã lần theo và tìm ra nơi tin đồn bắt đầu. Ông quay một video bác bỏ “liên kết với quỷ Satan” và đăng lên Facebook.
Lời giải thích của ông thu hút 3 triệu lượt xem và giúp ích rất nhiều, đồng thời gây dựng thương hiệu tại một số khu vực đang hoạt động kém.
Một câu chuyện giả mạo khác được chia sẻ trên WhatsApp là về bệnh viện Syria – Lebannon, một trong các cơ sở y tế hàng đầu của Brazil, đã phát triển thành công vắc-xin chữa ung thư da và thận. Bản thân bệnh viện đã phải công khai phủ nhận câu chuyện này. Thông báo của viện viết: “Dù nghiên cứu có thật, kết quả của nó chỉ cho thấy mức độ hạn chế, tạm thời có lợi cho một số nhỏ bệnh nhân. Cho đến nay, không có bằng chứng nào về việc vắc-xin có tác dụng chữa trị”.
Marcos Boulos, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm và Giám đốc truyền thông Hội đồng y học Sao Paulo, cho biết loại tin đồn này lúc nào cũng có nhưng đang phát tán nhanh hơn. “Tôi đã được hỏi về một vài loại vắc-xin không tồn tại. Tôi có những bệnh nhân muốn dùng tin đồn như liệu pháp điều trị thay thế liệu pháp đang sử dụng”.
Dù vậy, ngay cả khi có người bị tổn thương về sức khỏe lẫn tài chính bởi những tin đồn trên Whatsapp, kẻ dựng chuyện lại hiếm khi bị trừng phạt. WhatsApp khuyến khích người dùng báo cáo “nội dung có vấn đề” trên nền tảng. Công ty còn hướng dẫn mọi người liên hệ với nhà hành pháp nếu họ tin ai đó đang gặp nguy hiểm.
Do tính năng mã hóa đầu cuối, WhatsApp không thể xem tin nhắn của người dùng, vì vậy, họ muốn xây dựng các công cụ để kiểm soát tin giả mạo và báo cáo chúng cũng như chặn người dùng.
Pâmella Martins, người phụ nữ bị đánh đập cùng với đồng nghiệp, tin rằng những kẻ tấn công cô ít có cơ hội để chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cô chỉ hi vọng rằng, ít nhất, kẻ bịa tin đồn về cặp đôi bắt cóc trẻ em sẽ phải trả lời tại tòa.
Bài đăng Facebook khiến cộng đồng truy lùng Martins đã bị xóa cũng như tài khoản của người đầu tiên chia sẻ bức ảnh xe hơi của Luiz Aurélio de Paula. Cảnh sát đang cố truy tìm người đàn ông ghi âm để củng cố câu chuyện giả mạo.
Trong khi Martins từ bỏ WhatsApp sau trải nghiệm không mấy dễ chịu, Gazin lại dùng nó sau khi chứng kiến doanh số kỷ lục. Ông sử dụng WhatsApp để hỗ trợ khách hàng, thậm chí cả bán hàng. Còn với chuyên gia Boulos, ông chỉ nói ngắn gọn: “Chừng nào WhatsApp còn như cũ, mọi người sẽ còn nói bất kỳ chuyện vô nghĩa nào mà họ muốn”.
Theo ICTNews (nguồn BuzzFeed)