|
Cuộc chiến tranh thế giới tiếp theo sẽ là cuộc chiến tranh mạng |
Bây giờ đã là tháng 11, chỉ còn hơn 1 tháng nữa, năm 2016 sẽ kết thúc. Nhưng từ đầu năm đến nay, đã có nhiều vụ tấn công mạng mang “tầm cỡ quốc tế” xảy ra, được tin là có dính dáng và sự hậu thuẫn của các chính phủ. Đầu năm nay, cơ quan tình báo Hàn Quốc thông báo với các nhà lập pháp của đất nước rằng, số lượng các cuộc tấn công mạng do Triều Tiên gây ra đã tăng gấp đôi, trong chỉ 1 tháng. Hồi đó là vào tháng Hai – tức là ngay trong tháng 1/2016, số các cuộc tấn công mạng đã tăng gấp đôi.
Theo Venture Beat, Triều Tiên đã cố đột nhập không thành công vào hệ thống quản lý đường sắt của Hàn Quốc và vào mạng lưới máy tính của các tổ chức tài chính. Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cũng buộc tội Triều Tiên cố tình hack vào smartphone của 300 quan chức quân sự, an ninh và ngoại giao của Hàn Quốc, và đã đột nhập thành công 40 người trong số họ.
Trong khi đó, nước Mỹ cũng thường xuyên được nghe các thông tin về những vụ tấn công mạng nhằm vào các công ty và tổ chức chính phủ Mỹ. Thực ra, các cuộc tấn công mạng tầm cỡ quốc gia đang trở thành vấn đề toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn ở Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Các quốc gia liên tục tung ra các chương trình tấn công mạng thành công vào nhau, tần số tiếp tục gia tăng, với thái độ thù địch như thế, mặc dù không phải là bạo lực, song khả năng thế giới sẽ tiến vào một cuộc chiến tranh tồi tệ hơn – một cuộc chiến tranh trên mạng.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta của Mỹ từng nói về một trận “Trân Châu cảng trên mạng”. Ông và các nhà hoạch định chính sách khác đã vạch ra khả năng các hacker chính phủ có thể đánh sập một phần mạng lưới điện của Mỹ, làm vỡ các đường ống dầu, gây ô nhiễm nguồn cấp nước, và thậm chí khiến các máy bay va chạm nhau khi hack vào hệ thống kiểm soát giao thông.
Trong khi đó, chỉ mới tháng trước, Yahoo báo có các hacker “có sự hậu thuẫn của chính phủ” đã lấy cắp dữ liệu của khoảng 500 triệu người dùng vào năm 2014, có lẽ là vụ xâm phạm dữ liệu lớn nhất. Trước đó 2 tháng, Ủy ban quốc gia Dân chủ Mỹ báo cáo vụ rò rỉ email khiến hơn 19.000 email và hơn 8.000 tệp tin đính kèm bị tịch thu.
Trong những trường hợp này, các cơ quan tình báo Nga có vẻ như có liên quan. Nhưng Nga chỉ là đối tượng tấn công mạng mới nhất hiện nay. Tháng 7/2015, Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ đã là mục tiêu của vụ xâm phạm dữ liệu hàng triệu hồ sơ nhân viên chính phủ liên bang. Và trong vụ này, các cơ quan tình báo Trung Quốc đã bị nghi ngờ dính líu.
Mỹ cũng là mục tiêu tấn công của Triều Tiên và Iran. Hồi đầu năm nay, chúng ta biết được rằng năm 2013, Triều Tiên và Iran đã tấn công mạng không thành công vào mạng lưới máy tính của thành phố New York. Một số quan chức Mỹ đã gọi cuộc tấn công là “phát súng” bắn vào Mỹ, còn tệ hơn là lấy cắp thông tin.
May mắn là, chưa có cuộc tấn công tai hại thực sự nào diễn ra tại Mỹ. Thực tế, mức độ nghiêm trọng của các vụ tấn công mạng gần đây đã được xếp hạng trung bình là 1,65 trong tháng điểm 5 cấp độ, theo Washington Post. Cấp độ 5 là đe dọa đến cơ sở hạ tầng, ổn định chính phủ hoặc cuộc sống của người dân Mỹ.
Những quan sát về chiến trường mạng đã cho thấy an ninh mạng đóng vai trò rất lớn trong thời đại CNTT. Các quan chức tình báo cấp cao của Lầu Năm Góc từng nói với Quốc hội Mỹ hồi tháng Ba rằng Trung Quốc và Nga đang có kế hoạch tấn công và phá vỡ vệ tinh quân sự, tình báo Mỹ trong tương lai, cùng với cuộc chiến tấn công bằng tên lửa và laser, các công cụ tấn công mạng sẽ làm suy yếu thế mạnh của Mỹ trong không gian.
Trong một mặt trận khác, Mỹ đã tiến vào cuộc đua với Trung Quốc và Nga, chế tạo vũ khí mạng phá hủy cơ sở hạ tầng của các quốc gia khác. Ba quốc gia này đã xây dựng kho vũ khí bao gồm virus, sâu máy tính ngựa Trojan tinh vi và nhiều công cụ phá hủy khác.
An ninh mạng không trở thành một mối đe dọa khổng lồ trong ngày một ngày hai. Nhưng đó là một mối đe dọa có thật đối với thế giới ngày nay.
Theo VentureBeat