Chiến tranh công nghệ: Trung Quốc gặp khó khi Mỹ mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà phân tích cho biết, động lực tự cung tự cấp chất bán dẫn đầy tham vọng của Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Chiến tranh công nghệ: Trung Quốc gặp khó khi Mỹ mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu (Ảnh: SCMP)
Chiến tranh công nghệ: Trung Quốc gặp khó khi Mỹ mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu (Ảnh: SCMP)

Các nhà phân tích cho biết, động lực tự cung tự cấp chất bán dẫn đầy tham vọng của Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn, sau khi Mỹ mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu.

Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), một cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, vào ngày 7 tháng 10 đã triển khai các bản cập nhật nhằm hạn chế hơn nữa khả năng Trung Quốc có được chip điện toán tiên tiến, phát triển và bảo trì siêu máy tính cũng như sản xuất chip bán dẫn tiên tiến được sử dụng trong các ứng dụng quân sự, bao gồm vũ khí diện rộng.

Các bản cập nhật bổ sung những yêu cầu giấy phép mới cho các mặt hàng dự định cập bến các xưởng đúc chip tại Trung Quốc. Điều đó khiến nhiều cơ sở sản xuất chip ở Đại lục thuộc sở hữu của những công ty đa quốc gia phải quyết định theo từng trường hợp cụ thể.

Bà Arisa Liu, một nhà nghiên cứu bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết: “Một vòng vây đang hình thành. Các biện pháp hạn chế tăng cường xuất khẩu công nghệ Mỹ nhằm đánh vào khả năng sản xuất siêu máy tính, AI và bán dẫn của Trung Quốc.”

Ngoài ra, Mỹ đang áp đặt các yêu cầu giấy phép mới nhằm xuất khẩu những mặt hàng vốn được sử dụng để phát triển hoặc sản xuất thiết bị phát triển bán dẫn cũng như những mặt hàng liên quan.

Khả năng tự cung tự cấp về chất bán dẫn của Trung Quốc dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn theo các hạn chế xuất khẩu công nghệ mới nhất do Mỹ áp đặt, theo nhà nghiên cứu Liu.

Tác động của các hạn chế mới nhất có thể sẽ gây ra nhiều xáo trộn hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh về chương trình tự lực công nghệ cao của quốc gia này.

Vào ngày thứ Hai vừa qua, cổ phiếu của các nhà sản xuất chip lớn của Trung Quốc đã giảm. Semiconductor Manufacturing International Corp, lớn nhất Trung Quốc, mất 3,4% xuống còn 2,12 USD, trong khi Hua Hong Semiconductor giảm 9,6%.

Cổ phiếu của Naura Technology Group, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc, đóng cửa giảm 10% xuống 250,56 nhân dân tệ (35,02 USD) tại Thâm Quyến vào hôm thứ Hai.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã “khiến toàn bộ ngành công nghiệp chip Trung Quốc cảm thấy ớn lạnh” vì Washington đang sử dụng công nghệ bán dẫn như một công cụ để ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc, Gu Wenjun, nhà phân tích trưởng tại công ty nghiên cứu ICwise cho biết.

Ông Gu nói: "Đây là những thách thức chưa từng có đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc."

BIS cũng cập nhật các chính sách liên quan đến Danh sách chưa xác minh (Unverified List) và danh sách đen xuất khẩu của Mỹ, vốn được gọi với cái tên chính thức là Danh sách Thực thể (Entity List). BIS sẽ thêm các bên vào Danh sách chưa xác minh 60 ngày sau khi yêu cầu kiểm tra.

Quy trình 60 ngày là một điều cần thiết để thêm các bên trong Unverified List vào Entity List bởi các cơ quan chính phủ nước sở tại cần có thời gian để xem xét.

Yangtze Memory Technologies Co (YMTC) được cho là sẽ gặp khó khăn hơn khi mở rộng cơ sở khách hàng không phải tại Trung Quốc. YMTC – nhà sản xuất chip nhớ flash NAND hàng đầu Trung Quốc - cùng DK Laser và Beijing Naura Magnetoelectric Technology, là những cái tên điển hình trong số 31 thực thể gần đây được thêm vào Unverified List của Washington.

Các hạn chế mới nhất cũng mở rộng phạm vi của Quy tắc Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài của Mỹ nhằm bao gồm cả những mặt hàng như siêu máy tính.

Điều này dự kiến ​​sẽ khiến 28 công ty công nghệ Trung Quốc được thêm vào danh sách đen thương mại của Washington từ năm 2015 đến năm 2021 gặp khó khăn hơn trong việc mua các mặt hàng do nước ngoài sản xuất có chứa công nghệ xuất xứ từ Mỹ.

Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh mô tả những hạn chế mới nhất là phương tiện để Mỹ “duy trì quyền bá chủ công nghệ”, một số nhà phân tích kỳ vọng Bắc Kinh sẽ theo đuổi các nỗ lực vận động hành lang ở Washington.

Theo Woz Ahmed, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Chilli Ventures, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ “khuyến khích các công ty Mỹ vận động hành lang chính quyền” sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay và trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo vào năm 2024.

Theo SCMP