Chiến tranh biển đảo: Cuộc chiến Anh-Argentina 1982

Cuộc chiến tranh giành quần đảo Falklands - trận chiến đầu tiên của các lực lượng hải quân hiện đại.
Binh sĩ Anh trong cuộc chiến với Argentina

Hướng chủ đạo của sức mạnh thời hậu chiến trên tầm mức địa-chính trị đã dịch chuyển sang hướng đại dương, và không chỉ do các lực lượng hạt nhân chiến lược được triển khai ở đó. 

Tuy nhiên, với tất cả phạm vi và quy mô quân bị, không một nước nào thực sự có kinh nghiệm tác chiến hải quân cho đến khi xảy ra cuộc xung đột Falklands giữa Anh và Argentina vào năm 1982, cuộc xung đột mang trong mình những dấu hiệu của một cuộc chiến tranh hải quân đích thực.

Đối với các chuyên gia, cuộc khủng hoảng Falklands đã cho phép kiểm nghiệm với độ tin cậy cao tính đúng đắn của những khái niệm và xu hướng cơ bản trong xây dựng hải quân, phát triển vũ khí hải quân, cũng như các thủ đoạn và phương thức tác chiến trên biển.

Các điều kiện chính trị và chiến dịch-chiến lược của cuộc xung đột

Khởi nguồn của các cuộc xung đột quân sự luôn rắc rối và không rõ ràng. Cuộc xung đột vì quần đảo Falklands cũng không phải là ngoại lệ.

Falklands, mà Argentina gọi là quần đảo Malvinas, về chính thức không có tiềm năng khoáng sản và nằm ở nơi có khí hậu khắc nghiệt, cách xa các tuyến đường biển quốc tế nhộn nhịp, chật vật để nuôi sống mấy ngàn con cừu và một nhúm điền chủ can đảm. Hạ tầng của hòn đảo cũng tương tự như sự hoang tàn của nó. Trên đó chỉ có vài đường băng, không thể phục vụ máy bay phản lực hiện đại và hệ thống bến cảng ọp ẹp.

Vậy cuộc xung đột thực tế nổ ra vì cái gì? Sẽ không quá sai nếu nói rằng, nó bắt nguồn từ trò chơi của những tham vọng chính trị lớn. Ở Argentina, một chế độ bán quân sự mới lại lên cầm quyền với những khẩu hiệu và lời hứa tranh cử mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, trong đó có việc giành lại Malvinas (khu vực lãnh thổ tranh chấp).

Về mặt quân sự, chế độ cảm thấy tự tin vì một tàu sân bay mới mua của Pháp với lực lượng máy bay không chỉ có các máy bay A-4 Skyhawk trang bị bom, mà cả các máy bay Super Étendard tối tân của Pháp trang bị tên lửa chống hạm Exocet, có khả năng gây tổn thất nặng nề cho biên đội tàu chiến mà không phải bay vào tầm hỏa lực phòng không của nó. Sẵn sàng phát huy chiến quả của các máy bay là các tàu khu trục và tàu hộ vệ tên lửa. Lực lượng máy bay chiến đấu của Argentina có tới 200 chiếc. Các tổ lái Argentina lâu nay nổi tiếng là được huấn luyện tốt. Tất cả các điều kiện xem ra là ổn nên không thể không khích lệ các chiến lược gia Argentina “vuốt râu” con sư tử Anh già nua.

Thời kỳ đó, giới lãnh đạo chính trị-quân sự Anh chỉ tập trung hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển dựa trên các tên lửa hạt nhân Trident mà bỏ bê hải quân. Vì thế, hạm đội Anh rất chật vật khi cả 2 tàu sân bay đang hoạt động, một số tàu mặt nước cơ bản, những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất, phần lớn quân số bị cắt giảm vào năm 1982. Hơn nữa, vị thế “Chúa tể biển cả” của nước Anh cũng chẳng còn thuyết phục khi so với Pháp và về nhiều mặt (chất lượng và số lượng tàu nổi cơ bản) khi so với Nhật Bản. Vì thế, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Anh không thể phòng thủ chứ chưa nói đến chuyện chiếm lại quần đảo Falklands. Hiển nhiên, phía Argentina thừa biết những khó khăn và tâm trạng đó ở Anh.

Tuy nhiên, tháng 4/1982, một đội quân Anh kha khá được trang bị máy bay cường kích hạng nhẹ và trực thăng đã đổ bộ lên quần đảo. Quân Anh cũng đồng thời chiếm thêm đảo South Georgia.

Quần đảo Falklands nằm cách lục địa Argentina dưới 400 hải lý, trong khi cách mẫu quốc Anh 8.000 hải lý. Mùa đông Nam cực đang đến và chỉ còn chưa đầy 2 tháng là mùa đông bắt đầu. Tóm lại, đây không phải thời gian và địa điểm tốt nhất cho tác chiến, thậm chí cho việc đi biển thông thường. Nhưng mặc dù điều kiện không thuận lợi, Thống soái Hải quân (First Sea Lord) Anh, Đô đốc hạm đội Henry Leach đã đề nghị Thủ tướng Margaret Thatcher cho phép bắt đầu tổ chức một binh đoàn tác chiến gọi là Lực lượng đặc nhiệm (Task Force) để phái đến Nam Đại Tây Dương.

Chuẩn bị và thực hành tác chiến
Ở giai đoạn động viên và triển khai, việc xây dựng và triển khai bộ phận tiền trạm của Lực lượng đặc nhiệm bắt đầu từ trạng thái tập trận định kỳ Springtrain ở Gibraltar với các tàu tham gia tập trận. Các tàu này ở gần hơn 2.000 hải lý so với tâm điểm cuộc xung đột. Việc triển khai bắt đầu dưới sự lãnh đạo của Tư lệnh hải đoàn tàu nổi 1 (First Flotilla), Chuẩn đô đốc J. Forster 'Sandy' Woodward. Không lâu sau, các lực lượng còn lại của Lực lượng đặc nhiệm cũng đến tập trung.

Các tàu đầu tiên đến khu vực đặc quyền hoàn toàn TZE (Total Exclusion Zone, khu vực do Anh tuyên bố ngày 30/4/1982 bao trùm một đường tròn 200 hải lý (370 km) tính từ trung tâm quần đảo Falklands. Trong cuộc chiến Falklands, bất kỳ tàu thuyền, máy bay của bất kỳ nước nào đi vào TEZ có thể bị bắn không cần cảnh báo), nơi có thể tiến hành tác chiến chống Argentina, là 3 tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Anh. Người ta cho thế là đã quá đủ để củng cố vành đai phong tỏa được tuyên bố đối với quần đảo mà Argentina liên tục tăng cường bằng các lực lượng mới.

Ngoài biên đội tàu ngầm, biên chế lực lượng viễn chinh Anh còn được tăng cường thêm: Binh đoàn đặc nhiệm Task Group 317.8 (Carrier/Battle Group – Binh đoàn tàu sân bay/chiến đấu) với 2 tàu sân bay hạng nhẹ là nòng cốt và Binh đoàn đặc nhiệm đổ bộ Task Group 317.0 (Amphibious Task Group). Sau đó, Anh phái thêm đến vùng chiến sự một cụm tàu hậu cần.

Các tàu Anh đã phải vượt qua quãng đường 6.000-8.000 hải lý đến các khu vực hoàn toàn không có các dấu hiệu có bến đỗ ở bờ. Ở khoảng giữa hành trình triển khai là đảo Ascension, khu vực đất liền cuối cùng được sử dụng làm căn cứ phía sau.

Tại đây tiến hành tập kết các lực lượng chủ lực của Lực lượng đặc nhiệm (Task Force) 317 của Hạm đội Hoàng gia Anh, sau đó, Chuẩn đô đốc John Woodward báo cáo quyết tâm chiến dịch mà sau này được biết là có mật danh Corporate với Tư lệnh Hải quân Anh, Đô đốc J. Fieldhouse, người đứng đầu bộ chỉ huy được thành lập đặc biệt.

Trong khi đó, người ta cũng đã tiến hành lập kế hoạch, các buổi họp về tất cả các loại hình tác chiến, bảo đảm, hướng dẫn, định hướng, giao nhiệm vụ ban đầu cho các lực lượng, hoàn tất tiếp nhận vật tư dự trữ khi đỗ tại vũng tàu. Tiếp đó, mọi công việc diễn ra ở ngoài đại dương và thường là ngay trong khi hành tiến.

Ngày 18/4, hạm đội tiếp tục triển khai. Đô đốc Fieldhouse bay đi London để bảo vệ kế hoạch chiến dịch vốn được thông qua ở gần “khu vực tiền duyên” với lãnh đạo cấp cao nhất nước Anh, bảo vệ từng điểm trong kế hoạch mà không có thì không thể chỉ đạo cuộc chiến tranh đang diễn ra cách Bộ Hải quân Anh 8.000 hải lý.

Ý đồ cơ bản trong quyết tâm của Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm là mọi hành động, bao gồm cả việc tái chiếm quần đảo Falklands, phải hoàn thành chậm nhất là vào giữa tháng 6. Sau đó thì các điều kiện khí tượng-thủy văn sẽ không những không cho phép tiến hành tác chiến, mà các lực lượng hạm tàu và máy bay chi viện hỏa lực và bảo đảm cho lực lượng trên bờ cũng không thể ở đó được. Bằng cách tính lùi, căn cứ vào thời gian cần thiết tối thiểu cho hoạt động của lực lượng đổ bộ ở trên bờ, người ta đã xác định thời gian muộn nhất để bắt đầu đổ bộ là 20-21/5. Cũng bằng cách đó, người ta đã xác định được cả thời hạn để Lực lượng đặc nhiệm đến được khu vực TEZ để giành ưu thế trên biển và trên không là ngày 1/5.

Những phát súng đầu tiên của cuộc chiến đã vang lên, bản liệt kê tổn thất đã được mở tại đảo South Georgia, nơi một cụm tàu chiến thuật chuyên trách đã loại khỏi vòng chiến và chiếm giữ được tàu ngầm ARA Santa Fe (S-21) của Argentina và kéo cờ Anh lên.

Việc hoàn tất triển khai lực lượng được đánh dấu bằng một loạt các cuộc không kích vào các sân bay Port Stanley và Goose Green. Trước hết, một máy bay ném bom chiến lược Vulcan cất cánh từ đảo Ascension vào đêm 30, rạng sáng 1/5 đã thả bom từ độ cao lớn xuống Port Stanley. Các máy bay trên hạm Sea Harrier phát huy chiến quả lúc rạng sáng. Các tàu chiến mặt nước lúc đó tiến hành pháo kích các mục tiêu trên bờ và lùng sục kiểm tra tàu ngầm đối phương.

Trong các cuộc không chiến nổ ra, không quân Argentina có ưu thế gấp gần 10 lần, nhưng các máy bay Sea Harrier của Anh có hiệu quả cao hơn các tên lửa Sidewinder có trong trang bị của Không quân Argentina.

Nhiệm vụ chủ yếu của ngày đầu tiên là bí mật đổ bộ một nhóm đặc nhiệm để trinh sát các vị trí của đối phương và chọn địa điểm đổ bộ sắp tới.

Cuộc chiến đấu giành ưu thế trên biển khai diễn theo những nguyên tắc kinh điển và cực kỳ ác liệt. Hạm đội Argentina đã kịp thời triển khai chiến đấu, dàn thế trận chiến đấu bao quanh Lực lượng đặc nhiệm Anh vừa mới tới từ hai hướng đông bắc và tây nam. Họ trù tính sử dụng số lượng lớn máy bay triển khai trên bờ để thực hiện các đòn đánh nghi binh và bảo đảm.

Các tàu ngầm nguyên tử Anh đã không thể phát hiện được tàu nổi đối phương. Cuối cùng, khi tàu ngầm nguyên tử HMS Conqueror (S48) phát hiện được tàu tuần dương ARA General Belgrano của Hải quân Argentina thì bắt đầu xảy ra rắc rối liên quan tới công tác chỉ huy tàu ngầm không tốt, cũng như do khó theo dõi tàu nổi ở vùng nước nông. Dẫu sao thì cuối cùng, tàu tuần dương Argentina vẫn bị đánh đắm bằng ngư lôi.

Tuần dương hạm ARA General Belgrano bị đánh chìm là tổn thất nặng nề nhất của Hải quân Argentina trong cuộc chiến, buộc họ phải rút khỏi cuộc chiến

Người ta thường cho là chính việc tổn thất tàu tuần dương ARA General Belgrano đã buộc bộ chỉ huy Argentina đưa hạm đội quay về các căn cứ. Trên thực tế, Hải quân Argentina rất muốn báo thù, nhưng thời tiết đã cản trở họ mở cuộc tấn công chết chóc vào Lực lượng đặc nhiệm Anh. Hạm đội Argentina đã trở về căn cứ và sau đó không còn rời hải phậm nước này nữa.

Về hình thức thì việc tranh giành ưu thế trên biển có thể coi là hoàn thành ở đây, nhưng sự ác liệt trong giao tranh giữa lực lượng hai bên không hề suy giảm. Máy bay tiến công của Argentina đảm nhiệm vai trò tiến công chính và hạm đội Anh bắt đầu hứng chịu tổn thất lớn.

Tổn thất tàu khu trục HMS Sheffield (D80) có thể coi là do sự cẩu thả của hạm trưởng tàu này. Trong khi làm nhiệm vụ trực chiến phòng không/phòng thủ tên lửa, nhưng hạm trưởng lại cho tắt các radar trên tàu lại bị tắt đi, hạ cấp sẵn sàng chiến đấu, tàu không tổ chức phiên trực trên các mạng trao đổi thông tin và cảnh báo để có được kênh liên lạc vô tuyến điện có chất lượng tốt với London.

Tàu khu trục HMS Sheffield của Hải quân Anh sau khi trúng tên lửa Exocet

Kết quả là các máy bay Super Etendard bay thấp của Không quân Argentina đã bắn tên lửa hành trình Exocet vào tàu này. Mười ngày sau, tàu khu trục cùng loại, sống sót trong cuộc tấn công đó và chiến đấu dở ẹc là HMS Glasgow (D88) đã bị thương nặng. Bộ chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm sau đó đã có nghi ngờ về hiệu quả của các hệ thống tên lửa phòng tốt nhất Sea Dart và Sea Wolf của họ.

Xét về mức độ tổn thất, chiến sự đạt cường độ cao nhất khi bắt đầu đổ bộ, bởi vì còn lâu quân Anh mới giành được ưu thế trên không và vấn đề được giải quyết bằng cách “tiêu hao” giản đơn các máy bay Argentina đang lao vào khu vực đổ bộ và bỏ neo của các tàu đổ bộ và tàu vận tải của Anh.

Dính bom của một chiếc Skyhawk của Argentina, chiếc frigate HMS Antelope (F170) của Anh gãy đôi và chìm xuống biển. Ảnh: Hải quân Anh

Bản thân cuộc đổ bộ ngày 21/5 diễn ra thuận lợi, không có tổn thất, nhưng đến ngày 25/5, tổng số tàu Anh bị đánh đắm đã lên tới 4 chiếc, hầu như tất cả các tàu còn lại đều bị nhiều hư hại do chiến đấu. Cái giá phải trả khá cao mặc dù đã bảo toàn được tất cả các tàu đổ bộ và tàu vận tải, nhất là các tàu chở quân đổ bộ, cũng như các tàu sân bay.

Quân Anh phải chịu những tổn thất còn là vì hệ thống tên lửa phòng không Rapier không hiệu quả. Tổn thất về tàu của Anh ở đây đã có thể nặng nề hơn vô cùng nhiều nếu bộ chỉ huy Không quân Argentina chỉ huy các lực lượng của họ khôn khéo và sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, hoạt động tấn công bằng máy bay trên hướng chống đổ bộ, cũng giống như các hoạt động không chiến trước đó, đã làm Không quân và Hải quân Argentina tổn thất không dưới 1/3 tổng số máy bay sẵn sàng chiến đấu và mất những phi công lão luyện nhất.

Chính lúc đó, bộ chỉ huy Không quân Argentina thấy lực lượng máy bay của họ đã bị hao hụt quá nghiêm trọng và cái giá như thế cho quần đảo Falklands là không thể chấp nhận. Nhưng trước khi rời trận địa, Không quân Argentina vẫn muốn giáng đòn đau nhớ đời cho Hải quân Anh.

Chiến hạm Anh HMS Antelope nổ và chìm

Đó là vụ đánh đắm tàu chở container Atlantic Conveyor được hoán cải thành tàu chở máy bay. Trong cuộc tập kích được lên kế hoạch hoàn hảo của các máy bay Super Eténdard của Argentina tổ chức nhân quốc khánh Argentina, chiếc tàu chở container có độ bộc lộ radar giống với tàu sân bay HMS Hermes (R12) đã trúng 2 quả tên lửa Exocet. Một quả tên lửa được dẫn vào tàu Atlantic Conveyor, quả thứ hai sau khi bị lừa dẫn khỏi tàu HMS Hermes cũng lao vào Atlantic Conveyor và đánh bồi tàu này.

Chiếc tàu chất đầy các trang bị cực kỳ giá trị đối với lực lượng viễn chinh Anh là 3 trực thăng hạng nặng Chinook, 5 trực thăng Wessex, một lượng lớn bom chùm dự trữ cho các máy bay Harrier, trang thiết bị để xây dựng nhanh đường băng ở vịnh San Carlos, một số lượng lớn phụ tùng trực thăng, hàng hóa và trang bị dự phòng. Ngoài ra, chiếc tàu chở container vốn được cải hoán riêng theo kế hoạch động viên còn là tàu sân bay thứ ba của Lực lượng đặc nhiệm Anh.

Tuy nhiên, quân Anh đã chiếm được đầu cầu và binh sĩ cùng trang bị lên bờ, vì thế việc mất tàu Atlantic Conveyor tuy là điều không hay, nhưng không phải điều quyết định.

Hải quân Anh đã bảo toàn được các tàu sân bay mà đây mới là điều chủ yếu. Mặc dù chậm trễ, các hành động của quân Anh trên bờ diễn biến khá tốt và đến giữa tháng 6, quân Argentina đã phải quy hàng.

(còn tiếp)