Ukraine đã mất 8 binh lính trong ngày hôm qua (15/7) trong một diễn biến leo thang chiến sự đầy bất ngờ giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai. Tình hình này đe dọa phá vỡ lệnh ngừng bắn mong manh mà phương Tây đang tuyệt vọng tìm cách cứu vãn. Washington đang cử một đại diện đến Kiev trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy hai bên đối địch ở Ukraine tuân thủ nghiêm túc lệnh ngừng bắn.
Lực lượng ly khai cũng báo cáo về việc họ mất hai chiến binh và một dân thường trong các vụ giao tranh, bắn phá xảy ra ở khắp khu trung tâm công nghiệp của Ukraine.
Chính quyền Kiev cho biết, ngày hôm qua họ đã phải chứng kiến một vài trong số những cuộc tấn công mạnh mẽ nhất, ác liệt nhất của lực lượng ly khai kể từ khi thỏa thuận hòa bình Minsk được ký kết hồi tháng 2. Kiev cho hay, họ đã mất 8 binh lính chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ.
Ngược lại, quân ly khai tố cáo quân đội Kiev tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào họ, khiến 2 thành viên của quân ly khai và một dân thường thiệt mạng. Ngoài ra, còn có 7 người khác bị thương.
Đây là mức thương vong cao nhất xảy ra ở vùng chiến sự Ukraine trong vòng hơn một tháng qua.
Hơn 6.500 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine bùng lên hồi tháng 4 năm ngoái. Các cuộc tấn công đã giảm đi đáng kể kể từ sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết ở thủ đô Minsk, Belarus cách đây 5 tháng. Tuy nhiên, cả Kiev và lực lượng ly khai thường xuyên đổ lỗi, cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm.
"Tình hình ở vùng chiến sự tiếp tục xấu đi. Kẻ thù đã tăng cường đẩy mạnh các cuộc tấn công ở dọc nhiều khu vực chiến tuyến”, phát ngôn viên quân đội Ukraine – ông Andriy Lysenko đã nói như vậy. Ông này còn cáo buộc, quân ly khai đang sử dụng pháo binh hạng nặng bị cấm trong thỏa thuận Minsk và rằng các cuộc tấn công đang diễn ra ác liệt nhất ở gần hai thành phố nằm trên chiến tuyến là Svitlodarsk và Horlivka cũng như gần với các khu vực ngoại ô của Donetsk.
Hội đồng An ninh Ukraine cho hay, đợt bắn phá ngày hôm qua là một trong số “những đợt tấn công mạnh mẽ nhất kể từ khi thỏa thuận Minsk được ký kết”. Cũng theo hội đồng này, 16 binh lính Ukraine cũng bị thương nhưng không rõ là trong trận giao tranh ở đâu.
"Diễn biến mới nhất là một bằng chứng thêm nữa cho thấy nỗ lực của Nga và lực lượng con rối của họ nhằm phá vỡ thỏa thuận Minsk cũng như châm ngòi trở lại các hoạt động thù địch quân sự”, Hội đồng An ninh Ukraine cáo buộc.
Trong khi đó, quân ly khai tố cáo trên website của họ rằng, con số những cuộc tấn công mà quân đội Ukraine phát động nhằm vào họ đã tăng lên gấp đôi, từ 35 vụ trong ngày 14/7 lên 85 vụ trong ngày 15/7.
Tình hình chiến sự leo thang đầy bất ngờ và với một mức độ ác liệt chưa từng có trong nhiều tuần nay đã gây ra một làn sóng lo ngại lan khắp khu vực. Người ta lo sợ rằng, cuộc chiến Ukraine bùng phát trở lại, máu tiếp tục đổ và sẽ có thêm nhiều người dân vô tội thiệt mạng. Diễn biến này không tránh khỏi việc kéo theo cuộc đối đầu Đông-Tây thêm nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga với phương Tây. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu liên tục đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng. Điện Kremlin kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc trên.
Phương Tây mệt mỏi, chán nản với Ukraine
Liên Hợp Quốc tin rằng, hơn 6.500 người đã thiệt mạng và gần 1,5 triệu người mất nhà cửa do tình trạng bạo lực không dứt ở Ukraine. Tổng thống Petro Poroshenko từng cam kết sẽ giải quyết vấn đề bạo lực chỉ trong vòng vài ngày sau khi ông này được bầu lên hồi tháng 5 năm ngoái.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thân phương Tây của Kiev thay vào đó lại phải chứng kiến việc quân ly khai củng cố quyền kiểm soát của họ ở những khu vực miền đông Donetsk và Luhansk.
Giới lãnh đạo phương Tây đang mỗi lúc một chán nản, mệt mỏi khi tình hình Ukraine không những chẳng tốt lên mà tiếp tục xấu đi dưới thời chính quyền mới. Tổng thống Poroshenko được cho là miễn cưỡng ký vào thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 2 dưới sự làm trung gian của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Cả hai nhà lãnh đạo này đều là đồng minh của Kiev nhưng vẫn mở rộng kênh đối thoại với Moscow.
Bà Merkel và ông Hollande lập luận rằng, thỏa thuận ngừng bắn có thể được cứu vãn nếu Ukraine thông qua sửa đổi hiến pháp trong đó cho phép lực lượng ly khai kiểm soát các khu vực của họ trong vòng ít nhất 3 năm.
Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã đưa ra thông điệp trên với Tổng thống Ukraine trong cuộc họp hồi tuần trước và sau đó lại nhắc lại với Chủ tịch Quốc hội Ukraine tối hôm 14/7.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Kiev đến nay vẫn không muốn thực hiện thông điệp nói trên. Một quan chức cấp cao của Ukraine tin rằng, thế giới đang muốn biến cuộc khủng hoảng ở nước họ trở thành “một cuộc xung đột nội bộ” bởi họ đã chán nản không muốn giải quyết vấn đề cực kỳ khó chịu này. Kiev lâu nay vẫn coi cuộc khủng hoảng ở nước họ là một “cuộc đấu” Đông-Tây.
Kiệt Linh