Hành động dằn mặt này của Liên Xô đã khiến chính phủ Do Thái bỏ ý định dùng vũ khí hạt nhân tấn công Syria và Ai Cập.
Theo diễn đàn vk/russianarmynews (Nga) ngày 12.3.2016, vào tháng 10.1973 diễn ra cuộc chiến tranh Yom Kippur ở Trung Đông giữa Israel và Ai Cập cùng Syria. Lúc này lực lượng Israel bị tổn thất nặng nên chính phủ của nữ thủ tướng Golda Meir quyết định dùng vũ khí hạt nhân tấn công Cairo và Damascus. Liên Xô nắm được thông tin này liền quyết định hành động cảnh cáo Israel.
Sáng 13.10.1973, thiếu tá không quân Alexander Danilovich Vertievets tại căn cứ Akhtubinsk ở vùng Astrakhan (Liên Xô) nhận lệnh trực chiến. Lúc 6 giờ 15 phút ông được chỉ huy trao 1 bức điện đóng dấu tối mật. Ông mang bức điện và theo các kỹ thuật viên vào nhà chứa máy bay, rồi Vertievets leo lên chiếc tiêm kích hiện đại nhất, cũng bí mật nhất của Liên Xô lúc đó là MiG-25, bay nhanh gấp 3 lần vận tốc âm thanh (3.600 km/giờ). Khi ngồi trong buồng lái, ông bóc bức điện ra, bên trong là bức điện khác có ghi chú “Đặc biệt quan trọng, xem xong huỷ ngay”.
Lúc 8 giờ 12 phút, trên màn hình radar ở sở chỉ huy không quân tại thủ đô Tel Aviv (Israel) xuất hiện một chấm sáng. Lệnh báo động vang lên. Chấm sáng này di chuyển từ đông bắc sang tây nam và tiến sát Tel Aviv. Ba tiêm kích Mirage (Pháp chế tạo) bay lên truy cản, sở chỉ huy không quân liên lạc vô tuyến yêu cầu máy bay lạ hạ cánh. Tuy nhiên dù nói bằng tiếng Ả Rập lẫn tiếng Anh, máy bay lạ không trả lời.
Khi phát hiện mục tiêu trên radar, các máy bay Mirage không bám được chiếc máy bay lạ bay quá nhanh, nên phóng tên lửa Hawk nhưng không trúng mục tiêu. Không những thế, chiếc máy bay lạ còn lượn qua lại đến 6 vòng trên bầu trời Tel Aviv ở độ cao hơn 21 km. Máy bay F-4 Phantom cất cánh rượt đuổi bắn tên lửa cũng không hạ được chiếc máy bay lạ bay cực nhanh đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel, tướng độc nhãn Moshe Dayan tức tốc đến báo cáo vụ việc cho Thủ tướng Golda Meir, nhưng ông phát hiện bà đang xem thư của các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô gửi cho bà, kêu gọi Israel không nên sử dụng vũ khí hạt nhân. Nghe ông Dayan báo cáo về chiếc máy bay bí ẩn, bà Golda Meir hiểu ra rằng đây chính là hành động cảnh cáo của Liên Xô với Isarel.
Sau đó bà Golda Meir liên lạc với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger và các quan chức cấp cao Mỹ khác, yêu cầu viện trợ quân sự; và đã nhận được từ Mỹ các vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay, tên lửa qua cầu không vận. Doanh nghiệp Israel ở Mỹ cũng gửi về 2,5 tỉ USD. Cùng lúc các nhà ngoại giao Israel cấp tập tiếp xúc vua Hussein của Jordan và vua Hassan II của Morocco để nhờ họ thuyết phục Ai Cập và Syria chấp nhận ngừng bắn với Israel.
Tiêm kích bay cực nhanh MiG-25 của Liên Xô |
Máy bay MiG-25 do phi công Viktor Belenko lái bay sang Nhật Bản xin tị nạn năm 1976 - Ảnh: Không lực Mỹ |
Màn trình diễn ấn tượng của chiếc tiêm kích MiG-25 trên bầu trời Tel Aviv ngày 13.10.1973 không chỉ xua tan huyền thoại về tính bách chiến bách thắng của Israel mà còn khiến Thủ tướng Golda Meir huỷ bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống Ai Cập và Syria. Radar của Israel lúc đó ghi nhận vận tốc của chiếc máy bay Liên Xô lên đến 3.395 km/giờ.
Tháng 4.1974, cả bà Golda Meir và ông Moshe Dayan đều từ chức sau khi thất bại trong vòng bầu cử. Còn thiếu tá không quân Alexander Danilovich Vertievets nhờ thành tích bay lượn trên bầu trời Tel Aviv được thưởng huân chương Anh hùng Liên Xô, tuy nhiên trong danh sách những người nhận huân chương lại không tìm thấy tên ông. Thậm chí người ta cũng chẳng thấy tấm ảnh nào của viên thiếu tá này cả.
Chiếc máy bay MiG-25R nói trên do viện thiết kế của các tổng công trình sư Mikoyan và Gurevich chế tạo cuối những năm 1960, có thể bay cao 23 km, tốc độ 3.600 km/giờ, gấp 3 lần vận tốc âm thanh, vượt khỏi tầm khống chế của các hệ thống phòng không của đối phương. Đây là chiếc máy bay bay nhanh thứ 2 thế giới sau chiếc máy bay trinh sát SR-71 của Mỹ (3.900 km/giờ, gấp 3,2 lần vận tốc âm thanh).
Mãi đến năm 1976, khi phi công Victor Belenko lái tiêm kích MiG-25 từ Viễn Đông Nga bay sang Nhật Bản xin tị nạn, Mỹ và phương Tây mới có thể tiếp cận được chiếc máy bay này để tìm hiểu tính năng của nó. MiG-25 sản xuất đến năm 1984 thì ngưng, với tổng cộng 1.190 chiếc ra lò.
Thế hệ sau của MiG-25 là MiG-31 chuyên dùng đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình, tốc độ 3.000 km/giờ.
Anh Sơn