Chiếc thủy phi cơ săn ngầm yểu mệnh của Liên Xô

Kỹ sư tài năng người Italy dày công nghiên cứu chiếc máy bay săn ngầm kỳ dị VVA-14, nhưng nó rơi vào lãng quên khi vừa bay được 130 giờ.
Chiếc máy bay VVA-14 có hình thù khá kỳ dị. Ảnh: Testpilot
Chiếc máy bay VVA-14 có hình thù khá kỳ dị. Ảnh: Testpilot

Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã liên tục tiến hành các hoạt động do thám sức mạnh quân sự của nhau. Việc tìm cách vượt mặt nhau trong hoạt động do thám đã dẫn đến sự ra đời của một số khí tài quân sự khá kỳ lạ, một trong số đó là Bartini Beriev VVA-14, chiếc thủy phi cơ săn ngầm hình thù kỳ lạ nhất của Liên Xô, theo BussinessInsider.

Chiếc thủy phi cơ có chiếc phao hình thù kỳ dị này do kỹ sư Robert Bartini người gốc Italy thiết kế. Đây là loại máy bay lưỡng dụng cất, hạ cánh thẳng đứng được chế tạo để đối phó với các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Nó có thể bay lướt trên mặt nước để theo dõi các mục tiêu dưới lòng biển và tránh bị tàu ngầm đối phương tấn công.

Năm 1959, Cục Thiết kế Beriev của Liên Xô nghiên cứu một phương tiện khổng lồ có tên gọi M Seaborne có thể cất cánh khỏi mặt nước và bay xa với tốc độ cao. Ban đầu một phương tiện như vậy được xem là nhu cầu cấp thiết để tiêu diệt các tàu ngầm tên lửa của hải quân Mỹ, nhưng nó còn có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác. Ý tưởng này sau đó được sử dụng để chế tạo ra các máy bay Be-2500 và cuối cùng được định danh là M-62 hay MVA-62.

Sau đó, Cục Thiết kế Beriev được lệnh phối hợp với kỹ sư Bartini chế tạo ba nguyên mẫu thủy phi cơ VVA-14 để thử nghiệm khả năng tìm kiếm cứu hộ trên không và trên biển, săn tìm tàu ngầm và tàu mặt nước đối phương và tuần tra dọc bờ biển Liên Xô.

VVA-14M1 là nguyên mẫu đầu tiên được trang bị các phao cứng ở đầu mút cánh để thử nghiệm công nghệ và khí động học. Nguyên mẫu thứ hai, VVA-14M2, có các tính năng tiên tiến hơn như động cơ nâng giúp nó có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) và điều khiển điện tử (fly-by-wire). Chiếc thứ ba là một phương tiện VTOL đẩy đủ trang bị và tích hợp hệ thống tác chiến chống ngầm bằng máy tính Burevestnik, hệ thống phát hiện từ trường Bor-1 MAD và các trang bị hoạt động khác.

Năm 1972, sau nhiều nghiên cứu sâu rộng và thử nghiệm mô phỏng, chiếc máy bay nguyên mẫu đầu tiên, số hiệu 19172 được chế tạo. Ngày 4/12/1972, máy bay này được thử nghiệm ở trường không quân Taranrog WS, tuy nhiên nó gặp trục trặc với hệ thống ống thủy lực.

Thủy phi cơ VVA-14 được chế tạo bằng hợp kim nhẹ với vẻ ngoài trông giống chiếc bánh sand-wich hình chiếc tổ ong. Bộ khung dựa vào thân, cánh giữa ngắn và các phao giống điếu thuốc xì gà nâng phần đuôi. Phía sau ở phần giữa máy bay là hai động cơ chính. Các động cơ khởi động được gắn vào các bên mũi máy bay và khoang động cơ nâng được bố trí ở giữa.

VVA-14 thử nghiệm trên mặt nước.

VVA-14 có chiều dài gần 26 m, sải cánh 28,5 m, cao 6,79 m khi trang bị các phao. Tổng trọng tải cất cánh tối đa của nó là 52 tấn. Máy bay có tốc độ tối đa 760 km/h ở độ cao 6 km, bay hành trình 640 km/h và bay tuần tra 360 km/h với tầm hoạt động 2.450 km, trần bay 8.000-10.000 m. Ngoài ra nó được trang bị hai ngư lôi, 8 mìn IGDM-500 và 16 quả bom PLAB-250-120.

Các động cơ đẩy tuốc bin Solov’yov D-30M tạo ra lực đẩy 6.800 kg mỗi chiếc. Các động cơ khởi động được trang bị thiết bị làm lệch lực đẩy kiểu tầng gồm 12 quạt tuốc bin RD-36-35 PR lực đẩy 4.400 kg mỗi chiếc.

Khoang lái chứa ba ghế phóng K-36L dành cho phi công lái, hoa tiêu và người vận hành hệ thống vũ khí. Việc kiểm soát bay được kết nối thông qua các hệ thống lái tự động SAU-M và tổ hợp dẫn đường quân sự cùng hệ thống khai hỏa vũ khí. Khi máy bay thực hiện cất/hạ cánh thẳng đứng, hệ thống phản ứng - kiểm soát được kích hoạt với 6 đôi ống phóng khí công suất cao ở đầu dọc cánh.

Nguyên mẫu VVA-14M1 mang số hiệu 19172. Ảnh:Wikimedia

Nguyên mẫu VVA-14M1 mang số hiệu 19172. Ảnh:Wikimedia

Sau các cải tiến cần thiết, chiếc thủy phi cơ lần đầu tiên cất cánh vào ngày 11/6/1975. Những người chứng kiến đã kinh ngạc khi nhận thấy các phao làm bằng cao su không bị biến dạng ở tốc độ cao trên không, đúng như những gì Bartini dự đoán. Tuy nhiên, ở dưới nước, các phao này bị giới hạn ở vận tốc 36km/h nên sau đó chúng bị thay thế bằng phao cứng. Thân trước máy bay được kéo dài và bổ sung thêm các động cơ khởi hành.

Mặc dù vậy, việc Bartini qua đời năm 1974 khiến chương trình này bị chậm lại, và cuối cùng bị ngừng hẳn, khi Liên Xô không thể chế tạo được động cơ giúp máy bay cất cánh thẳng đứng từ mặt nước. Các động cơ đẩy gây hiệu ứng cộng hưởng làm vỡ cửa máy bay và gây ra sự va đập lên cánh tà sau. Phương tiện này không bao giờ có thể cất cánh nữa, tuy nhiên nó vẫn được thử nghiệm khả năng cơ động trên mặt biển sau khi được trang bị thêm các động cơ đẩy. Cục Thiết kế Beriev sau đó dành ưu tiên cho việc nghiên cứu phát triển các máy bay A-40, A-50 và IL-78.

Nguyên mẫu VVA-14 thứ hai chưa kịp hoàn thiện bị hỏng sau một vụ cháy, còn kế hoạch chế tạo chiếc thứ ba bị hủy ngay từ đầu. Nguyên mẫu đầu tiên chỉ thực hiện được 107 chuyến bay thử nghiệm với vỏn vẹn 130 giờ bay, trước khi bị tháo rời và kéo về bảo tàng Monino trong tình trạng hoang phế.

Theo VnExpress