Chỉ biết "đốt tiền", số phận siêu trí tuệ nhân tạo DeepMind đi về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cha đẻ của AlphaGo vẫn chưa hình dung được bước đi tiếp theo của mình sẽ đi về đâu trong trò chơi nghiên cứu và kinh doanh. 
Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Tại Hội nghị các nhà phát triển Google (Google I/O) những năm gần đây, CEO Sundar Pichai luôn dành nhiều thời gian nhất để nói về trí tuệ nhân tạo AI.

Năm 2017, Pichai tuyên bố rằng thế giới đang trải qua một cuộc chuyển đổi công nghệ lớn: ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực. Về xu hướng, những ông lớn công nghệ sẽ không bao giờ nhận thức muộn.

Ngay từ năm 2014, Google đã đánh bại Facebook và bỏ ra 600 triệu USD để mua lại công ty khởi nghiệp AI DeepMind, trong 7 năm sau đó, hãng đã không ngần ngại hỗ trợ tài chính cho công ty này. DeepMind nổi lên như một hiện tượng năm 2016 khi chương trình trí tuệ nhân tạo AlphaGo của họ đánh bại kiện tướng cờ vây Hàn Quốc - Lee Sedol.

Nhưng mới tuần trước, Wall Street Journal đã tiết lộ rằng DeepMind đã đàm phán với Google trong nhiều năm với hy vọng có được quyền tự chủ hoạt động và một khuôn khổ pháp lý độc lập. Cuộc đàm phán kéo dài này chưa hề được báo cáo trước đây. Vào cuối tháng trước, DeepMind thất bại, Google đã từ chối yêu cầu của họ. Google đang thắt chặt quyền kiểm soát đối với việc nghiên cứu và phát triển AI.

Đầu năm nay, DeepMind lần đầu tiên đưa ra dự đoán cấu trúc protein quan trọng AI-AlphaFold 2 và phiên bản nâng cao của AlphaGo. Trong khi liên tục tạo ra những kết quả đáng kinh ngạc này, DeepMind không thể che giấu khoản lỗ hàng trăm triệu USD mà nó mang lại cho công ty mẹ Google mỗi năm.

Tuy nhiên, Google đủ sức "chiều chuộng" DeepMind khi nói rằng họ sẽ tiếp tục đầu tư vốn nghiên cứu và thậm chí hủy bỏ một số khoản nợ sau này. Chính xác thì toan tính của Google là gì? Tại sao DeepMind luôn đề phòng "sự chiều chuộng của Google" và cố gắng giành quyền tự chủ?

Google tài trợ khủng cho DeepMind

Văn phòng Google tại San Francisco.
Văn phòng Google tại San Francisco.

Tháng 8/2010, một diễn giả trông giống như một sinh viên đại học bước lên bục của Hội nghị Thượng đỉnh Singularity và nói, "Hôm nay, tôi sẽ cho bạn biết cách xây dựng AGI (Trí tuệ Chung Nhân tạo - Artificial General Intelligence) theo một cách hoàn toàn khác."

AGI là một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng đưa ra lý lẽ (dựa trên những dữ liệu đã có) cho nhiều lĩnh vực khác nhau, bên cạnh đó là ứng dụng những kỹ năng đã học và những vấn đề nó chưa từng gặp trước đây. Con người bị giới hạn bởi cơ thể của họ, nhưng giới hạn trên của khả năng của AGI được xác định bởi số lượng bộ xử lý.

Người đứng trên sân khấu là Demis Hassabis, 3 tháng sau ông chính thức thành lập DeepMind.
Người đứng trên sân khấu là Demis Hassabis, 3 tháng sau ông chính thức thành lập DeepMind.

Ngay từ đầu, Hassabis đã rất chú trọng đến tính độc lập của DeepMind, và không muốn các nghiên cứu trong tương lai bị can thiệp bởi "bậc thầy tài trợ", và thậm chí còn lên kế hoạch để công ty "nuôi sống" các nghiên cứu AI thông qua thiết kế các trò chơi.

Ứng dụng trò chơi Theme Park

Ứng dụng trò chơi Theme Park

Trong những năm đầu, Hassabis đã tạo ra một trò chơi có tên là Theme Park, trong trò chơi này, người chơi có thể thiết kế và vận hành một công viên giải trí ảo, trò chơi này đã bán được tới 15 triệu bản.

Ngay từ một năm trước khi được Google mua lại, DeepMind đã yêu cầu Google ký một thỏa thuận có tên "Thỏa thuận đánh giá đạo đức và bảo mật". Thỏa thuận quy định rằng bất cứ khi nào công nghệ cốt lõi AGI được nghiên cứu thành công, nó sẽ phải tuân theo một "Ủy ban đạo đức". Ba người sáng lập DeepMind đều có quyền kiểm soát.

Trước đó, DeepMind đều không có bất kỳ kết quả thương mại hóa nào. Theo Humayun Sheikh, người đồng sáng lập DeepMind sau này cho biết: "Nếu Google không mua lại DeepMind với giá 600 triệu USD vào năm 2014, Phòng thí nghiệm AI ở London của họ có thể đã phá sản".

Hơn nữa, Google đã vung quá nhiều tiền cho DeepMind. Hassabis đã yêu cầu Google ký trước một thỏa thuận để cho phép DeepMind hoạt động độc lập và có được dòng tiền và sức mạnh tính toán do Google cung cấp mà không bị mất quyền kiểm soát.

Năng lực tự lái mạnh mẽ của công ty khởi nghiệp, sự hỗ trợ tài chính ổn định, bản thân Hassabis và những nhân tài Google tuyển dụng về, hành trình xây dựng đế chế AGI của Hassabis đã có một khởi đầu thuận lợi.

Xích mích giữa DeepMind và Google

Năm 2016, trí tuệ nhân tạo AlphaGo của DeepMind đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới.
Năm 2016, trí tuệ nhân tạo AlphaGo của DeepMind đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới.

Năm 2016, AlphaGo đánh bại kỳ thủ xuất sắc nhất Hàn Quốc, Lee Sedol và đánh bại kỳ thủ số một thế giới Ke Jie tại Hội nghị thượng đỉnh cờ vây năm 2017.

AlphaGo được xây dựng dựa trên phương pháp AGI mà Hassabis đề cập vào năm 2010. DeepMind đã nhập trước "dữ liệu con người", "lĩnh vực kiến ​​thức" và "luật chơi" cho AI cờ vây này, và trong mắt nhiều người, AlphaGo dường như đã tự "động não": chơi một cách tinh tế và không mệt mỏi.

AI này đã thiết lập một cột mốc quan trọng trong lịch sử trí tuệ nhân tạo. Sau đó nhiều người thường biết đến DeepMind với cái tên Google DeepMind, nhưng cái mác "Google" đã từ từ biến mất.

Thông qua những tiết lộ của The Information vào năm 2018, những xích mích liên tục xảy ra giữa DeepMind và công ty mẹ.

Báo cáo đề cập rằng công ty mẹ đã đề nghị DeepMind tiếp quản bộ phận robot của Google, nhưng Hassabis đã từ chối. Trong mắt ông Hassabis, Boston Dynamics không có nhiều nội dung về AI và việc tiếp quản bộ phận này đồng nghĩa với việc khiến ông mất tập trung vào AI.

Trong thời gian đó, hoạt động kinh doanh của Google Cloud đang trở nên trầm lắng và ban lãnh đạo muốn sử dụng ảnh hưởng của DeepMind trong ngành để đánh bóng thương hiệu của Google Cloud, chẳng hạn như với từ "Powered by DeepMind". DeepMind cảm thấy rằng các mục tiêu thị trường không rõ ràng của Google Cloud sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của DeepMind.

Ngoài ra, trong quá trình cộng tác của YouTube và DeepMind để cải thiện thuật toán đề xuất, hai bên xảy ra tranh chấp về lượng dữ liệu nên cuối cùng dự án đã bị dang dở.

Ngoài ra đôi bên còn có những xung đột gay gắt hơn, bởi vì Google ban đầu cũng có một bộ phận AI, Google Brain (sau này được đổi tên thành Google AI). Vào thời điểm đó, một số nhân viên của Google Brain bày tỏ sự ngạc nhiên trước thương vụ mua lại DeepMind.

Nghiên cứu của Google Brain tập trung vào một số mục tiêu thiết thực hơn, chẳng hạn như tối ưu hóa chức năng nhận dạng hình ảnh của bản đồ và nâng cao khả năng nhận dạng giọng nói của các thiết bị Android. Tuy nhiên, DeepMind không đi theo mục tiêu trên và đã nộp hóa đơn thua lỗ lớn cho công ty mẹ.

Sau đó, DeepMind đã bắt đầu làm những điều thực tế hơn. Tháng 2/2016, DeepMind đã thành lập một bộ phận mới: DeepMind Health. Bộ phận mới đã tạo ra một chương trình tên Streams, chương trình này sẽ cảnh báo các bác sĩ khi sức khỏe của bệnh nhân xấu đi.

Google dường như đã cảm nhận được cơ hội kinh doanh. Cuối năm 2018, họ đã thông báo thành lập bộ phận chăm sóc sức khỏe của riêng mình, Google Health và sáp nhập DeepMind Health chỉ 5 ngày sau đó. Mặc dù người phát ngôn của DeepMind nói rằng đây là một sự thay đổi hợp lý, vì chuyên môn của DeepMind là nghiên cứu về AI, và Google sẽ triển khai dịch vụ này sau đó quảng bá cho hàng trăm triệu người. Nhưng theo một số nguồn tin, việc thôn tính của Google đã khiến DeepMind Health tức giận. Nhiều nhân viên đã rời công ty.

"Năm 2014, Google mua lại DeepMind vì họ đặt nhiều hy vọng vào tiềm năng kỹ thuật của DeepMind. Là bên bị mua lại, sau khi đàm phán và thỏa thuận, DeepMind sẽ tiếp tục hoạt động độc lập", DeepMind đăng tuyên bố này trên trang web chính thức của mình vào thời điểm đó, điều bất ngờ là Google lại lật lọng.

Ông Hassabis nói rằng chưa rõ liệu Google có áp dụng logic tương tự cho AGI hay không. Không ai biết được khi nào thì "ông lớn" này sẽ "nẫng tay trên".

Đốt tiền nhưng "không ra tiền", "cửa ải sinh tử" của AI hiện nay

Kể từ khi DeepMind chính thức được thành lập vào năm 2010, nó chưa bao giờ mang lại lợi nhuận.

Vào cuối năm 2020, DeepMind đã tiết lộ báo cáo tài chính của mình, khoản lỗ năm 2019 lên tới 675 triệu USD, tăng 1,5% so với mức lỗ 665.6 triệu USD năm 2018.

Mặc dù lỗ tiếp tục tăng nhưng so với các năm trước, mức tăng lỗ đã giảm và doanh thu tăng lên đáng kể: doanh thu năm 2019 đạt 376.7 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 145.8 triệu USD năm 2018. Tuy nhiên, không dễ để DeepMind chuyển lỗ thành lãi.

Dữ liệu cho thấy hầu hết khách hàng chính của DeepMind đến từ Google, YouTube và Waymo. Các kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng chủ yếu được áp dụng cho các công ty này. Ví dụ: AI của DeepMind được Google sử dụng cho trợ lý giọng nói và các nhiệm vụ trung tâm quản lý dữ liệu.

Điều này cho thấy công nghệ AI của DeepMind vẫn chưa được áp dụng cho thị trường.

Thật khó để DeepMind vừa nhận tài trợ liên tục của Google trong khi vẫn duy trì một nghiên cứu AI thuần túy và lý tưởng. Mặt khác, công ty cũng bị ràng buộc bởi Google và đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về thương mại.

Trong mảng của Alphabet, DeepMind không giống như công ty tự lái Waymo, y tế Verily, quỹ đầu tư mạo hiểm GV và các công ty khác đã hoạt động độc lập. Công ty được phân loại vào "Các loại cá cược khác" và không thể phát triển độc lập. Điều đó cũng có nghĩa là không thể thu được tài chính từ bên ngoài.

Hassabis đã tìm kiếm một cấu trúc pháp lý với lý do rằng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ mà DeepMind đang phát triển không nên bị kiểm soát bởi một tổ chức công ty duy nhất. Nhưng giờ đây, những nỗ lực bao năm qua của Hassabis cũng bị dồn ép. Người ta nói rằng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của DeepMind và các ứng dụng của nó sẽ được xem xét bởi một ủy ban đạo đức chủ yếu bao gồm các giám đốc điều hành cấp cao của Google.

"Nghiên cứu thương mại hóa của DeepMind có những sai sót lớn. Họ đang xây dựng một phòng thí nghiệm lý tưởng, điều đó là tốt, nhưng xét cho cùng thì ai cũng cần kiếm tiền," theo giám đốc điều hành của Prowler.io, một công ty khởi nghiệp về AI.

Ông cũng nói rằng DeepMind bị ám ảnh bởi mục tiêu dài hạn là giải quyết "trí tuệ nhân tạo chung", điều này khiến họ không thể tập trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn trong thế giới thực, có tiềm năng chuyển thành sản phẩm. DeepMind cần chuyển trọng tâm từ việc xây dựng một "hộp đen vạn năng giải quyết mọi vấn đề" sang một "phương pháp xử lý thực tế".

Sự ra đời của các kết quả nghiên cứu khoa học thường được đo lường qua nhiều thập kỷ. Và việc Hassabis theo đuổi "trí tuệ nhân tạo" AGI thậm chí còn nằm ngoài tầm với.

AlphaGo đã phát triển thành MuZero vào đầu năm nay. MuZero không giống như người tiền nhiệm, nó không biết luật chơi trước khi chơi cờ và trò chơi, nó hoàn toàn thông qua những thử nghiệm và khám phá của chính mình để hiểu được luật của bàn cờ và trò chơi, từ đó hình thành những quyết định của riêng mình. Nói cách khác, AI sẽ tự "sử dụng bộ não của mình".

Và Hassabis, cha đẻ của những phát minh AI tuyệt vời này, vẫn chưa hình dung ra bước đi tiếp theo của mình trong cuộc chơi giữa nghiên cứu và kinh doanh.

Theo NetEase