Chỉ 2 năm, thế giới Android đã thoát khỏi sự ám ảnh của 'tai thỏ'

Tuy nhiên, Apple có thể vẫn mắc kẹt với thiết kế này ít nhất đến năm 2020.

Năm 2017, Apple công bố chiếc iPhone X với phần màn hình khoét đỉnh được gọi theo biệt danh “tai thỏ”. Thiết kế khác lạ đó là giải pháp tạm thời của Apple để làm một điện thoại “toàn màn hình”, và nó nhanh chóng được các hãng Android học hỏi.

Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ sự thua kém về công nghệ, nguồn cung hạn chế đến khát vọng thể hiện sự sáng tạo đã giúp các hãng Android tìm ra một loạt giải pháp mới cho phần khoét màn hình, thậm chí đã nghĩ đến tương lai gần không cần tồn tại màn hình khuyết đỉnh nữa.

Trong khi đó, Apple vẫn dậm chân tại chỗ với “tai thỏ” ít nhất là đến thế hệ iPhone 2020.

Màn hình khuyết đỉnh - chỉ sao chép về ngoại hình chứ không học được công nghệ

iPhone X là sản phẩm đặc biệt đánh dấu 10 năm dòng iPhone, do vậy thiết kế của nó cũng phải khác biệt. Nhà thiết kế trưởng của Apple, Jony Ive hình dung chiếc iPhone X phải “giống như một tấm kính”. Đó là lý do Apple phải tìm cách loại bỏ tối đa phần viền của màn hình.

Màn hình OLED uốn cong là bí quyết giúp Apple làm được phần viền dưới màn hình rất mỏng trên iPhone X. Ảnh: Apple.

Thiết kế khuyết đỉnh màn hình giúp Apple vừa có thể trang bị camera trước cùng các cảm biến cần thiết cho Face ID, vừa làm màn hình đến sát các cạnh. Họ thậm chí còn đặt màn hình OLED uốn cong đặc biệt từ Samsung, giúp mạch điều khiển có thể đặt nằm dưới màn hình chứ không phải nằm ở đuôi máy như các smartphone khác.

Tất nhiên, vẫn còn những hạn chế mà Apple chưa vượt qua được. Vào năm 2017, họ chưa có cách nào để tích hợp camera trước cùng cảm biến vân tay xuống dưới màn hình. Do đó Apple vừa phải khoét màn hình, vừa phải thay cảm biến vân tay bằng Face ID, một chi tiết khiến nhiều người tiếc nuối.

Màn hình khuyết đỉnh, do vậy, vừa cho thấy những hạn chế công nghệ mà Apple chưa thể vượt qua, vừa cho thấy hãng này vẫn đi đầu về những giải pháp công nghệ ở thời điểm năm 2017.

Không lâu sau, thế giới Android tràn ngập những thiết bị sao chép nửa vời phần khuyết của iPhone X. Ảnh: The Verge.

Năm 2018, các hãng Android ồ ạt chạy theo xu hướng thiết kế đó của Apple. Tuy nhiên phần lớn các hãng chỉ sao chép được bề ngoài phần khuyết màn hình mà chưa thể sao chép các công nghệ của Apple. Mãi đến giữa năm 2018, các mẫu máy cao cấp của Huawei, Xiaomi mới được tích hợp cụm cảm biến mở khóa khuôn mặt gần tối tân như iPhone X.

Do không thể đặt màn hình uốn cong từ Samsung, phần viền dưới của những thiết bị sao chép cũng rất dày, không mỏng đều như iPhone X. Việc chạy theo ngoại hình mà không sao chép được công nghệ cho thấy sự vượt trội của Apple so với thế giới Android, ít nhất là đến nửa đầu năm 2018.

Những nỗ lực sáng tạo dù chưa hoàn hảo của thế giới Android

Lợi thế của các nhà sản xuất Android so với Apple là sự đa dạng. Với hàng chục hãng điện thoại, trong đó có khoảng gần 10 thương hiệu nổi bật, thế giới Android đủ khả năng và động lực để tìm ra những giải pháp thay thế thay vì sao chép Apple.

Vivo là thương hiệu mở màn cho trào lưu camera trượt với chiếc NEX. Không lâu sau, người anh em Oppo ra mắt mẫu Find X với cụm camera trước, sau và các cảm biến trượt từ trong thân máy.

Oppo Find X là một trong những điện thoại đầu tiên có camera trượt. Ảnh: Xuân Tiến.

Cuối năm 2018, Xiaomi cũng theo bước với mẫu Mi Mix 3 dùng camera trượt. Oppo tiếp tục nghĩ ra một thiết kế còn độc đáo hơn với chiếc Reno, sử dụng cơ cấu trượt kiểu “vây cá mập”. Samsung cũng chọn cách làm mới cho giải pháp tương tự, đó là chiếc Galaxy A80 với cơ chế camera vừa trượt, vừa xoay.

Dù tạo ra ngoại hình độc đáo, việc bộ phận camera phải chuyển động trượt, xoay mỗi lần muốn chụp ảnh có thể khiến độ bền của các mẫu máy này thấp hơn so với thiết kế thông thường.

Các hãng luôn khẳng định họ đã thử nghiệm kỹ càng và đưa ra những con số hàng chục nghìn lần hoạt động, tương đương 8-10 năm sử dụng. Dù vậy, độ bền vẫn là thứ đáng lo nhất của thiết kế camera trượt.

Samsung Galaxy S10 sử dụng giải pháp khoét lỗ camera ngay bên trong màn hình. Ảnh: Lê Trọng.

Ngoài camera trượt, các hãng Android còn nghĩ tới giải pháp khoét camera trước nhỏ hơn, giúp giảm kích thước phần khuyết màn hình. Samsung Galaxy S10 có lỗ khoét nằm ở góc cho camera trước, còn Huawei P30 Pro thì dùng thiết kế kiểu “giọt nước”. Đây là thiết kế vừa đến gần mục tiêu “tràn viền”, vừa đảm bảo độ bền của sản phẩm.

Đối với cảm biến vân tay, các hãng Android đã tích hợp cảm biến quang học dưới màn hình từ năm 2018. Tới năm 2019, Samsung đưa cảm biến siêu âm với độ chính xác cao hơn, dùng được cả khi tay ướt.

Hiện tại, các hãng smartphone Android đều đã nghĩ ra giải pháp để thay thế cho "tai thỏ", dù chưa giải pháp nào hoàn hảo.

Vượt qua cái bóng Apple

Đầu tháng 6, Oppo và Xiaomi liên tiếp tiết lộ thiết kế camera trước đặt dưới màn hình. Theo mô tả của Xiaomi, họ sử dụng công nghệ "kính phản xạ thấp và độ truyền dẫn cao" ngay phía trên camera.

Trong bản vẽ do Phó chủ tịch Xiaomi Wang Xiang chia sẻ, 2 lớp điện cực của tấm màn hình được làm từ vật liệu có độ phản xạ thấp, gần như là trong suốt. Xiaomi thậm chí cho biết phần kính này còn đóng vai trò như một thấu kính cho máy ảnh trước.

Xiaomi cho biết đã tích hợp được camera trước vào phía dưới màn hình. Ảnh: Xiaomi.

Thiết kế này khi thành hiện thực sẽ giúp cho smartphone tương lai có thể tràn viền mà không cần đến phần khuyết màn hình, cũng chính là tham vọng mà Apple hướng đến.

Tất nhiên, thiết bị của cả Xiaomi và Oppo đều chỉ là bản thử nghiệm, được chia sẻ trong những video chất lượng trung bình nên khó mà nhận xét được chất lượng hiển thị ở phần màn hình phía trên camera.

Theo Ars Technica, việc sản xuất chất liệu kính vừa đảm bảo hiển thị tốt, vừa đảm bảo độ "trong suốt" như thấu kính cho camera là rất khó. Do vậy, các hãng mới chỉ thử nghiệm chứ chưa đưa vào được sản phẩm thương mại, thậm chí là năm 2020 chưa chắc đã có.

Không cần phải chờ đến năm 2025 như dự đoán trong bức hình này, người dùng sẽ sớm có smartphone màn hình tràn viền đúng nghĩa. Ảnh: Reddit.

Dù vậy, chặng đường hơn 1 năm qua cho thấy nỗ lực của các hãng Android để phá cách đã thúc đẩy thế giới smartphone như thế nào. Nếu như không có sự sáng tạo của họ, đến năm sau chúng ta vẫn chỉ có "tai thỏ" là chuẩn mực. Những chiếc iPhone 2019, theo các mô hình rò rỉ, vẫn có phần khuyết màn hình như iPhone X.

Năm 2018, BGR từng đăng tải một bài viết cho rằng Apple đã dụ các hãng Android vào một "cái bẫy chết chóc" với thiết kế phần khuyết màn. Cây viết của BGR cho rằng các hãng Android chỉ biết sao chép, và sẽ sớm chịu thua Apple về khả năng tối ưu phần khuyết.

Thực tế cho thấy thế giới Android đã hoàn toàn vượt qua được trào lưu sao chép Apple và tự sáng tạo ra tương lai cho riêng mình.

Theo Zing

http://news.zing.vn/chi-2-nam-the-gioi-android-da-thoat-khoi-su-am-anh-cua-tai-tho-post954951.html