Chỉ 11% trẻ em được học về tự vệ trên mạng xã hội từ nhà trường

VietTimes -- Liên quan đến khía cạnh trẻ em và thanh niên với mạng xã hội (MXH), một nghiên cứu đã chỉ ra, cứ 5 trẻ em thì có 3 em có kỉ niệm đau buồn trên MXH, nhiều trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, hầu hết các em không được đào tạo để tự bảo vệ bản thân, chỉ 11% trẻ em được học về tự vệ từ nhà trường.
Bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng cũng tồn tại những thông tin và hành động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân và tổ chức tham gia sử dụng mạng. Ảnh minh họa.
Bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng cũng tồn tại những thông tin và hành động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân và tổ chức tham gia sử dụng mạng. Ảnh minh họa.

Đó là một trong những con số được bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) dẫn ra và gây chú ý tại Hội thảo “Hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” và “Lễ ra mắt Trung tâm an Toàn và Hội đồng đối tác An toàn TikTok Việt Nam” do Viện nghiên cứu chính sách phát triển truyền thông, một đơn vị thành viên của Hội Truyền thông số Việt Nam và TikTok Việt Nam đồng tổ chức sáng nay (19/12) tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam bày tỏ: “Với những phát triển vượt bậc của công nghệ, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta với nhiều thành quả tích cực không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng cũng tồn tại những thông tin và hành động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân và tổ chức tham gia sử dụng mạng”.

Đại diện các Hội, hiệp hội, các tổ chức có mặt tại hội thảo đều thống nhất, thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách phát luật trong quản lý phát triển mạng xã hội, đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước.

Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Đó có thể là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp Nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, chúng ta có thể nhận thấy, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay, Thứ trưởng nêu rõ.

Tại Hội thảo, ông Dương Khánh Dương - Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT đã có báo cáo tóm tắt về Bộ quy tắc gồm nhiều nội dung: Xu hướng sử dụng mạng xã hội, hiện trạng sử dụng mạng xã hội, kinh nghiệm quốc tế cũng như các nội dung cơ bản đối với từng đối tượng cung cấp và sử dụng mạng xã hội cụ thể.

Từ sự phân tích hiện trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay, kinh nghiệm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của nhà cung cấp dịch vụ… các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo trong đó đề ra nhiều giải pháp nâng cao tính hiệu quả, khả thi của Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, giải pháp thúc đẩy những giá trị tốt đẹp trên mạng xã hội, cũng như hiện trạng và giải pháp khắc phục những phát ngôn mang tính thù ghét… để hoàn thiện dự thảo nhằm tạo ra sự đồng thuận và bảo đảm nội dung cho Bộ quy tắc.

Đại diện các tổ chức tham gia Hội đồng Đối tác An toàn Việt Nam.
 Đại diện các tổ chức tham gia Hội đồng Đối tác An toàn Việt Nam.

Nhằm mục tiêu hỗ trợ và đảm bảo sự an toàn cho người dùng khi trải nghiệm trên ứng dụng, TikTok hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như Hội Truyền Thông Số Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên để cùng thành lập Hội đồng Đối tác An toàn Việt Nam. Thông qua sự hợp tác này, TikTok có thể trao đổi thông tin cũng như làm việc cùng với các đối tác nhằm cùng nhau vượt qua những thách thức quan trọng và mới nhất trong việc duy trì sự an toàn trực tuyến. Trung tâm An toàn chính là giải pháp mới nhất của TikTok nhằm mang đến một nền tảng an toàn và thân thiện dành cho tất cả người dùng tại Việt Nam.

Hoạt động này được đánh giá là một trong những nỗ lực gia tăng nhận thức của người dùng về an toàn trực tuyến và các biện pháp đảm bảo an toàn trực tuyến.

Ngoài thị trường Việt Nam, TikTok cũng đang tham gia nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn mạng ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Anh và Indonesia. Nền tảng video ngắn đồng thời hợp tác với các đối tác hành pháp và đối tác khác trong ngành nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của những nội dung và hoạt động trực tuyến bất hợp pháp.