|
Một binh sĩ Anh bắn súng trong cuộc tập trận ở Smardan, Romania, ngày 17/2. Ảnh: Getty. |
Giữa lúc Washington tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow và lặp lại những luận điểm giống Nga về cuộc chiến ở Ukraine, Nhà Trắng gần như ngầm khẳng định rằng châu Âu không thể tiếp tục trông cậy vào sự bảo trợ an ninh từ Mỹ như trước.
Nỗi lo ngại lớn nhất lúc này là viễn cảnh Mỹ rút quân khỏi châu Âu – một nguy cơ đã được chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ám chỉ trong chuyến thăm Ba Lan tuần trước. “Không ai có thể mặc định rằng sự hiện diện của Mỹ là mãi mãi”, ông Hegseth tuyên bố, làm dấy lên những quan ngại sâu sắc trong giới lãnh đạo châu Âu.
Mối hoài nghi càng tăng cao khi chính quyền Trump bị đặt nghi vấn về cam kết thực hiện Điều 5 của Hiệp ước NATO – điều khoản quy định nghĩa vụ phòng thủ tập thể. Hôm 20/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz phát biểu tại Nhà Trắng: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Điều 5, nhưng đã đến lúc các đồng minh châu Âu phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng công khai ý định rút Mỹ khỏi NATO – một viễn cảnh vẫn ám ảnh châu Âu, dù chưa rõ liệu ông có thể thực hiện điều đó mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội hay không.
“Đây là thời khắc mang tính quyết định. Châu Âu phải đứng lên”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố. Nhưng liệu lục địa già có đủ năng lực để tự mình đảm đương trách nhiệm an ninh?
Nếu Mỹ rời đi, châu Âu có đủ sức tự vệ?
Hiện có khoảng 100.000 binh sĩ Mỹ đồn trú khắp châu Âu, trong đó lực lượng lớn nhất – khoảng 35.000 quân – đóng tại Đức, theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Sự hiện diện này không chỉ là biểu tượng của mối quan hệ đồng minh bền chặt, mà còn đóng vai trò răn đe quan trọng đối với Nga. Nếu Mỹ đột ngột rút quân, giới chuyên gia cảnh báo châu Âu sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo vệ chính mình.
“Người châu Âu đang từng bước tiến vào một kịch bản mà trong đó, họ sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Mỹ nữa. Và tôi có thể khẳng định ngay bây giờ rằng họ không có đủ lực lượng, không có chiều sâu chiến lược, cũng như không có đủ khả năng để đảm nhiệm toàn bộ vai trò mà quân đội Mỹ đang thực hiện tại khu vực này”, Jim Townsend, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách NATO và châu Âu giai đoạn 2009-2018, nhận định.
Theo ông Townsend, châu Âu hiện đang “nhìn xuống vực thẳm”, và các đồng minh khu vực chưa có đủ năng lực để nhanh chóng tiếp quản vai trò mà Mỹ để lại.
Bài học từ sự chậm trễ
“Nếu châu Âu được cảnh báo trước 10 năm và có đủ thời gian để xây dựng lực lượng, tăng cường trang bị, thì họ đã có thể tự mình đối phó với Nga”, ông Townsend, hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận xét. “Người Nga không phải là những chiến binh bất bại, nhưng họ đã trở nên dày dạn kinh nghiệm trận mạc và hiện đại hóa đáng kể trong những năm gần đây”.
Điều đáng nói là, ngay cả khi Mỹ liên tục hối thúc các đồng minh tăng ngân sách quốc phòng trong nhiều năm qua, nhiều quốc gia châu Âu vẫn hành động chậm chạp. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Tại sao châu Âu không sớm chuẩn bị cho ngày mà họ có thể phải tự mình đứng vững?
Tuần trước, khi Tổng thư ký NATO Mark Rutte được hỏi về thời hạn cụ thể để các thành viên liên minh đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng mới ở mức 3% GDP, ông Rutte cho biết ông hy vọng những chi tiết này sẽ được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không thể để tình trạng năm 2014 lặp lại, khi NATO đặt ra mục tiêu 2% GDP nhưng không có bất kỳ động thái nào cho đến khi ông Trump trở thành Tổng thống. Và đột nhiên, các nước châu Âu và Canada mới tăng chi tiêu quốc phòng”.
Một cựu Ngoại trưởng Đông Âu cũng thẳng thắn nhận định với Politico: “Chúng ta đã có nhiều năm để củng cố quyết tâm quân sự và chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới với Mỹ, nhưng rồi lại lãng phí chúng”.
Châu Âu cần làm gì?
Hiện tại, ngân sách trực tiếp của NATO khá khiêm tốn, chỉ khoảng 4,8 tỷ USD mỗi năm, do các nước thành viên đóng góp, trong đó Mỹ và Đức là hai quốc gia gánh vác phần lớn, mỗi nước đóng góp khoảng 16% tổng ngân sách của liên minh. Tuy nhiên, điều thực sự quan trọng đối với sức mạnh tổng thể của NATO là mức chi tiêu quốc phòng riêng lẻ của từng nước thành viên.
Ông Trump hiện đang gây sức ép buộc các đồng minh phải nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% GDP mà NATO đặt ra cho từng nước thành viên vào năm 2024. Trong khi Mỹ chi khoảng 3,4% GDP cho quốc phòng, nước này vẫn chiếm hơn 50% tổng GDP dành cho quốc phòng của toàn liên minh. Tính đến năm ngoái, 23 trong số 32 thành viên NATO đã đạt được mục tiêu 2% GDP. NATO cũng đặt ra yêu cầu các nước phải dành ít nhất 20% ngân sách quốc phòng cho việc mua sắm các khí tài quân sự mới, tuy nhiên Canada và Bỉ vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí này.
Nhiều quốc gia châu Âu đang dần nhận thức rõ trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh khu vực. Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich: “Chúng ta không còn có thể ngồi ghế sau và nghĩ rằng có ai đó sẽ lái chiếc xe này. Không, chúng ta phải là người cầm lái”. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc các quốc gia NATO đạt được mục tiêu 5% GDP mà ông Trump đề xuất sẽ phụ thuộc vào mức độ mối đe dọa mà họ nhận thấy từ Nga như thế nào. Theo ông, Estonia và các nước Baltic có thể sẽ đạt được mức chi tiêu này trong vài năm tới.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm đầu tuần này cảnh báo rằng châu Âu đang đối mặt với một “thách thức mang tính thế hệ” về an ninh và kêu gọi toàn bộ khu vực tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc chỉ đơn thuần tăng ngân sách quốc phòng có thể không đủ để giải quyết vấn đề. Các nước châu Âu cũng cần có chiến lược rõ ràng về cách thức và địa điểm sử dụng nguồn tài chính này một cách hiệu quả.
Mặc dù châu Âu đã nhận ra sự cần thiết của việc tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng theo ông Jim Townsend, hành động này là quá muộn. Ông nhận định rằng các đồng minh châu Âu đã quá chủ quan và trì hoãn những thay đổi cần thiết trong suốt một thời gian dài.
Ông Townsend cho rằng NATO đã có những kế hoạch phòng thủ khu vực tương đối vững chắc, nhưng điều quan trọng hơn là châu Âu cần nhanh chóng đánh giá những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của mình nếu Mỹ rút lui. “Chúng ta cần xác định chính xác những khoảng trống trong tuyến phòng thủ trước Nga, và quốc gia nào có thể lấp đầy những khoảng trống đó”, ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, chính ông Trump đã “giật tung miếng băng dán” khỏi vết thương của NATO – một động thái đau đớn nhưng cần thiết, buộc châu Âu phải đối diện với thực tế rằng họ đã để năng lực quốc phòng suy yếu theo thời gian.
Chuyên gia hiến kế để châu Âu "lật ngược thế cờ" với Mỹ
Sau loạt đòn choáng váng của chính quyền Trump, châu Âu họp khẩn ở Paris
Ông Trump và ông Putin xích lại gần nhau, châu Âu đối diện "cơn ác mộng"
Theo New York Times