ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) đã thâm nhập vào sự kiện lớn nhất thế giới của ngành viễn thông. Từ nhà sản xuất chip đến nhà mạng di động đều nói về những thành tựu và tham vọng của họ trong công nghệ do AI cung cấp.
Francois Candelon, giám đốc toàn cầu của Viện Henderson, một nhóm chuyên gia cố vấn của Tập đoàn tư vấn Boston, cho biết: “Mọi ngành kiến thức có thể được số hóa về giọng nói, văn bản, video..đều chịu ảnh hưởng của AI”.
Cuối tháng 2, Qualcomm, nhà phát triển chip di động hàng đầu thế giới, vừa giới thiệu một thiết bị có thể biến những mô tả bằng lời nói đơn giản thành hình ảnh hoàn chỉnh chỉ trong 15 giây. Đây là một ví dụ về AI tổng thể, tương tự như AI cung cấp năng lượng cho ChatGPT.
Nhưng điểm hấp dẫn thực sự của cuộc trình diễn, theo Qualcomm, là các quy trình điện toán được thực hiện hoàn toàn trên thiết bị, thay vì dựa vào sức mạnh điện toán đám mây.
Chia sẻ với Nikkei Asia, Don McGuire, giám đốc tiếp thị của Qualcomm Technologies, cho rằng, sự kiện này là bằng chứng cho thấy một bộ xử lý di động có thể xử lý khối lượng công việc tính toán khổng lồ liên quan đến AI.
“AI on the edge (thuật toán AI được xử lý cục bộ trên một thiết bị phần cứng) thực sự quan trọng,” McGuire nói, đề cập đến khả năng của các thiết bị xử lý các quy trình điện toán mà không cần kết nối internet. Ông bổ sung, "66% dữ liệu được tạo ra vào năm 2030 sẽ không lưu trữ trên đám mây, nó sẽ được đặt ở Edge."
Theo McGuire, một lợi thế của điện toán Edge là chi phí. "Nhu cầu truy cập đám mây cho mọi truy vấn ChatGPT sẽ tiêu tốn một lượng điện năng lớn như vậy, điều này có thể gây khó khăn cho các trung tâm dữ liệu và tiêu tốn rất nhiều tiền."
McGuire cho biết, nếu có đủ nhu cầu, thì các tính năng như tính năng đã được Qualcomm giới thiệu có thể được thương mại hóa trong thế hệ bộ xử lý ứng dụng tiếp theo của Qualcomm và được sử dụng trong điện thoại thông minh của khách hàng.
Các nhà khai thác viễn thông cũng thảo luận về cách áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực của mình, nhưng rất ít công ty chuyên về công nghệ này như SK Telecom, công ty viễn thông lớn nhất ở Hàn Quốc.
SK Telecom đã công bố kế hoạch trở thành một công ty AI vào tháng 11 năm ngoái, một năm sau khi CEO Ryu Young-sang nhậm chức.
SK Telecom đã ra mắt chatbot hỗ trợ AI của riêng mình vào tháng 5 năm ngoái. Được gọi là "A." (phát âm là "A dot"), nó tương tự như ChatGPT nhưng bằng tiếng Hàn. Dịch vụ này đã thu hút hơn 1 triệu thuê bao trong nước.
Tuy nhiên, "A." vẫn là một dịch vụ miễn phí và con đường thương mại hóa đang "được xem xét", theo một lãnh đạo cấp cao của công ty này.
Microsoft, công ty đã khởi đầu cho sự bùng nổ ChatGPT bằng cách tích hợp ứng dụng này vào công cụ tìm kiếm của mình -- đã giới thiệu một hệ thống quản lý AI dựa trên đám mây dành cho các nhà khai thác viễn thông để hợp lý hóa việc quản lý mạng và cải thiện dịch vụ khách hàng.
Google cũng không chịu thua kém khi tuyên bố cho ra mắt Bard, một chatbot tương tự ChatGPT. Bard hoạt động dựa trên Mô hình ngôn ngữ dành cho các ứng dụng đối thoại (LaMDA).
Tờ Reuters cho biết, cuối tháng 2, Meta (công ty mẹ của Facebook) đã phát hành một mô hình ngôn ngữ lớn mới dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) mang tên LLaMA. LLaMA là viết tắt của cụm từ “Large Language Model Meta AI” (Mô hình Ngôn ngữ Lớn về AI của Meta). Meta cung cấp nó dưới dạng giấy phép phi thương mại cho các nhà nghiên cứu và những tổ chức liên kết với chính phủ, xã hội dân sự và học viện
Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, được cho là đang gặp gỡ các chuyên gia cao cấp từng làm việc tại Google để phát triển hệ thống AI mới, đối đầu ChatGPT.
Nguồn tham khảo: Nikkei Asia, Reuters