Lãi đậm như Red Bull Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giai đoạn 2019 - 2021, Red Bull Việt Nam ghi nhận 1.176 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ suất sinh lời ở mức 2 chữ số của công ty này được xem là 'thước đo' mức độ hấp dẫn của mảng nước tăng lực. 

Lãi đậm như Red Bull Việt Nam (Ảnh: Internet)
Lãi đậm như Red Bull Việt Nam (Ảnh: Internet)

Bật nắp một lon nước tăng lực, anh Nguyễn Văn Quang uống một hơi dài, rồi vội vã lái chiếc xe 4 chỗ đến điểm hẹn đón khách. Khi ấy là 5h sáng một ngày trung tuần tháng 2/2023.

Với vị ngọt đậm, nước tăng lực thường được người dùng Việt sử dụng như một loại thực phẩm chức năng, đem lại sự tỉnh táo và bổ sung năng lượng tức thời. Theo dữ liệu từ Vtown, nước tăng lực chiếm tới hơn 18% thị trường nước giải khát tại Việt Nam.

Thị trường này cũng thu hút nhiều gương mặt tham gia. Coca-Cola có Coca-Cola Energy và Samurai. PepsiCo với Sting và Rockstar. URC có Rồng Đỏ. Hansen với Monster Energy. Tân Hiệp Phát có Number 1, hay Masan với Wake-up 247. Gần nhất, Carabao cũng gây được nhiều sự chú ý khi cuộc xung đột tài trợ giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai và VPF được dư luận quan tâm.

Nhưng nhắc tới nước tăng lực, khó có thể bỏ qua Red Bull - thương hiệu ‘bò đỏ’ đã trở nên quen mặt với nhiều người tiêu dùng Việt.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Red Bull (Việt Nam) - viết tắt: Red Bull Việt Nam - được thành lập từ tháng 11/1994. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty hiện do ông Chanachai Earsakul (SN 1971) đảm nhiệm.

Red Bull Việt Nam làm ăn ra sao?

Kết quả kinh doanh của Red Bull Việt Nam
Kết quả kinh doanh của Red Bull Việt Nam

Gần 30 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, dữ liệu của VietTimes thể hiện, doanh thu thuần của Red Bull Việt Nam mới vượt mốc nghìn tỉ đồng trong ít năm trở lại đây.

Cụ thể, trong năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuần ở mức 1.013 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2018. Tuy nhiên, doanh thu thuần của Red Bull Việt Nam có xu hướng chững lại trong các năm 2020 và 2021, lần lượt ở mức 1.010,8 tỉ đồng và 1.037,6 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này, Red Bull Việt Nam đều ghi nhận mức tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu trên 36%. Chỉ trong 3 năm 2019 – 2021, công ty đã ghi nhận tổng cộng 1.176 tỉ đồng lợi nhuận.

Đều đặn báo lãi, tính đến cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.904,5 tỉ đồng, chiếm 92% tổng nguồn vốn. Lưu ý rằng, trong giai đoạn 2019 – 2021, vốn điều lệ đăng ký của Red Bull Việt Nam không đổi, được duy trì ở mức 65 tỉ đồng. Điều này cho thấy, phần lợi nhuận giữ lại được công ty tích lũy sau gần 30 năm hoạt động tại Việt Nam là rất đáng kể.

Lưu ý, các chỉ tiêu tài chính vừa nêu của Red Bull Việt Nam có thể không phản ánh đầy đủ tầm ảnh hưởng, doanh thu và lợi nhuận, của chủ thương hiệu ‘bò húc’ trên thị trường Việt Nam.

Ngoài việc sản xuất từ nhà máy Red Bull Việt Nam, các sản phẩm mang thương hiệu này cũng được nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan.

Tham vọng của giới chủ Red Bull tại Việt Nam

TCP là tập đoàn mẹ của thương hiệu Red Bull 'làm mưa gió' ở thị trường Việt Nam nhiều năm nay. Tập đoàn đến từ Thái Lan được thành lập từ năm 1956 bởi ông Chaleo Yoovidhya, tiền thân là một công ty dược phẩm mang tên TC Pharmaceutical Ltd.

Ít năm trở lại đây, trong bối cảnh thị trường Thái Lan ngày càng trở nên cạnh tranh và tăng trưởng chậm lại, TCP và nhiều tập đoàn khác của quốc gia này đã và đang tìm cách phát triển ở thị trường nước ngoài.

Nên biết, trong năm 2018, TCP đã mở văn phòng nước ngoài đầu tiên, đặt tại Việt Nam.

"Việc mở văn phòng tại Việt Nam là một phần trong kế hoạch 5 năm được công bố vào năm 2017, mục tiêu là tăng gấp ba doanh thu, lên 100 tỉ baht", CEO TCP Saravoot Yoovidhya cho biết.

Theo đại diện TCP, các sản phẩm của tập đoàn đã đạt mức tăng trưởng lên tới 25%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường nước tăng lực. Đồng thời, tập đoàn này cũng sẽ đầu tư 4 tỉ baht (tương đương khoảng 120 triệu USD) vào Việt Nam trong 3 năm tới (2019 - 2021), tập trung vào hoạt động marketing./.