Chatbot mới nhất của OpenAI khiến người dùng Trung Quốc phát cuồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chatbot OpenAI mới nhất đã tạo ra sự hứng thú đối với những tín đồ về công nghệ ở Trung Quốc trong tuần qua.
Chatbot mới nhất của OpenAI khiến người dùng Trung Quốc phát cuồng (Ảnh: SCMP)
Chatbot mới nhất của OpenAI khiến người dùng Trung Quốc phát cuồng (Ảnh: SCMP)

Chatbot OpenAI mới nhất đã tạo ra sự hứng thú đối với những tín đồ về công nghệ ở Trung Quốc trong tuần qua mặc dù dịch vụ này chính thức không có sẵn cho người dùng Trung Quốc.

ChatGPT, giải đáp các câu hỏi của người dùng, là một dự án từ OpenAI, một phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) có trụ sở tại San Francisco được thành lập vào năm 2015 bởi một nhóm các cá nhân và tổ chức, bao gồm cả Giám đốc điều hành hiện tại Sam Altman. Elon Musk của Tesla cũng là một trong những người sáng lập đầu tiên.

ChatGPT là sản phẩm mới nhất trong một loạt AI mà công ty gọi là GPT, từ viết tắt của Generative Pre-Trained Transformer.

Các cuộc thảo luận liên quan đến ChatGPT đã trở thành xu hướng trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, nhiều người dùng tại Trung Quốc đã hào hứng chia sẻ cuộc hội thoại giữa mình và chatbot lên mạng xã hội - sau khi họ sử dụng các phần mềm fake VPN để có thể sử dụng dịch vụ.

Người dùng có thể làm rất nhiều thứ với chatbot này, ví dụ như việc yêu cầu nó tạo ra một đoạn mã code, tìm kiếm lời khuyên trong cuộc sống hay chỉ đơn giản là tán gẫu với nó.

Phản ứng tích cực từ người dùng ở Trung Quốc, quốc gia đang cố gắng phát triển thành cường quốc AI toàn cầu, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với các ứng dụng AI hữu ích từ người dùng internet thông thường. Một người dùng Weibo có tên Wangluobei đã chia sẻ một bức ảnh chụp màn hình anh ấy yêu cầu chatbot giúp anh ấy sửa bài báo cáo hàng tuần trở nên chi tiết hơn, anh ấy nói rằng “đây chắc chắn là điều cần thiết đối với những người làm việc trong ngành internet”.

Theo Altman, dịch vụ này đã trực tuyến vào ngày 30 tháng 11 và vượt mốc 1 triệu người dùng sau sáu ngày. Hệ thống sử dụng deep learning để tạo ra văn bản giống con người, được thiết kế để giúp việc nói chuyện với chatbot trở nên tự nhiên và giống như đang tương tác với một người thật.

Sự tiến bộ của ChatGPT trong những năm qua đã khiến Elon Musk phải thốt lên rằng "nó tốt một cách đáng sợ" và cảnh báo rằng "chúng ta cần đề phòng khi công nghệ AI ngày một thông minh".

Lần cuối cùng người dùng internet Trung Quốc hào hứng với một chatbot là gần một thập kỷ trước vào năm 2014, khi Microsoft ra mắt Xiaoice, một chatbot dựa trên “khuôn khổ điện toán cảm xúc” từng được công ty ca ngợi là hiện tượng chatbot ở Trung Quốc.

Chatbot của gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Seattle ban đầu đã gây ấn tượng với hàng triệu người dùng Trung Quốc, những người đã tìm đến chatbot này để xin lời khuyên xoay quanh các vấn đề về cuộc sống và các mối quan hệ. Tuy nhiên, hệ thống này bị phát hiện chỉ trích chính phủ Trung Quốc trong một số tương tác và đã bị cấm vào năm 2019. Nhóm phát triển Xiaoice sau đó đã tách ra thành lập công ty riêng để tiếp tục vận hành chatbot này. Kết quả là Xiaocie đã không lấy lại được "ánh hào quang" như lúc mới phát hành.

Sự thất sủng của Xiaoice là một câu chuyện cảnh báo cho các dịch vụ AI như ChatGPT, chứng minh rằng sự thích thú của người dùng đối với các chatbot AI chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Một số người dùng đã nhận thấy rằng ChatGPT đôi khi đưa ra những câu trả lời nghe quá nghiêm túc cho những câu hỏi rất đơn giản. Công ty đã thừa nhận chatbot “đôi khi đưa ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa”, đồng thời nói thêm rằng việc khắc phục sự cố là một thách thức.

Khi Post kiểm tra ChatGPT, nó đã đưa ra những câu trả lời rất khác nhau bằng tiếng Trung và tiếng Anh khi được hỏi cùng một câu hỏi về cơ cấu chính trị và tình trạng dân chủ của Trung Quốc. Bản thân ChatGPT đã giải thích rằng đây là một mô hình ngôn ngữ được đào tạo – khả năng trả lời các câu hỏi của nó dựa trên quá trình đào tạo mà nó trải qua và kho kiến thức mà nó sở hữu.

Theo SCMP